Dự thảo BLHS (sửa đổi) đã đặt vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) pháp nhân là các tổ chức kinh tế.
Phạt tiền, tước giấy phép, đình chỉ hoạt động
Có 15 tội phạm dự kiến áp dụng đối với pháp nhân: Gây ô nhiễm môi trường; vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại; hủy hoại nguồn lợi thủy sản; hủy hoại rừng; buôn lậu; trốn thuế; cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán. Ngoài ra còn các tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán; thao túng giá chứng khoán; trốn đóng BHXH, BHYT cho người lao động (dự kiến bổ sung); tài trợ khủng bố; rửa tiền; nhận hối lộ; đưa hối lộ.
Dự thảo BLHS (sửa đổi) cũng đề xuất các hình phạt áp dụng đối với pháp nhân phạm tội như sau: Các hình phạt chính gồm phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn (chỉ áp dụng đối với pháp nhân được thành lập nhằm mục đích phạm tội hoặc phạm tội có tính chất chuyên nghiệp mà tòa thấy không thể áp dụng các hình phạt khác). Các hình phạt bổ sung gồm công khai bản án, quyết định của tòa án; cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn; phạt tiền (khi không áp dụng là hình phạt chính).
Lực lượng chức năng khai quật hố chôn hóa chất độc hại tại Công ty Nicotex Thanh Thái (tháng 10-2013). Công ty này đã bị xử phạt hành chính 10 lỗi trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với mức phạt hơn 421 triệu đồng. Ảnh: LAO ĐỘNG.
Không khả thi, không cần thiết
Đó là quan điểm của những người không ủng hộ việc truy cứu TNHS pháp nhân tại phiên họp thẩm tra dự luật này của Ủy ban Tư pháp.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phản biện: “Đặt trong bối cảnh Nhà nước đang khuyến khích mọi người bỏ vốn ra kinh doanh đầu tư, ta lại chỉ nhăm nhe truy cứu TNHS pháp nhân là không hợp lý”.
Phát biểu ngay sau đó, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cũng cho rằng pháp nhân vi phạm pháp luật thì phải chịu trách nhiệm hành chính, dân sự, được điều chỉnh theo pháp luật hành chính, dân sự. Các biện pháp xử lý thông qua con đường hành chính, dân sự cơ bản vẫn phát huy hiệu quả. Nếu đặt vấn đề xử lý hình sự theo dự thảo (phạt tiền, đình chỉ hoạt động…) thì cũng không khác gì hơn xử lý hành chính.
“Chúng tôi có lắng nghe các đồng chí nêu các ví dụ gây ô nhiễm môi trường như xả chất thải ra sông của Công ty Vedan (Đồng Nai) hay chôn hóa chất dưới lòng đất của Công ty Nicotex Thanh Thái (Thanh Hóa). Các vụ này điển hình, cái khó là mình lại không cụ thể hóa được hành vi vi phạm. Như vụ Nicotex liên quan đến việc công ty chuyển đổi qua rất nhiều chủ, việc chôn lấp chất thải diễn ra hàng chục năm, hậu quả nghiêm trọng như thế nào thì chúng ta không xác định được chứ không phải biện pháp hành chính chúng ta không đủ sức để xử lý” - ông Vương cho hay.
Ông Vương cũng cho biết điều ông băn khoăn nhất là hậu quả sẽ như thế nào? Pháp nhân có hàng ngàn lao động mà sai phạm chỉ do một vài cá nhân gây ra, vậy truy cứu TNHS pháp nhân có ảnh hưởng đến đời sống của người lao động không? Mặt khác, ai là chủ thể tham gia tố tụng hình sự của pháp nhân?
“Một số đồng chí có nói rất nhiều nước đã áp dụng TNHS với pháp nhân. Nhưng theo chúng tôi nghiên cứu, những nước đó người ta giao cho tòa án xử phạt vi phạm hành chính” - ủy viên Ủy ban Tư pháp Trần Đình Sơn cung cấp thêm.
Theo Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Trần Công Phàn, khi quy định vấn đề này cần tính đến tính khả thi và hiệu quả: “Truy cứu TNHS pháp nhân rồi lại phải quy định trình tự, thủ tục đưa pháp nhân ra tòa xử để giải quyết vấn đề gì? Hiệu quả mang lại thế nào? Chúng ta đã có cơ chế xử lý vi phạm hành chính nên có thể xử lý được. Chế tài hành chính tuyên giải thể pháp nhân thì có khác gì “tử hình” đâu. Truy cứu TNHS pháp nhân không phù hợp với nguyên tắc cá thể hóa hình phạt”.
Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn cũng cho rằng “cần thận trọng” khi quy định vấn đề này. Nếu quy định thì thống nhất ở 15 tội danh mà ban soạn thảo dự luật đã đề nghị. Ngoài ra, theo ông Sơn còn một số hành vi khác liên quan đến pháp nhân như xâm phạm quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm quản lý khu bảo tồn thiên nhiên… cũng rất cần được nghiên cứu thêm.
Cần thiết, xuất phát từ nhu cầu thực tế
Một ủy viên Ủy ban Tư pháp khác, luật sư Trương Trọng Nghĩa (Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam), lại ủng hộ đề xuất của ban soạn thảo dự luật. “Cái này không phải bắt chước gì cả, cũng không phải vì chế tài hành chính bất lực mà vì xã hội có nhu cầu, thực tiễn phòng, chống tội phạm có nhu cầu. Đã là hành vi nguy hiểm cho xã hội thì chúng ta phải xử lý bằng pháp luật hình sự” - ông Nghĩa khẳng định.
“Nhiều ý kiến cho rằng chúng ta đã có xử phạt hành chính và trách nhiệm dân sự nên không cần quy định truy cứu TNHS pháp nhân. Tôi xuất phát từ thực tế là sự khác nhau cơ bản giữa xử phạt hành chính và hình sự. Xử phạt hành chính suy cho cùng là công cụ của nhà quản lý. Hành vi nào bị xử phạt, xử phạt đến đâu, thậm chí có xử phạt hay không nhiều khi phụ thuộc vào ý thức chủ quan. Trong khi đó nếu xử lý hình sự sẽ phải tuân theo trình tự tố tụng tư pháp minh bạch, giúp bảo vệ được cả chủ thể là pháp nhân phạm tội cũng như người bị hại” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng phân tích.
Vẫn theo ông Hồng, pháp nhân là tổ chức kinh tế hiện nay có thể thuê giám đốc điều hành, còn hội đồng quản trị ở chỗ khác: “Nếu chúng ta chỉ truy cứu TNHS cá nhân thì sẽ xử lý ai, khi giám đốc chỉ thực hiện điều hành của hội đồng quản trị? Mặt khác, có những hành vi nguy hiểm đến mức độ nào đó là tội phạm thì không ai xử lý hành chính cả. Nếu không truy cứu TNHS pháp nhân thì sẽ có những khoảng trống khi hành vi đó không được pháp luật hành chính quy định nên không xử lý được trách nhiệm hành chính của pháp nhân”.
Ông Hồng khẳng định việc truy cứu TNHS pháp nhân không vướng gì về mặt lý luận: “Về tố tụng hình sự, tôi nghĩ chúng ta vẫn làm được. Dù thủ tục tố tụng không giống như truy cứu TNHS cá nhân nhưng tố tụng hành chính ta đã thực hiện rồi. Rất nhiều trường hợp người dân kiện chính quyền làm sai, chính quyền khi đó phải cử đại diện ra hầu tòa”.
Trả lời băn khoăn của Thượng tướng Lê Quý Vương về hậu quả pháp lý, ông Hồng nhận định trong xử phạt hành chính, nếu làm triệt để thì cũng có thể giải thể doanh nghiệp. Khi đó doanh nghiệp và người lao động cũng phải chịu hậu quả pháp lý như vậy. “Tại sao lại nói hậu quả pháp lý trong hình sự ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp và người lao động, còn trong hành chính thì không?” - ông Hồng đặt ngược lại câu hỏi.
“Đồng hóa trách nhiệm” Học thuyết “đồng hóa trách nhiệm” được sử dụng ở tất cả các nước quy định truy cứu TNHS pháp nhân. Bằng cách đồng nhất hành vi, lỗi của cá nhân người lãnh đạo, chỉ huy, người đại diện với hành vi, lỗi của pháp nhân, học thuyết này lý giải đơn giản và hợp lý cơ sở TNHS của pháp nhân. Nói cách khác, hành vi và lỗi của người lãnh đạo, chỉ huy, người đại diện cũng được coi là hành vi và lỗi của pháp nhân. Vì thế từ góc độ lập pháp hình sự, các quy định về tội phạm, cơ sở TNHS, lỗi… không cần phải thay đổi cơ bản mà chỉ cần bổ sung một số vấn đề. Từ góc độ áp dụng pháp luật để truy cứu TNHS pháp nhân thì chỉ cần chứng minh hành vi phạm tội, lỗi của người lãnh đạo, chỉ huy, người đại diện pháp nhân và các điều kiện khác của pháp nhân (như vai trò lãnh đạo, chỉ huy, đại diện của cá nhân trong pháp nhân…) là đủ. Từ cơ sở nêu trên, áp dụng nguyên tắc “trách nhiệm kép” trong giải quyết vấn đề TNHS pháp nhân là hoàn toàn hợp lý. Điều này có nghĩa là về nguyên tắc nếu người lãnh đạo, người đại diện của pháp nhân đã thực hiện một tội phạm (dù cố ý hoặc vô ý) vì lợi ích hoặc trong khuôn khổ hoạt động của pháp nhân thì cả pháp nhân và người lãnh đạo, người đại diện đó phải chịu TNHS về cùng tội phạm đó. Ông TRẦN VĂN ĐỘ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao “Sức ép quốc tế” Đến nay đã có 119 nước là thành viên của Công ước quốc tế về chống tham nhũng và sáu nước ASEAN quy định về TNHS của pháp nhân. Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, quá trình soạn thảo BLHS (sửa đổi), nhiều bộ, ngành đã có công văn chính thức đề nghị ban soạn thảo phải quy định TNHS của pháp nhân thì mới bảo đảm được hiệu quả quản lý trong lĩnh vực của họ. Trong quá trình hội nhập quốc tế, đây là vấn đề mà nước ta đang phải chịu nhiều sức ép. Trong các công ước quốc tế có quy định việc phải truy cứu TNHS pháp nhân, nước ta đều bảo lưu hoặc đưa ra tuyên bố không áp dụng, vì vậy mà vị thế và hình ảnh của nước ta trước quốc tế bị giảm đi nghiêm trọng. |