Lý do: Chủ đầu tư là Công ty Tamexim đã dùng khu chung cư này làm tài sản bảo đảm để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ cho Công ty Cổ phần Thanh Niên, cả con nợ và bên bảo lãnh khoản vay này đều vi phạm nghĩa vụ trả nợ. Và giờ ngân hàng siết nợ bằng tài sản thế chấp để bảo toàn vốn, theo hợp đồng đã ký.
Với đa phần cư dân, căn hộ là tài sản lớn nhất mà họ có sau một thời gian dài lao động, tích lũy và dành dụm với giấc mơ an cư. Về mua bán, họ ngay thẳng, thật tình, hợp pháp, thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ đóng tiền theo tiến độ. Thông báo dọn đồ ra khỏi nhà có nghĩa là giấc mơ an cư và gia sản bỗng dưng bị tước đoạt. Cho dù căn cứ trên cái gì thì điều đó cũng không ai có thể chấp nhận. Với ngân hàng, bỏ ra một khoản tiền lớn để kinh doanh cho vay, giờ không đòi được cũng là điều không chấp nhận.
“Hình như có điều gì đó sai sai ở đây!”, câu nói dân gian phổ biến gần đây, áp với trường hợp này bỗng nhiên hợp lý! Nhưng cái điều “sai sai” ấy đến từ đâu? Pháp luật nào cũng chỉ được hiện thực hóa bởi hành vi, mà hành vi thì bắt nguồn từ nhận thức, đạo đức và trách nhiệm. Ở đây, người dân khi thực hiện giao dịch đã đặt niềm tin vào người bán, là Công ty Tamexim. Việc nhận tiền của người mua cho tài sản hình thành trong tương lai, nhận niềm tin của người khác nhưng lại mang tài sản ấy đi bảo lãnh cho người khác vay tiền mà người mua không được hỏi ý kiến không thể nói là một hành vi ngay thẳng và đúng đắn. Đặt người dân đã mua nhà và trả tiền vào thế dở khóc dở cười khi bị dọa đuổi đi cũng không thể gọi là một hành vi có trách nhiệm, bất luận với lý do gì.
Ngân hàng BIDV cho Công ty Thanh Niên vay tiền và nhận bảo đảm thanh toán với tài sản thế chấp là khu chung cư đã đôn đốc, thúc đẩy như thế nào, đã giám sát ra sao? Ngân hàng phải biết rằng công ty này xây chung cư để kinh doanh chứ không phải để ở, vậy thì suốt quá trình giao dịch, mua bán các căn hộ - tài sản bảo đảm trả nợ thay - ngân hàng có biết không? Có biết rằng việc phong tỏa tài sản để bảo toàn vốn sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống hàng trăm hộ dân với hàng ngàn con người không?
Bên bảo lãnh, trách nhiệm thế nào? Giúp ai đó với lời hứa bảo lãnh khi bản thân mình không đủ khả năng thực hiện lời hứa, liệu là điều đúng hay sai?
Và chính quyền, khi trong địa phương mình có hàng ngàn con người đang bị đe dọa sự an cư, cuốn theo bao nhiêu cuộc đời, bao nhiêu số phận nhưng trước đó chính quyền không hay biết hẳn cũng “có điều gì đó sai sai”.
Harmona không phải là khu chung cư duy nhất mà chủ đầu tư vừa bán cho khách hàng theo kiểu giao dịch tài sản hình thành trong tương lai hoặc hợp đồng góp vốn, vừa mang đi cầm cố thế chấp hoặc bảo lãnh vay tiền… Chúng ta đã có quá nhiều bài học về kiểu kinh doanh “mượn đầu heo nấu cháo” như vậy mà sự thiệt thòi nghiêng về phía người dân, sự bất ổn ảnh hưởng đến xã hội.
Khi người mua nhà giao tiền, giao cả mơ ước an cư và niềm tin, còn người bán thì lấy niềm tin ấy đi thế chấp, người bảo lãnh thì ngó lơ không thực hiện trách nhiệm bảo lãnh, người cho vay thì chỉ biết tiền lãi và tài sản thế chấp mà không giám sát chặt quá trình sử dụng vốn thì xã hội sẽ còn những bất ổn.
Và để những bất ổn ấy xảy ra, chính quyền cũng cần nghĩ về vai trò kỹ trị của mình.