‘Xóa sổ’ chương trình chất lượng cao trong trường đại học

(PLO)- Từ tháng 12-2023, các trường đại học không còn chương trình chất lượng cao. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư số 11/2023/TT-BGDĐT về việc bãi bỏ Thông tư số 23/2014/TT-BGDĐT ngày 18/7/2014 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học (ĐH).

Thông tư mới có hiệu lực từ ngày 1-12-2023. Các khóa tuyển sinh chương trình đào tạo chất lượng cao trước thời điểm Thông tư 11/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện cho đến hết khóa học. Như vậy, đây sẽ là năm cuối các trường ĐH được tuyển sinh và đào tạo khóa mới cho chương trình này.

Việc bãi bỏ nhằm thực hiện Luật Giáo dục ĐH sửa đổi (năm 2018). Cụ thể, Luật cho phép các trường ĐH tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình. Thế nhưng quy định chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục ĐH trong đó không có khái niệm "chương trình đào tạo chất lượng cao".

Được biết, từ năm 2014, khi thông tư 23/2014/TT-BGDĐT có hiệu lực, hệ thống các ĐH quốc gia, ĐH vùng, học viện, trường ĐH (bao gồm các trường ĐH thành viên của ĐH quốc gia, ĐH vùng) trong hệ thống giáo dục quốc dân bắt đầu được đào tạo chương trình chất lượng cao, bên cạnh chương trình đào tạo đại trà và chương trình đào tạo nước ngoài.

Theo đó, chương trình đào tạo chất lượng cao được xây dựng và phát triển trên nền của chương trình đào tạo đại trà của cơ sở đào tạo.

Điểm khác biệt ở chương trình này là chuẩn đầu ra phải cao hơn đầu ra của chương trình đào tạo đại trà tương ứng về năng lực chuyên môn; năng lực ngoại ngữ; năng lực ứng dụng công nghệ thông tin; năng lực dẫn dắt, chủ trì và làm việc nhóm; khả năng thích nghi với môi trường công tác; riêng năng lực ngoại ngữ tối thiểu phải đạt bậc 4/6 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (hoặc tương đương).

Giảng viên phải có trình độ thạc sĩ trở lên, có năng lực chuyên môn. Giảng viên dạy các học phần chuyên môn bằng ngoại ngữ; có giảng viên uy tín của các trường đại học nước ngoài (bao gồm cả giảng viên Việt Nam có quốc tịch nước ngoài)…

Sinh viên chương trình này có phòng học riêng, được trang bị máy tính kết nối mạng internet và các thiết bị hỗ trợ giảng dạy, học tập. Mỗi sinh viên có nơi tự học ở trường, được sử dụng mạng internet không dây.

Bên cạnh đó, phải có đủ giáo trình, tài liệu tham khảo trong, ngoài nước và được cập nhật thường xuyên. Có thư viện và thư viện điện tử cho giảng viên và sinh viên tra cứu và sử dụng trong giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học...

Sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM trong một giờ thực hành kỹ năng. Ảnh: NT

Sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM trong một giờ thực hành kỹ năng. Ảnh: NT

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PLO, mặc dù thông tư mới của Bộ GD&ĐT có hiệu lực từ tháng 12-2023, nhưng từ mùa tuyển sinh này, nhiều trường ĐH tại TP.HCM đã không còn chương trình đào tạo chất lượng cao. Thay vào đó được chuyển đổi bằng những tên khác và học phí luôn nằm trong tốp cao ở các trường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm