Bộ GTVT đang lấy ý kiến dự thảo nghị quyết của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2018-2021.
Trong những năm qua tai nạn giao thông giảm mạnh, tuy nhiên vẫn ở mức cao, diễn biến phức tạp và chưa giảm theo xu hướng bền vững.
Thời gian qua toàn quốc vẫn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Ảnh: plo.vn
Bên cạnh đó, ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP.HCM có dấu hiệu gia tăng trở lại, ảnh hưởng lớn tới đời sống, sinh hoạt của người dân cũng như môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Để kéo giảm tai nạn giao thông năm 2020 xuống mức bằng 50% so với năm 2011, Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT đẩy mạnh việc thực hiện tái cơ cấu các phương thức vận tải, chú trọng phát triển đường sắt và vận tải thủy nội địa, giảm áp lực cho vận tải đường bộ.
Đồng thời, Bộ GTVT chủ trì xây dựng, trình Quy định trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người thực thi công vụ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cấp trung ương và địa phương… Hoàn thiện quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính theo hướng khai thác hệ thống dữ liệu quốc gia về trật tự an toàn giao thông, giảm hình phạt cho lỗi lần đầu không nghiêm trọng, xử phạt lũy tiến nếu tái phạm.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết giao cho các cơ quan Nhà nước, tổ chức đoàn thể và doanh nghiệp chính thức ban hành quy định cấm uống rượu bia vào giờ làm việc và giờ nghỉ trưa. Bộ VH-TT&DL giám sát việc gắn quảng cáo rượu bia với cảnh báo tác hại do việc lạm dụng rượu bia và nguy cơ xảy ra tai nạn nếu điều khiển phương tiện.
Về kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ GTVT tập trung nguồn lực trung ương, địa phương và xã hội hóa để ưu tiên xử lý dứt điểm các điểm đen về an toàn giao thông. Cụ thể, trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và tại các điểm giao cắt giữa đường phụ ra đường chính, các điểm đường ngang qua đường sắt, các điểm tiềm ẩn tai nạn trên đường thủy trong năm 2017-2018.
Ngoài ra, Bộ GTVT tăng cường quản lý kinh doanh vận tải và siết chặt quản lý tải trọng xe. Có quy định rõ về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm với các tổ chức hoặc cá nhân gây TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Đồng thời, tập trung vào các giải pháp tập huấn, sát hạch và thi lại đối với các cá nhân hoặc bộ phận có liên quan. Dùng công cụ kinh tế (bảo hiểm) để tăng mức phí bảo hiểm đối với các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và quản lý người điều khiển phương tiện.
Về phương tiện giao thông, Bộ GTVT cần có lộ trình kiểm soát khí thải và kiểm định kỹ thuật với toàn bộ các phương tiện cơ giới, trong đó có xe máy. Hoàn thiện các quy định về quản lý xe đạp điện, xe máy điện.
Về quản lý đô thị, TP Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh lân cận đẩy nhanh tốc độ quy hoạch và xây dựng các đô thị vệ tinh theo hướng đồng bộ về kết cấu hạ tầng và các khu chức năng để tái phân bố dân cư. Kéo giảm mật độ dân cư khu vực trung tâm của hai thành phố, có lộ trình cụ thể di dời các cơ sở sản xuất ra khu vực ngoại thành.
Theo đó, UBND TP.HCM, Hà Nội, các tỉnh - thành lớn (đô thị loại I): xây dựng phương án quy hoạch không gian ngầm, mặt đất và không gian trên cao để trình Chính phủ phê duyệt.
Các thành phố trên cũng cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ để kiểm soát giao thông theo thời gian thực, phát triển hệ thống thông tin đi lại phục vụ người dân, giám sát và quản lý giao thông qua trung tâm điều khiển giao thông, tăng cường sử dụng thiết bị trong xử phạt nguội…
Trong năm năm (tính từ ngày 16-12-2010 đến 15-12-2015), toàn quốc xảy ra 153.347 vụ tai nạn giao thông (không tính TNGT hàng không) làm chết 47.877 người, bị thương 156.618, so với giai đoạn 2005-2010 (từ ngày 16-12-2005 tới 15-12-2010) giảm 32.307 số vụ, giảm 12.546 số người chết và giảm 44.586 số người bị thương. Riêng trong năm 2017, toàn quốc xảy ra 20.080 vụ tai nạn giao thông, làm chết 8.279 người, bị thương 17.040 người. |