Ngày 26-11, UBND huyện Bình Chánh, TP.HCM tổ chức ra quân tổng vệ sinh môi trường, xử lý các điểm xả rác không đúng nơi quy định trên địa bàn 16 xã, thị trấn với gần 4.600 người tham gia. Theo báo cáo sau khi ra quân, huyện Bình Chánh đã xóa được 32 điểm tồn đọng rác thải, thu gom hơn 50 tấn rác, trồng gần 6.000 cây xanh.
Xóa hàng chục điểm tồn đọng rác
Tại buổi ra quân, bà Phan Thị Cẩm Nhung, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, chia sẻ công tác bảo vệ môi trường của huyện luôn được quan tâm. Huyện đã kiểm tra, xử lý nghiêm và kịp thời các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm các quy định của pháp luật về môi trường, hạn chế thải bỏ chất thải công nghiệp ra môi trường gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Tuy nhiên, theo bà Nhung, tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung và xả rác không đúng nơi quy định vẫn còn diễn ra phổ biến, đặc biệt là ở các tuyến đường lớn, các khu vực đất trống. Ở những khu dân cư thưa dân cũng vẫn còn tình trạng đổ rác bừa bãi với khối lượng lớn. “Nhằm phát huy hiệu quả sau các đợt ra quân tổng vệ sinh môi trường, xử lý các điểm xả rác không đúng nơi quy định, huyện kêu gọi các ngành, các cấp, doanh nghiệp, cơ quan tổ chức và cộng đồng cùng chung tay nâng cao nhận thức và hành động để bảo vệ môi trường. Nói không với hành vi xả rác đúng nơi quy định, đảm bảo phân loại, chuyển giao rác cho đơn vị thu gom đúng quy định” - bà Nhung nói.
Bà Hồ Ngọc Hiếu, Chủ tịch UBND xã Qui Đức, huyện Bình Chánh, chia sẻ nhằm giữ gìn vệ sinh môi trường, xã duy trì tỉ lệ 100% các điểm ô nhiễm môi trường do tồn đọng rác thải được giải quyết, không để tái phát và phát sinh thêm điểm ô nhiễm mới. UBND xã đã thực hiện xóa điểm phát sinh rác tại Quốc lộ 50, đường Đoàn Nguyễn Tuân, thực hiện hàng rào chắn tạm tại điểm phát sinh rác. Hiện nay, các điểm phát sinh rác đã được khắc phục, chất lượng môi trường được cải thiện.
“Buổi ra quân dọn vệ sinh môi trường hôm nay xã có khoảng 250 người tham gia thu dọn và tôn tạo cảnh quan. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì dọn vệ sinh tại các tuyến đường. Đồng thời sẽ tiếp tục duy trì thực hiện các mô hình như xây dựng các tuyến đường xanh, trồng hoa tại các khu vui chơi, xây dựng tuyến kênh xanh...” - bà Hiếu nói.
Bà Hiếu cho biết xã cũng đã bố trí lực lượng nòng cốt vận động người dân tham gia cùng chính quyền thực hiện dọn rác trước nhà, từ đó từng bước hình thành ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường. Đây là việc làm thiết thực và thể hiện sự đồng lòng, chung tay giữ vững danh hiệu xã sạch - xanh - thân thiện với môi trường.
Tố giác vi phạm qua ứng dụng “Bình Chánh trực tuyến”
Bên cạnh công tác thu dọn rác, vệ sinh môi trường tại các tuyến đường, huyện Bình Chánh cũng đã thực hiện nhiều giải pháp để giảm ô nhiễm.
Cụ thể, theo báo cáo của huyện Bình Chánh liên quan đến chương trình “giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020-2025”, trong năm 2023, người dân trên địa bàn huyện đã tích cực tham gia giám sát, phát hiện và tố giác các hành vi vi phạm về vệ sinh, môi trường thông qua phần mềm ứng dụng “Bình Chánh trực tuyến” và các kênh thông tin đường dây nóng của TP, cổng thông tin 1022.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất phát sinh công nghiệp được thực hiện chặt chẽ. Hoạt động xả nước thải gây ô nhiễm môi trường tại 26 cơ sở đã chấm dứt. Các giải pháp nhằm đảm bảo việc chấp hành quyết định xử phạt vi phạm của các đơn vị vi phạm đang được triển khai thực hiện. “UBND huyện bước đầu thực hiện các bước vận động chủ cho thuê đất, nhà xưởng chấm dứt hợp đồng cho thuê đối với các cơ sở hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Qua rà soát cho thấy có 26 cơ sở đã di dời” - báo cáo nêu rõ.
Ngoài ra, theo báo cáo, hoạt động xử lý nước thải tại các khu công nghiệp, khu dân cư xây mới được giám sát chặt chẽ qua hệ thống quan trắc liên tục tự động. Dữ liệu quan trắc được truyền trực tiếp về Trung tâm Quan trắc và phân tích môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường để giám sát trực tuyến.•
Khó khăn trong chuyển đổi phương tiện thu gom rác
Theo báo cáo của UBND huyện Bình Chánh, bên cạnh các kết quả đã đạt được trong công tác giảm ô nhiễm môi trường thì huyện vẫn còn gặp không ít khó khăn.
Cụ thể, công tác chuyển đổi phương tiện thu gom rác thải còn nhiều khó khăn do thiếu nguồn vốn vay hỗ trợ từ Quỹ Bảo vệ môi trường. Đồng thời phương tiện thu gom sau chuyển đổi chưa phù hợp với các tuyến đường nhỏ trong các cụm dân cư trên địa bàn huyện. Công tác triển khai các công trình nạo vét, cải thiện chất lượng nguồn nước kênh rạch trên địa bàn huyện còn chậm, nhiều công trình đang ở giai đoạn lập thủ tục đầu tư, điều chỉnh dự án.
Ngoài ra, nhân sự thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại các xã, thị trấn chưa đảm bảo về số lượng và chất lượng, phần lớn là kiêm nhiệm, không đảm bảo về chuyên môn và sự tập trung cho công tác. Đặc biệt là thiếu nhân sự tại các xã điểm về môi trường, cơ sở ô nhiễm và nguy cơ ô nhiễm tập trung nhiều như các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Lê Minh Xuân, Tân Nhựt...