Xử “quái xế”: Pháp luật còn nhẹ tay!

Thông tin Công an quận Bình Thạnh và quận 4 vừa bắt gần 200 xe máy tụ tập lạng lách, gây rối thu hút sự quan tâm của nhiều bạn đọc. Gửi thư đến Pháp Luật TP.HCM, nhiều người băn khoăn: Tình trạng thanh niên “âm mưu” đua xe hoặc đã đua xe vẫn hay xảy ra trên nhiều tuyến đường của TP.HCM nhưng số vụ bắt được chẳng đáng kể. Đã vậy, khi bắt được rồi thì công an xử lý cũng nhẹ hều khiến bọn “quái xế” chứng nào tật nấy.

Không dễ tịch thu xe!

Người đi đường rất dễ hoảng hốt, khiếp sợ những tiếng nẹt pô, rú còi, rồ ga, lạng lách hoặc có những kiểu biểu diễn ghê rợn… của những kẻ choai choai dường như chẳng coi ai ra gì. Số đông đều gọi chúng là bọn đua xe, bọn đi “bão đêm”. Nhưng về phía các cơ quan công an thì buộc phải có sự phân biệt loại hành vi vi phạm để có cách xử lý đúng với quy định. Nếu có đua xe thì chúng mới bị xử lý về hành vi đua xe. Còn như chưa đua xe (do bị công an kịp thời phát hiện, ngăn chặn nên kế hoạch bất thành) thì chúng chỉ bị xử lý về hành vi cụ thể đã thực hiện. Chẳng hạn, hành vi buông cả hai tay khi đang điều khiển xe; dùng chân điều khiển xe; ngồi về một bên điều khiển xe; nằm trên yên xe điều khiển xe; thay người điều khiển khi xe đang chạy; điều khiển xe lạng lách hoặc đánh võng trên đường bộ trong, ngoài đô thị v.v...

Xử “quái xế”: Pháp luật còn nhẹ tay! ảnh 1

Công an quận Bình Thạnh đưa xe của các "quái xế" về xử lý. Ảnh: ÁI NHÂN

Theo Nghị định 34/2010 của Chính phủ, hành vi đua xe, tụ tập cổ vũ, người đua xe máy có thể bị xử phạt 10-20 triệu đồng (nếu thêm hành vi chống người thi hành công vụ thì có thể bị xử phạt 30-40 triệu đồng). Ngoài ra, người tham gia đua xe còn bị tịch thu xe, tước giấy phép lái xe không thời hạn.

Trong khi đó, hành vi chạy xe thành từng đoàn quá tốc độ, lạng lách, đánh võng chỉ bị xử phạt 5-7 triệu đồng và bị tước giấy phép lái xe trong vòng 60 ngày. Nếu người vi phạm không chấp hành hiệu lệnh dừng xe hoặc gây tai nạn thì mới bị xử phạt 10-14 triệu đồng. Nếu tái phạm thì mới bị tước giấy phép lái xe không thời hạn. Không hề có quy định giam xe đối với các lỗi này.

Chính vì thế, khi bắt được 550 chiếc xe đi “bão đêm” vào tháng 10-2010, trong đó có nhiều xe chỉ mới dừng ở việc lạng lách, đánh võng…, Công an quận Bình Thạnh đã không thể giam hay tịch thu nhiều xe. Nhiều khả năng gần 200 xe lạng lách, quậy phá sáng 25-9 cũng được xử lý theo cách tương tự: Chủ xe có giấy tờ hợp lệ được nhận lại xe; kẻ lạng lách, đánh võng… thì chỉ bị phạt tiền và nặng nữa là bị tước bằng lái theo quy định nêu trên.

Xử tội gây rối?

Nhiều ý kiến nói sở dĩ vấn nạn tụ tập đua xe trái phép chưa được giải quyết triệt để là do biện pháp chế tài của pháp luật chưa đủ sức răn đe. Năm trước, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài từng thể hiện bức xúc: Nếu các biện pháp răn đe, kiểm điểm, giáo dục tại địa phương... chưa đủ hiệu quả, TP sẽ kiến nghị lên trung ương cho phép áp dụng biện pháp tịch thu xe dùng để biểu diễn để sung công quỹ, lấy tiền đó làm phúc lợi xã hội. Trong văn bản ngày 24-9, Thủ tướng cũng đã cho phép TP.HCM (cùng Hà Nội và Bà Rịa-Vũng Tàu) kiến nghị những biện pháp xử lý mạnh hơn với các đối tượng này, báo cáo Thủ tướng trong tháng 10-2011.

Có người đề nghị: Thay vì phạt từng vi phạm nhỏ (bấm còi, rú ga liên tục; điều khiển xe thành nhóm từ hai xe trở lên chạy quá tốc độ quy định; biểu diễn; lạng lách, đánh võng...), pháp luật có thể xếp bọn “quái xế” đua xe vào diện gây rối trật tự công cộng để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Bởi lẽ hành vi vi phạm của chúng nếu chưa gây thiệt hại vật chất (như thiệt hại về sức khỏe, làm ùn tắc giao thông...) thì cũng đã gây ra các thiệt hại phi vật chất (gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội...).

Cách gì trừng trị đích đáng hành vi gây rối đường phố của bọn “quái xế”? Pháp Luật TP.HCM mời bạn đọc tham gia hiến kế.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm