Xuất cảnh, đi tù bị xóa hộ khẩu?

Theo tờ trình của Bộ Công an, người xuất cảnh từ hai năm trở lên và người đi tù sẽ bị xóa đăng ký thường trú. Nội dung này đã nhận được nhiều ý kiến không đồng tình trong phiên thảo luận sáng 26-2 của Ủy ban Thường vụ QH.

Xóa tên thì quản cách nào?

Thẩm tra dự luật này, Ủy ban Pháp luật của QH cho rằng quy định như vậy là chưa thực sự phù hợp, không bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân đã được hiến định. “Quy định này tạo tâm lý cho người dân phải lo giữ hộ khẩu thường trú tại VN nên trong quá trình học tập, lao động ở nước ngoài phải về nước trước thời hạn hai năm kể từ khi xuất cảnh để không bị xóa đăng ký thường trú. Hơn nữa, nếu xóa đăng ký thường trú như vậy thì cơ quan nào có trách nhiệm quản lý đối với những người này. Khi có những vấn đề liên quan đến họ sẽ xử lý như thế nào?” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đặt vấn đề. Ông Lý cũng cho rằng quy định như vậy sẽ gây ra nhiều khó khăn, phiền hà đối với người xuất cảnh, không chỉ khi họ thực hiện các quan hệ dân sự như kết hôn, giao dịch mua bán tài sản, đăng ký quyền sở hữu… mà còn có thể ảnh hưởng đến việc bảo hộ quyền cho công dân VN trong quá trình giải quyết các tranh chấp dân sự. Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng cho rằng quy định xóa thường trú như vậy lại càng khó quản lý hơn.

Xuất cảnh, đi tù bị xóa hộ khẩu? ảnh 1

Một số ý kiến Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị không nên quy định xóa đăng ký thường trú đối với những người đi tù. Trong ảnh: Dẫn giải các bị cáo về trại giam sau khi tòa tuyên án. Ảnh: HTD

Một số ý kiến Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị không nên quy định xóa đăng ký thường trú đối với những người đi tù. Bởi lẽ như vậy là không bảo đảm yêu cầu về mục đích giáo dục người phạm tội cũng như tính nhân văn và gây khó khăn trong việc tái hòa nhập cộng đồng của người phạm tội.

Đừng làm khổ dân

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, đăng ký thường trú và thường trú là hai việc khác nhau. “Nếu người ta đi công tác nước ngoài hai, ba năm mới về mà xóa thường trú đi thì đâu được. Còn người đi tù không lẽ đăng ký thường trú trong tù. Vì vậy phải có nơi đăng ký thường trú để người ta thực hiện các giao dịch dân sự chứ!” - ông Hiện nhấn mạnh.

“Người đi nước ngoài hai năm chỉ xóa tên trong sổ hộ khẩu thôi, khi người ta về thì làm lại. Người đi tù cũng vậy, chỉ cắt khẩu một thời gian, khi về công an sẽ tạo điều kiện nhanh chóng nhập khẩu lại cho họ chứ có gì đâu!” - Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ giải thích thêm. Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật cho rằng xóa rồi sau đó lại cho phép đăng ký thường trú lại sẽ tạo ra thủ tục hành chính rườm rà, gây tốn kém về thời gian và chi phí cho cả công dân và cơ quan quản lý nhà nước.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng lưu ý việc sửa luật phải đảm bảo các quyền của người dân thay vì cấm và xóa như vậy. “Không chỉ là quyền tự do cư trú mà cả quyền đi lại, quyền được học hành, chăm sóc y tế... Người dân muốn học ở đâu, khám, chữa bệnh ở đâu là quyền của họ sao cứ phải gắn với cái hộ khẩu. Cái này làm người dân khổ rất nhiều rồi. Vì vậy sửa luật phải dựa trên nguyên tắc đảm bảo các quyền cho người dân chứ không được dùng luật để làm căn cứ cấm đoán đi học, chữa bệnh… theo kiểu một cổ nhiều tròng được” - ông Hùng nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, việc bùng nổ dân số ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM hiện nay cho thấy Nhà nước có cấm thì dân vẫn tìm cách lách luật. Vì vậy cơ quan quản lý không nên chỉ nghĩ theo hướng tạo thuận lợi cho mình mà nên đưa ra các điều kiện để quản lý. Ai đáp ứng đủ các điều kiện thì giải quyết cho họ thường trú chứ không nên cấm đoán.

Siết điều kiện nhập hộ khẩu

Theo dự thảo, muốn nhập khẩu vào các TP trực thuộc trung ương phải có một trong số các điều kiện:

- Có nhà ở hợp pháp thuộc sở hữu của mình.

- Có chỗ ở hợp pháp mà không phải là nhà ở thuộc sở hữu của mình và tạm trú liên tục từ hai năm trở lên (Luật Cư trú hiện hành chỉ yêu cầu một năm), phải bảo đảm cả điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND và được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc công chứng. Nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú.

- Được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu trong các trường hợp: vợ về ở với chồng và ngược lại, bố mẹ về ở với con và ngược lại; người thành niên độc thân về sống với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột; ông, bà nội, ngoại về ở với cháu ruột…

- Nhập hộ khẩu vào nội thành Hà Nội thực hiện theo Luật Thủ đô.

THU HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm