Cây xanh được trồng trên các đường phố không chỉ có tác dụng che bóng mát, điều hòa dưỡng khí mà cây còn được xem là “hồn” đô thị.
Không có bất cứ một đô thị nào trên thế giới này được xem là đẹp, là đáng sống lại không có nhiều cây xanh, bởi vậy cây xanh là cực kỳ quan trọng.
Thủ đô Hà Nội, TP.HCM... là hai trong số những đô thị ở nước ta có rất nhiều đường phố có quy hoạch từ thời Pháp thuộc với các hàng cây xanh cổ thụ rợp bóng mát. Có nhiều cây tuổi đời cả trên trăm năm, đường kính thân cây hơn cả mét và chiều cao cả mấy chục mét.
Những hàng cây đại thụ ấy chính là tài sản, là vốn quý trong đô thị mà các thế hệ chúng ta phải chăm sóc, giữ gìn như những bảo vật.
Bản thân tôi và những người yêu cây xanh từng rất đau lòng khi phải chứng kiến không ít con phố có những hàng cây đại thụ rợp bóng mát bị cưa phá bỏ đi để mở rộng đường sá, nâng cấp...
Dẫu việc phá bỏ đi là phục vụ cho mục đích và lợi ích chung nhưng sự bùi ngùi pha lẫn luyến tiếc là khó tránh khỏi với không ít người. Nhất là những ai từng gắn bó với những hàng cây từ thuở thiếu thời...
Quay lại với chuyện cây xanh đô thị bị xâm hại, thực ra không chỉ có những cây xà cừ bị người ta đục đẽo lớp vỏ nham nhở mới đây. Nhiều người thiếu ý thức chỉ vì cái cây đứng chắn phía trước cửa nhà, cửa hiệu, ảnh hưởng đến quyền lợi... để rồi họ đã âm thầm “đầu độc”.
Bằng nhiều cách, họ đổ dầu nhớt, nước đun sôi, nước muối... vào xung quanh gốc cây. Khi bị tác động như vậy, cây có thể không chết ngay nhưng không sớm thì muộn những cây đó sẽ chết thôi.
Một cách làm công khai hơn là việc đóng đinh, ghim vật nhọn, cứng vào thân cây để móc, treo đồ vật. Cách này không làm cây xanh chết hẳn nhưng cũng “hành hạ” làm cho chúng bị u bướu do chất nhựa cây từ vết xâm hại tạo thành.
Thiết nghĩ ngoài việc tự ý thức của mỗi người, các cơ quan chức năng phải xử phạt thật nghiêm các hành vi xâm phạm cây xanh. Có như vậy mới hy vọng mọi hành vi trên không tái diễn nữa.