Ngày 19-1, Chủ tịch nước Lương Cường và Phu nhân cùng gần 100 đại biểu kiều bào về nước đón Tết cổ truyền dân tộc, đã thực hiện nghi lễ truyền thống thả cá chép tiễn ông Công, ông Táo tại Ao cá Bác Hồ trong Khu Di tích Phủ Chủ tịch.
Trước đó, Chủ tịch nước Lương Cường và Phu nhân, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, TP Hà Nội cùng Đoàn kiều bào đã dâng hương tại Điện Kính Thiên trong Di tích Hoàng Thành Thăng Long.
Sáng cùng ngày, Đoàn đại biểu kiều bào cũng vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; dâng hương tưởng niệm Người tại Nhà 67 trong khuôn viên Di tích Phủ Chủ tịch; tham dự Lễ công bố quyết định công nhận 3 chiếc ô tô từng phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh là Bảo vật quốc gia tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch; dâng hương tưởng niệm tri ân các anh hùng liệt sĩ ở Đài tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ tại đường Bắc Sơn.
Một số đại biểu kiều bào từ Australia, Pháp, Hàn Quốc… đã chia sẻ nhiều tình cảm với quê hương, đồng thời đưa ra một số kiến nghị để làm sao đón được thêm nhiều dòng vốn đầu tư từ kiều bào về nước, đặc biệt trong những lĩnh vực công nghệ cao mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhắc đến gần đây.
Tình yêu tha thiết với đất nước, ngôn ngữ Việt
Là một trong số 100 kiều bào tiêu biểu về dự chương trình Xuân Quê hương 2025, anh Đặng Đình Hùng, hiện đang học Thạc sĩ kinh doanh tại Trường Đại học New South Wales, Phó Chủ tịch Hội Du học sinh Việt Nam tại New South Wales (Australia) cho biết, anh dự định về nước làm việc sau khi hoàn thành việc học tập tại Australia.
Anh Hùng cho biết năm nay, anh rất hạnh phúc khi được về Việt Nam đón Tết Nguyên đán cùng với gia đình và tham dự chương trình “Xuân Quê hương” gặp gỡ nhiều cô chú anh chị tại Việt Nam và đến từ khắp nơi trên thế giới.
“Ở Việt Nam còn bố mẹ, gia đình, bạn bè và nhất là môi trường làm việc cũng đã được cải thiện rất nhiều, mở ra nhiều cơ hội”, anh Hùng nói.
Trong tương lai, anh Hùng mong được đóng góp nhiều hơn cho việc tăng cường kết nối giữa cộng đồng người Việt Nam tại Úc cũng như tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Australia.
Sinh sống ở Nouvelle Calédonie (Pháp) hơn 70 năm và công việc kinh doanh rất bận rộn, ông Dinh Jean Pierre vẫn thường xuyên về thăm nơi chôn rau cắt rốn của mình tại Liễu Đề, Nam Định.
Tham dự “Xuân Quê hương” lần này, được cùng Chủ tịch nước và các kiều bào đến từ khắp nơi trên thế giới thắp hương tại Điện Kính thiên, thả cá tại Ao cá Bác Hồ trong Khu Di tích Phủ Chủ tịch, ông Dinh Jean Pierre cho biết ông cảm thấy rất vinh dự và tự hào.
Ông cảm thấy rất nhiều cảm xúc bởi tuổi đã cao, đây là lần đầu tiên và cũng có thể lần duy nhất trong đời ông được trực tiếp diện kiến Chủ tịch nước trong một hoạt động đầy ý nghĩa.
Năm nay đã 78 tuổi, ông Dinh Jean Pierre dù đã rất nhiều lần về Việt Nam nhưng đây là lần đầu tiên được tham dự chương trình “Xuân Quê hương”. Ông Jean Pierre có một tình yêu rất lớn với Việt Nam và tha thiết muốn duy trì tiếng Việt ở nước ngoài.
Ông cho biết dù được sinh ra ở Pháp, tuy nhiên theo truyền thống gia đình ông, tiếng Việt là ngôn ngữ mẹ đẻ, bố mẹ luôn sử dụng tiếng Việt với con cái và dặn dò con phải duy trì nói tiếng Việt qua các thế hệ.
Bản thân ông từ thời còn rất trẻ khi được về Việt Nam hoặc đi ra nước ngoài gặp người Việt cũng rất nỗ lực sử dụng tiếng Việt để giao tiếp với mọi người.
Trong thời gian tới, ông sẽ lập một lớp tiếng Việt tại lãnh sự quán Việt Nam ở Nouvelle Calédonie, ông đã tìm được cô giáo, kết hợp với giáo viên để lên chương trình, trẻ em đến học hoàn toàn miễn phí.
Nouvelle Calédonie còn được gọi là Tân Thế giới - một vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Pháp nằm ở Thái Bình Dương. Cộng đồng người Việt đã có mặt ở đây rất sớm từ những năm cuối thế kỷ XIX. Và ông Dinh Jean Pierre là thế hệ kiều bào thứ hai được sinh ra trên mảnh đất này.
Kiều bào mong muốn được đóng góp nhiều hơn
Về hướng thu hút đầu tư từ kiều bào về Việt Nam, TS Trần Hải Linh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA), cho biết trong thời gian qua, kiều bào khắp nơi trên thế giới đều cảm nhận rằng lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng như các bộ ban ngành đã có nhiều sự thay đổi, cập nhật nhiều hơn các bộ luật, nghị quyết cho kiều bào trong vấn đề hợp tác và đầu tư.
Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những rào cản nhất định. Trong thời gian tới kiều bào mong muốn được đóng góp nhiều hơn với Đảng và Nhà nước trong quá trình có ý kiến để hình thành nghị quyết để kiều bào có thể đầu tư, kinh doanh. Rộng hơn là góp phần vào quá trình phát triển kinh tế tại địa phương và Việt Nam nói chung.
Một trong những khó khăn quan trọng mà kiều bào gặp phải chính là vấn đề quốc tịch. Trước đây, không có quốc tịch thì không được sở hữu bất động sản tại Việt Nam. Gần đây, đã có nhiều bước cải tiến hơn, ví dụ nếu chứng minh được gốc Việt cũng có thể sở hữu bất động sản tại Việt Nam.
Kiều bào hy vọng rằng sẽ có chính sách mà những người từng từ bỏ quốc tịch Việt Nam mà bây giờ vẫn giữ được giấy tờ gốc sẽ được lấy lại quốc tịch Việt Nam trong thời gian gần nhất, để có được đầy đủ quyền lợi, nghĩa vụ và thực hiện đầy đủ trách nhiệm của một công dân Việt Nam.
Với ông Linh, không có cái Tết ở đâu ấm áp và vui vẻ bằng tết ở quê nhà. “Tại Hàn Quốc, Tết Nguyên đán không quá đặc sắc hay nhiều hoạt động như ở Việt Nam, mà đơn giản chỉ là một kỳ nghỉ lễ để mọi người về nhà và đoàn tụ với người thân.
Thời gian nghỉ Tết cũng rất ngắn, chỉ từ 30-12 đến 3-1 âm lịch, nên cảm giác Tết ở Hàn Quốc trôi qua rất nhanh. Cũng chính vì vậy, mà người Việt tại Hàn Quốc hay những nước khác luôn mong muốn có cơ hội được về Việt Nam, cảm nhận không khí tết truyền thống của quê hương”, ông Linh cho biết.
Theo ông Linh, cộng đồng hơn 200.000 người Việt Nam tại Hàn Quốc luôn yêu quý và hướng về quê hương, trong cơn bão YAGI vừa qua, rất nhiều người Việt Nam đã tích cực quyên góp hoặc về tận Việt Nam đến các vùng bão lụt để hỗ trợ bà con.
Trong thời gian tới, Hiệp hội Doanh nhân & Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA) hướng tới việc tăng cường hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Hàn Quốc, bởi đó sẽ là nền móng, điểm cốt lõi để từ đó hoạt động hợp tác sâu rộng hơn, giúp cho quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc phát triển mạnh hơn nữa trên các lĩnh vực.
TS Nguyễn Thanh Liêm, Chuyên gia kinh tế, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại tỉnh Chungnam (Hàn Quốc), một trong số 100 kiều bào tiêu biểu về nước dự chương trình Xuân Quê hương 2025, cũng cho biết hiện nay kiều bào đang là “kênh” kết nối hữu hiệu cho các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại giữa các bên.
Theo TS Liêm, chính kiều bào là những người hiểu rõ đối tác nước sở tại nhất, để từ đó có những tham vấn hiệu quả cho các đối tác là doanh nghiệp trong nước. “Chúng ta không chỉ giới thiệu cái chúng ta có, mà chúng ta còn biết những thứ họ cần, và từ đó chúng ta (tức các doanh nghiệp Việt Nam trong nước – PV) có thể điều chỉnh chiến lược kinh doanh của mình sao cho phù hợp để đáp ứng được nhu cầu của đối tác.
Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại tỉnh Chungnam (Hàn Quốc) nhận xét thời gian qua, các cơ quan chức năng, các địa phương của Việt Nam đã có những tiệm cận khác nhau để “khai thác tiềm năng” của kiều bào nhằm tăng cường phát triển, triển khai hợp tác giữa các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài với địa phương, trong đó có hợp tác địa phương Việt Nam với địa phương Hàn Quốc.
TS.BS Võ Toàn Trung, hiện đang phụ trách một trung tâm nghiên cứu về sinh học tại Pháp, một đơn vị phục hồi chức năng tại bệnh viện ở Paris, cho rằng Việt Nam cần có chiến lược quốc gia về phát triển công nghệ cao, từ đó tạo nên sức bật cho nền kinh tế.
“Để kêu gọi dòng vốn đầu tư từ kiều bào về Việt Nam, khung pháp lý của Việt Nam có thể có, nhưng không có những triển khai rõ ràng để bà con có thể đơn giản hóa các vấn đề thủ tục. Trước đây, đầu tư của kiều bào về Việt Nam vướng vào thủ tục hành chính, nhiều kiều bào khi đó không biết làm thế nào. Về phía Việt Nam trong trường hợp đó cũng mất đi những cơ hội”, ông Trung băn khoăn.
Ông Trung dẫn ví dụ kiều bào muốn phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) liên quan đến y tế, như vậy sẽ cần đến dữ liệu của Việt Nam, việc này lại liên quan đến Bộ Công an quản lý. Bộ Công an phải có sự cho phép, kiều bào mới có thể được dùng. Dữ liệu đấy được dùng cho AI và AI đó của Việt Nam.
TS.BS Võ Toàn Trung kiến nghị Đảng và Nhà nước tính đến cơ chế tài chính hỗ trợ cho các dự án có quy mô lớn mang tầm quốc gia. Các nhà khoa học Việt kiều mong muốn được ngồi cùng với lãnh đạo Đảng và Nhà nước để trao đổi, cho phép các nhà khoa học đề xuất để chương trình đầu tư có thể thành hiện thực. Khi các dự án nghiên cứu thành hiện thực, bản quyền sẽ là của Việt Nam, giá trị đầu tư khi đó có thể được nhân lên nhiều lần so với ban đầu.