Xót xa ‘làng ung thư’ ở Bình Thuận

BS Nguyễn Bá Tòng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Thuận, cho biết trong vòng 12 năm qua tại Mê Pu đã có 120 ca tử vong vì ung thư, trong đó có 51 nữ, 69 nam. Ung thư tập trung nhiều nhất là gan, phổi, dạ dày, đại trực tràng, hầu, hạch, máu, thực quản, tử cung rồi mới đến các loại ung thư não, mắt, lưỡi, vú, thận, xương, tủy…

Mê Pu là xã thuần nông nằm phía bắc huyện Đức Linh (Bình Thuận) giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng. Người dân ở đây đều có gốc gác từ Quảng Nam, Quảng Trị, năm 1960 được chế độ Ngô Đình Diệm đưa vào lập dinh điền.

Xót xa người ở lại

Theo y sĩ Võ Đình Thi, công tác tại Trạm Y tế Mê Pu, gần như tất cả trường hợp đang mắc bệnh ung thư hoặc đã qua đời ở Mê Pu đều có hoàn cảnh rất thương tâm, nhiều gia đình khánh kiệt do dốc sức chạy chữa khắp nơi cho người thân theo kiểu “còn nước còn tát”.

Y sĩ Thi đưa chúng tôi đến thăm gia đình bà Lê Thị Thiện ở cạnh trạm y tế xã, là một trong những trường hợp tử vong do ung thư mới nhất tại Mê Pu. Bà Thiện bị ung thư gan và mất ở tuổi 54, cách nay khoảng hai tháng, bàn thờ dựng vội vẫn còn mới tinh, khói nhang nghi ngút. Các con bà Thiện cho biết cách nay hơn một năm phát hiện mẹ bị vàng da, mệt mỏi liền đưa bà vào BV Ung bướu TP.HCM khám mới biết bà đã bị ung thư gan rất nặng. Gia đình đã phải chạy vạy vay mượn tiền rồi bán đổ bán tháo tài sản để đưa bà vào hóa trị, xạ trị đến rụng hết cả tóc lẫn lông mi, lông mày. Tuy nhiên, chỉ được vài tháng thì bệnh phát nặng hơn và qua đời.

Thương tâm nhất có lẽ là trường hợp của anh Nguyễn Ngọc Hà ở thôn 5 bị ung thư hầu, qua đời cuối năm 2014 khi mới 44 tuổi. Năm 2012, vợ anh Hà mất vì bệnh tim cũng là lúc anh phát hiện mình bị ung thư. Lo cho hai con còn nhỏ vừa mồ côi mẹ, anh Hà giấu nhẹm gia đình lao vào làm việc quần quật kiếm tiền. Không bao lâu sau thì bệnh phát nặng, cha anh Hà là ông Nguyễn Ngọc Thu đã 70 tuổi vẫn phải cố đưa con trai vào TP.HCM chữa trị. Sau đó anh Hà được đưa về nhà thì ra đi. Bây giờ hai đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ sống với ông nội, còn căn nhà nhỏ dưới chân núi Tà Pứa của anh Hà đóng cửa suốt ngày, lạnh lẽo chỉ đến tối ông Thu mới qua thắp nhang cho con trai và con dâu...

Làng ung thư” Mê Pu dưới chân núi Tà Pứa. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Ông Nguyễn Ngọc Thu thắp nhang cho con trai và con dâu trong căn nhà hoang không người ở. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Vùng đất trũng dưới chân núi

Nơi đây là vùng đất trù phú, HTX Nông nghiệp Mê Pu từng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, thế nhưng người dân lại luôn hoang mang, lo lắng khi liên tục chứng kiến người thân rồi hàng xóm lần lượt ra đi vì căn bệnh ung thư quái ác.

Do là vùng trũng, mạch nước ngầm lộ thiên nhiều vô kể nên giếng nước ở khu vực này chỉ cần đào 3-5 m là đủ dùng cả năm. Tuy nhiên, nước ở đây đều trắng đục như nước cơm, còn vị nước thì rất nhạt nhẽo. Tháng 3-2015, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Thuận đã lấy ba mẫu nước giếng đào tại khu vực có người bị mắc bệnh ung thư đang còn sống ở thôn 3 và thôn 8. Kết quả cả ba mẫu nước đều không đạt tiêu chuẩn khi các hàm lượng lý hóa trong nước rất cao.

BS Nguyễn Bá Tòng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Thuận, cho biết Sở Y tế vừa phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang tiến hành điều tra, khảo sát điều kiện địa lý, địa chất tại chín hộ gia đình ở Mê Pu. Kết quả sơ bộ, chín hộ gia đình có người đang bị ung thư đều làm nông, nguồn nước ăn uống, sinh hoạt đều là giếng đào. Trong số chín hộ thì có đến tám hộ thường xuyên sử dụng thuốc trừ sâu, diệt cỏ trong nông nghiệp. Hiện vẫn đang tiếp tục chờ kết quả phân tích mẫu nước từ Viện Pasteur Nha Trang gửi về.

Nhiều cán bộ và người dân ở Mê Pu dù không biết về chuyên môn nhưng vẫn khẳng định nguyên nhân xảy ra ung thư hàng loạt tại đây là do nguồn nước bị nhiễm độc và tập trung vào các vùng đất trũng. Suy đoán này cũng khá hợp lý bởi toàn xã Mê Pu có chín thôn thì tám thôn đều có người tử vong vì ung thư, riêng thôn 7 (nằm trên đồi cao và gần như biệt lập với các thôn khác) từ trước tới nay vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào qua đời vì bệnh ung thư.

Một thôn, hai năm có tám người ung thư tử vong

Toàn xã có chín thôn nhưng hầu hết ca bệnh ung thư đều tập trung tại ba thôn 4, 5 và 8. Các thôn này nằm ở vùng đất khá trũng, dưới chân ngọn núi Tà Pứa, thường được gọi là làng Mê Pu. Nếu như thôn 4 có tới 22 người tử vong vì ung thư trong vòng 12 năm qua thì thôn 8 trong chín năm qua, từ 2005 đến 2014 đã có 25 người vĩnh viễn lìa bỏ cõi đời khi tuổi còn khá trẻ. Thôn 1 cũng có tới 18 người chết vì ung thư. Còn thôn 5, nằm trong vùng trũng cũng góp vào “danh sách tử thần” tới 15 người. Riêng thôn 8, nơi được xem là cái rốn ung thư của cả làng, chỉ trong hai năm 2012-2013 đã có tới tám người tử vong vì các loại ung thư dạ dày, gan, phổi…

_________________________________________

10 là số “làng ung thư” tại Việt Nam có nguồn ô nhiễm nặng nhất đã được công bố bởi dự án “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước hợp vệ sinh phục vụ cấp nước sinh hoạt cho một số “làng ung thư” của Việt Nam”. Trong số đó có làng Mê Pu, xã Mê Pu, huyện Đức Linh, Bình Thuận. Dự án trên do Bộ TN&MT triển khai thực hiện. Cụ thể, khảo sát tại các xã của 37 “làng ung thư” đã có 1.136 người chết vì các bệnh ung thư. Ngoài ra còn có 380 người ở các xã lân cận cũng chết bởi ung thư. Số người chết vì bệnh ung thư vừa nêu là tính trong vòng 5-20 năm trở lại đây. Nơi có nhiều người chết vì ung thư nhất là 139 người, đó là làng Thạch Khê, xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao (Phú Thọ). Còn ở làng ít nhất cũng có sáu người chết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm