Hiện các cơ quan chức năng TP Cà Mau (Cà Mau) đang tìm hướng giải quyết số vàng mà chị Phạm Tuyết Mai, Công nhân nhà máy rác Cà Mau, nhặt được hơn một năm trước rồi giao nộp cho công an. Bởi khi công an đang làm thủ tục giải quyết cho chị Mai hưởng giá trị tài sản nhặt được thì chị Nguyễn Thị Bích Ngân (ngụ khóm 7, phường 8, TP.Cà Mau) đến công an, xuất trình các chứng cứ để xin nhận lại số vàng vì “nó là của chị”.
Chị Mai, công nhân nhà máy rác nhặt được 5 lượng vàng mang nộp cho công an
Số vàng trên có phải của chị Ngân và công an sẽ phải giao cho ai? Luật pháp quy định vấn đề này thế nào, các chuyên gia phân tích cùng những kiến nghị của họ.
Trả lại cho người mất vàng?
Luật sư Trịnh Thanh, Văn phòng luật sư Người Nghèo, cho biết: Theo dõi sự việc qua báo chí, tôi thấy việc chị Mai - công nhân nhặt rác - mang số vàng nhặt được giao nộp cho công an để truy tìm, trả lại cho người bị mất, là hành động đáng biểu dương. Hành vi này vừa đúng luật, lại hợp đạo lý và công an đã làm đúng các thủ tục cần thiết là thông báo; chờ hết một năm mới làm thủ tục cho chị Mai hưởng giá trị số vàng trên theo quy định.
Về mặt luật pháp, trước hết, phải xác định số vàng mà chị Mai nhặt được là vật do người khác đánh rơi, bỏ quên và nó sẽ được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Điều 241 Bộ luật Dân sự.
Theo quy định, nếu quá một năm sau khi công an thông báo tìm chủ sở hữu mà không có ai đến nhận thì chị Mai sẽ được hưởng phần của số vàng trên và công an làm thủ tục cho cho hưởng phần tài sản nhặt được là không sai.
Giả định rằng số vàng nói trên là của chị Ngân, bị mất đúng như chị trình bày thì công an nên xem xét, hoàn trả cho chị.
Bởi lẽ, khi bị mất vàng, chị đã tìm mọi cách truy tìm nó, kể cả trình báo cho công an phường nhưng vì rất nhiều lý do khiến chị không biết thông báo của công an. Đơn trình báo của chị là bằng chứng rõ ràng nhất về việc truy tìm chứ không phải chị từ bỏ số vàng trên. Chưa hết, luật pháp cũng không quy định sau thời hạn bao lâu thì việc trình báo, truy tìm tài sản sẽ hết hiệu lực nên không thể áp dụng thời hạn một năm sau thông thông báo của công an để tước bỏ quyền nhận lại tài sản của chị Ngân.
Trường hợp này cơ quan chức năng không thể cứng nhắc áp dụng “Sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai…” vì còn cái đơn trình báo tìm tài sản của chị Ngân.
Chưa hết, ý chí của nhà làm luật rất rõ khi đưa quy định “Người nhặt được vật do người khác đánh rơi hoặc bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại vật cho người đó…” lên đầu tiên. Tức nhà nước đặt lên hàng đầu nguyên tắc ứng xử tốt đẹp “trả lại vật cho người bị đánh rơi”.
Hay giao cho cho chị Mai?
Trong khi đó, luật sư Phạm Công Hùng (nguyên thẩm phán TAND tối cao) lại cho rằng chị Mai phải được hưởng số vàng trên theo quy định.
Ông nói: Điều 241 quy định rõ ràng là “sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai về vật nhặt được mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận…”. Trường hợp này, đã quá một năm, công an nên giải quyết cho chị Mai hưởng phần.
Ông phân tích: Quy định của luật pháp là bảo vệ người ngay tình và trường hợp này, chị Mai là người ngay tình, tuân thủ luật pháp nên phải giải quyết cho chị hưởng phần của số vàng trên. Điều này cũng tương tự như thời hiệu khởi kiện, nếu hết thời hiệu, đương sự không còn quyền kiện nữa.
“Trong giao dịch dân sự, một nguyên tắc đặt ra là các chủ thể phải thiện chí, trung thực, tôn trọng quyền sở hữu, lợi ích hợp pháp của người khác. Nói ngắn gọn là người nhặt được của rơi phải tự mình hoặc nhờ chính quyền tìm cách trả lại cho chủ sở hữu. Và luật cũng quy định thời hạn “tìm, trả” rất rõ ràng là một năm. Nếu công an đã làm đúng các thủ tục tiếp nhận, thông báo… thì cho dù số vàng trên là của chị Ngân bị đánh mất, chị cũng mất quyền nhận lại tài sản”, ông Hùng nói.
…
Hai quan điểm tiêu biểu trái ngược nhau vì một bên áp dụng thời hạn của Điều 241 BLDS còn một bên xem xét “thời hiệu” của đơn trình báo, dẫn đến cách giải quyết khác nhau. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin cách giải quyết sự vụ cụ thể của cơ quan chức năng cùng ý kiến các chuyên gia.