ĐỀ XUẤT CHO QUAN THAM NỘP TIỀN CHUỘC MẠNG

Không khéo tham nhũng sẽ 'ăn đậm' hơn đấy!

Theo dự thảo sửa đổi BLHS, án tử hình vẫn được áp dụng cho hai tội tham ô và nhận hối lộ nhưng ban soạn thảo lại đề xuất sửa đổi, thêm quy định mới cho phép người bị án tử được nộp tiền để chuyển từ tử hình xuống chung thân. Điều này khiến bạn đọc bức xúc liên tiếp gửi ý kiến góp ý về PLO.

Hầu hết các bạn đọc đều phản đối triệt để đề xuất này. Theo các ý kiến, không thể tạo ra cơ chế để quan tham dùng tiền mua mạng sống, làm như thế là đi ngược lại với quyết tâm phòng, chống tham nhũng của cả hệ thống chính trị. Đề xuất này sẽ khiến mọi người nghĩ rằng có tiền thì sẽ thoán án tử hình.

Không khéo tham nhũng sẽ 'ăn đậm' hơn đấy! ảnh 1

Nếu cho nộp tiền để thoát án tử thì những quan chức phạm tội tham ô như tử tù Dương Chí Dũng sẽ thoát tội chết. Ảnh minh họa: Đức Minh

Tham nhũng thêm để có tiền… thoát thân

Nhiều bạn đọc khẳng định việc cho nộp tiền để chuộc mạng sẽ làm nảy sinh những hành vi phạm tội khác, ở những đối tượng khác (thân nhân, gia đình người bị án tử) và sẽ ở một mức độ táo tợn hơn do nhu cầu bức thiết hơn: “cứu mạng”.
Bạn đọc Nguyễn An Khương bức xúc “Theo tôi chẳng những không bỏ án tử mà còn phải truy thu cho bằng hết số tiền và tài sản tham nhũng mà có!”.
Bạn có nick quantham khẳng định “Nếu cho lấy tiền thế tội thì đây là hình thức khuyến khích tham nhũng”. Ý kiến này nhận được rất nhiều like đồng tình.
Bạn đọc ở nick quitle tính toán: "Làm như vậy có ổn không? Giả sử nếu tham ô 100 tỉ đồng nộp lại chừng 80 tỉ thì không tử hình rồi, như vậy gần về hưu làm một vụ chắc chắn lời to”.
“Tử hình tham quan mà họ còn chưa sợ nói gì tới luật sửa đổi giảm án tử xuống còn chung thân với tội danh này. Tham quan sẽ ăn mừng và rộ lên cho coi vì chỉ phải trả lại 1/2 số tiền tham ô rồi xong, không phải chết, chỉ chung thân thôi, sau vài lần ân xá thì sẽ được tự do mà”- bạn Ngoc Dan dự đoán.
Bạn Nguyễn Thị Thu Hằng chua chát: “Sao tôi thấy chuyện bi hài quá. Thế sao không lấy tiền để mua mạng sống nếu như giết người hay mua bán ma túy luôn đi. Nếu lấy tiền để mua mạng sống đó là tội tham nhũng thì không khác gì vẽ đường cho hươu chạy: Các quan tham ơi, cứ tham nhũng thật nhiều tiền đi, nếu lỡ may phát hiện thì còn có tiền để mà mua mạng sống????”
Nhiều ý kiến cho rằng đề xuất này gây phản cảm trong xã hội, tạo điều kiện cho các quan tham lách luật dễ dàng, thể hiện sự lỏng lẻo của pháp luật. Bởi lẽ, không thể cứ nộp lại 1/2 số tiền chiếm đoạt là mặc nhiên được miễn tội được vì số tiền ấy hoàn toàn không thuộc sở hữu của người phạm tội. Theo đúng lẽ tự nhiên thì những quan tham phải bị tịch thu toàn bộ tài sản mới đúng. Hơn nữa, thực tế BLHS hiện hành cũng đã có quy định các tình tiết giảm nhẹ nếu nộp lại tài sản, khắc phục hậu quả… Chưa kể người tham ô, nhận hối lộ thường có rất nhiều tiền, tài sản chìm, nổi và có nhiều phương cách tẩu tán tài sản rất tinh vi. Thu sao để tính được ½ số tiền tham nhũng?
Bạn Nguyễn Dương nêu ý kiến: “Thực trạng tham ô, tham nhũng hiện nay đặc biệt nghiêm trọng, nếu bỏ án tử hình và được chuyển đổi từ tử hình xuống chung thân bằng tiền, thì tham ô, tham nhũng phải tìm mọi cách quơ cho nhiều để bị phát hiện lấy tiền ra thế thân!"
Bạn đọc Thợ Châm “tuyệt vọng” than thở: “Đề xuất nộp tiền để thoát án tử mà được chấp thuận thì tham nhũng trăm hoa đua nở, tham nhũng mọi lúc mọi nơi, tham nhũng tràn lan như đại dịch”.
“Phải bỏ ngay quy định đấy đi. Không khéo tham nhũng sẽ "ăn đậm" hơn đấy!”- bạn Hai Lúa cảnh báo.

Không khéo tham nhũng sẽ 'ăn đậm' hơn đấy! ảnh 2

Bị cáo Vũ Quốc Hảo, nguyên tổng giám đốc Công ty Cho thuê tài chính II, người từng bị án tử hình vì tham ô hàng trăm tỉ đồng tiền của Nhà nước. Ảnh: HTD

Bỏ tiền chuộc mạng là đồng lõa với tham nhũng
Việc đề xuất tới lui sửa đổi quy định bỏ án tử hình tham nhũng cũng khiến nhiều bạn đọc bày tỏ lo ngại về quyết tâm trong việc chống tham nhũng.
Bạn Thu Trang thắc mắc: “Không hiểu sao cứ hội thảo sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự là người ta muốn bỏ án tử hình đối với quan tham. Đây không phải là lần đầu mà ngay từ khi sửa đổi, bổ sung BLHS từ năm 1999 người ta đã đề nghị bỏ án tử hình đối với tội tham ô và tội nhận hối lộ… Nếu lấy tiền tham nhũng để "mua" được án tử hình thì thôi dẹp chống tham nhũng đi”.
Bạn quitle góp ý: “Tôi nghe nói có những người làm quan hoặc có tiền khi chấp hành hình phạt tù cũng sướng lắm, được làm công việc nhẹ nhàng như nhà bếp, vệ sinh lặt vặt gì đó và luôn được nhận xét là cải tạo tốt để chờ thời ân xá ra trước hạn. Như vậy quy định như thế này làm sao chống tham nhũng được, đó là chưa kể đến lúc mãn hạn ra tù sẽ trở thành đại gia nhờ số tiền còn cất giấu”.
Bức xúc nhất có lẽ phải kể đến ý kiến của bạn Nguyễn Thái Thuận, bạn nêu ý kiến khá dài và cho rằng bỏ án tử là đồng lõa với tham nhũng: “Sửa BLHS mà bỏ án tử hình là đi ngược lại chống tham nhũng mà cả hệ thống chính trị, pháp luật của ta đã bỏ biết bao công sức tiền của, kết quả vẫn chưa làm được theo mong muốn của nhân dân. Bây giờ còn bỏ án tử hình cho tội tham nhũng là đồng lõa với tham nhũng. Nên giữ án tử hình cho tội danh tham nhũng [...]".
Theo bạn đọc này, dân gian đã có câu vè “hy sinh đời bố cũng cố đời con”, nên phải đánh tận gốc bốc tận rễ tội tham nhũng. "Án tử hình vẩn còn hai “cửa” cho quan tham chuộc tội, đó là giám đốc thẩm, tái thẩm và miễn tội chết của Chủ tịch nước… Tôi cũng đề nghị cơ quan pháp luật khi trong giai đoạn điều tra phải tìm cho ra hết toàn bộ tài sản quan tham có được trong thời kỳ đương chức, buộc phải nộp hết cho nhà nước, trả lại cho dân”- bạn đọc Nguyễn Thái Thuận nêu ý kiến.
* * *
Tội phạm tham nhũng là loại tội phạm gây thất thoát tài sản của Nhà nước, với số tiền lớn có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế chung. Nếu cho phép nộp lại 1/2 số tiền chiếm đoạt để được miễn tội chết thì pháp luật đã quá nhẹ tay với loại tội phạm này.

Khi bị tuyên án tử hình, có nghĩa là trước đó người phạm tội đã được các cấp tòa xem xét cân nhắc kỹ càng, chi tiết đến từng hành vi vi phạm, mức độ phạm tội, sự ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội như thế nào rồi mới tuyên án. Án tử cũng sẽ chỉ được tuyên sau khi mọi tình tiết giảm nhẹ đối với người phạm tội đều đã được xem xét kỹ. 

Như vậy, việc lấy tiền để làm căn cứ giảm án cho loại tội phạm quan tham là quá vô lý. Với họ, "tiền bạc là trong tầm tay" mà "tiền bạc đó cũng không phải từ mồ hôi, nước mắt của họ mà là tiền của nhà nước, của nhân dân, việc trả lại là lẽ đương nhiên, sao có thể căn cứ vào đó để được giảm án được" như nhiều ý kiến bạn đọc đã gửi về bức xúc góp ý.

Lẽ ra, cần phải mạnh tay nghiêm trị đối với loại tội phạm tham nhũng mới đủ sức răn đe như ý kiến của bạn Lê Xuân Thủy: “Cần phải tăng hình phạt bằng việc hạ mức độ tham nhũng sẽ bị tử hình xuống, hay khi đã phát hiện tham nhũng thì buộc phải bị phạt gấp 100 lần số tiền đã lỡ "ăn" thì mới có sức mạnh răn đe được. Dân gian có câu ''trăm bó đuốc mới bắt được con ếch'', không dễ gì phát hiện được kẻ tham nhũng, loại tội phạm này còn nguy hiểm gấp cả chục lần tội trộm cướp”. Ý kiến này đã nhận được rất nhiều sự đồng tình ủng hộ của các bạn đọc khác.
Cuối cùng, có thể mượn ý kiến cảnh báo của bạn Lê Túc để thay cho lời kết: Soạn luật và thực thi pháp luật phải đảm bảo nghiêm minh, bình đẳng. Đừng để pháp luật của ta cuối cùng cũng trở về chân lý: "Đa kim ngân phá luật lệ".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm