Ngày 25-4, TAND TP Cần Thơ xử phúc thẩm vụ án nạn nhân chết sau một tháng bị đâm mà báo Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh. Tòa đã bác kháng cáo của các bị cáo, chấp nhận một phần kháng nghị của VKSND quận Ninh Kiều và một phần kháng cáo của đại diện gia đình bị hại.
Theo đó, tòa sửa án sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Đinh Văn Táng 11 năm tù, Huỳnh Sang Trọng và Phan Thanh Qui mỗi bị cáo tám năm tù, Nguyễn Trương Hồng Thái bảy năm tù, Huỳnh Quang Vinh và Phạm Hoàng Duy mỗi bị cáo bốn năm tù, cùng về tội cố ý gây thương tích (dẫn đến chết người). Ngoài ra, tòa còn kiến nghị xem xét lại tội danh các bị cáo theo trình tự giám đốc thẩm.
Như vậy, so với án sơ thẩm, mức hình phạt của các bị cáo tăng lên khá nhiều (sơ thẩm phạt Táng bảy năm tù, các bị cáo còn lại chỉ từ một năm sáu tháng đến ba năm tù).
Chết sau gần một tháng điều trị
Như đã đưa tin, nại cớ bị hại NHD đi nhậu chung thường không trả tiền mà các bị cáo Qui và Thái bàn nhau sẽ đánh dằn mặt bị hại tại bàn nhậu mừng sinh nhật một người bạn chung. Vinh nghe thấy xin tham gia nhưng Qui không cho. Do lúc vào quán D. có chửi Vinh nên khi D. chở bạn gái đi trước thì Vinh lấy ghế nhựa đánh nhưng không trúng. Táng nghe Vinh kể bị D. đánh nên đuổi đánh D.
Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm ngày 25-4. Ảnh: N.NAM
Cả nhóm bị cáo đuổi theo, D. bỏ chạy qua quán nhậu bên đường, trong đó Trọng cầm theo cây kéo. Do chủ quán không cho vào nên cả nhóm đi về lại quán của mình. Trên đường về, Táng giật cây kéo của Trọng tiếp tục cùng Vinh đi tìm D. Táng tìm thấy D. trốn dưới ghế đá bên đường nên dùng kéo đâm nhiều nhát vào bụng, lưng. Các bị cáo khác khi nghe hô tìm thấy D. đã cùng nhào tới dùng tay, chân đánh, đá vào người nạn nhân đến khi thấy chảy máu thì dừng lại rồi bỏ về quán nhậu.
D. được đưa đi cấp cứu và đến ngày 3-11-2013 (gần một tháng sau) thì tử vong. Giám định kết luận D. chết do choáng nhiễm trùng, nhiễm độc do viêm đa nội tạng, sau hậu phẫu vết thương thủng ruột non do vật nhọn gây ra.
Chết do bị đâm hay do cứu chữa?
Các bị cáo bị VKS truy tố về tội cố ý gây thương tích (dẫn đến hậu quả chết người). TAND quận Ninh Kiều từng trả hồ sơ yêu cầu VKS xác định lại tội danh các bị cáo là cố ý gây thương tích hay giết người. Tuy nhiên, VKS vẫn bảo lưu quan điểm và tòa sơ thẩm đã xử các bị cáo về tội cố ý gây thương tích như đã nói.
Về vấn đề này, luật sư Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao, từng phân tích: Nói chung đối với trường hợpnếu không có dự mưu từ trước, không có sự bàn bạc giết người từ trước, không có ý định tước đoạt tính mạng của nạn nhân từ trước mà nạn nhân bị đâm, bị chém, bị đánh… sau một thời gian ba, bốn ngày mới chết thì các tòa thường định tội là cố ý gây thương tích dẫn đến chết người.
Theo ông Quế, trong vụ án này cần làm rõ một số vấn đề để định tội danh chính xác: Hai bị cáo rủ nhau “đánh dằn mặt” anh D. vì uống rượu thường không hùn tiền trả là đánh như thế nào. Các bị cáo khác có nhìn thấy một bị cáo giật kéo từ tay bạn để đâm anh D. hay không. Nếu sau khi anh D. đã bị người này đâm, các bị cáo khác đều biết nhưng vẫn còn xông vào đấm đá nạn nhân thì các bị cáo phải chịu chung về hậu quả do người đâm gây ra cho nạn nhân.
“Đặc biệt, cần phải làm rõ nguyên nhân gây ra cái chết cho anh D. là do bị đâm, bị đấm đá hay do bị nhiễm trùng, nhiễm độc dẫn đến tử vong. Nếu nguyên nhân dẫn đến cái chết của anh D. là do khâu cứu chữa thì không thể buộc các bị cáo chịu trách nhiệm về cái chết của anh D. được. Bởi lẽ hành vi của các bị cáo chỉ gây ra thương tích, còn cái chết của nạn nhân là do điều trị, để nhiễm trùng” - luật sư Quế nói.
“Xâm hại tính mạng chứ không phải sức khỏe”
Tại phiên phúc thẩm lần này, các vấn đề nêu trên đã được HĐXX đánh giá khá đầy đủ. Theo tòa, về ý thức, các bị cáo cùng cố ý thực hiện hành vi xâm hại thân thể, sức khỏe của bị hại. Trong đó, hành vi của bị cáo Táng là nguy hiểm nhất nên hậu quả xảy ra đối với bị hại thì các bị cáo khác cũng đều phải chịu trách nhiệm do cùng phạm tội. Nạn nhân có sáu vết thương, trong đó nghiêm trọng nhất là vết thương bụng làm thủng ruột non dẫn đến bị hại tử vong trong quá trình điều trị do vết thương bị nhiễm độc, nhiễm trùng. Các vết thương còn lại ở sau lưng có vết chạm vào tủy sống và gai xương sống. Các bị cáo thừa nhận bị cáo Táng đã đâm nhiều nhát vào bụng, lưng, tay của nạn nhân cho đến khi gục xuống thì các bị cáo khác tiếp tục xông vào đấm đá, đến khi thấy nạn nhân chảy máu mới dừng lại và bỏ đi, để mặc nạn nhân nằm một chỗ.
“Về mặt khách quan, các bị cáo sử dụng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng hiểm yếu trên cơ thể nạn nhân, gây nguy hiểm đến tính mạng. Về mặt chủ quan, bị cáo nhận thức được tính nguy hiểm của hành vi, thực hiện một cách quyết liệt, tấn công nhiều nhát, liên tục. Thực tế, bị hại đã bị tử vong vì nhiều vết thương khác trong thời gian điều trị. Đối với các quy định pháp luật, đây là hành vi xâm hại đến tính mạng chứ không phải sức khỏe người khác. Quá trình xét xử sơ thẩm, tòa án đã trả hồ sơ điều tra bổ sung yêu cầu chuyển tội danh sang tội giết người nhưng VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố. Do vậy, án sơ thẩm xét xử các bị cáo về tội cố ý gây thương tích là chưa đúng quy định. Do không có kháng cáo, kháng nghị phần này nên HĐXX không thể xét xử ngoài phạm vi kháng cáo, kháng nghị. Tuy nhiên, để đảm bảo đúng pháp luật, cần kiến nghị xem xét lại tội danh theo trình tự giám đốc thẩm đối với các bị cáo” - HĐXX nhận định.
Một phần kháng nghị trái pháp luật HĐXX cũng cho rằng án sơ thẩm có sơ suất khi không áp dụng các quy định pháp luật về đồng phạm và Điều 53 BLHS về cá thể hóa hình phạt đối với vai trò từng bị cáo, từ đó đã ảnh hưởng cơ bản đến quyết định hình phạt đối với các bị cáo. Trước đó, sau khi án sơ thẩm tuyên, VKSND quận Ninh Kiều đã kháng nghị đề nghị cấp phúc thẩm tăng hình phạt đối với bị cáo Trọng và cho hưởng án treo đối với bị cáo Duy (sơ thẩm tuyên một năm sáu tháng tù). Tại tòa, đại diện VKSND TP Cần Thơ đã quyết định rút phần kháng nghị cho hưởng án treo đối với bị cáo Duy vì trái pháp luật và được tòa chấp nhận. Cụ thể, bị cáo Duy bị truy tố theo khoản 3 Điều 104 BLHS (có khung hình phạt từ 5 năm đến 15 năm tù). Cấp sơ thẩm đã áp dụng cho bị cáo theo Điều 47 BLHS để giảm hình phạt xuống khung liền kề (khoản 2, từ hai đến bảy năm tù) nhưng thực tế lại phạt bị cáo ở khoản 1 với mức hình phạt một năm sáu tháng tù là trái quy định. |