Ngày 3-7, Bộ NN&PTNT tổ chức họp báo thường kỳ thông tin về kết quả đạt được của ngành trong sáu tháng đầu năm và đề ra những giải pháp thực hiện trong các tháng cuối năm. Tại đây, ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT), cho biết sáu tháng đầu năm dù gặp nhiều khó khăn nhưng tăng trưởng của ngành vẫn đạt 3,07%. Kết quả này được đánh giá là tương đối cao.
Xuất khẩu gạo, rau quả tiếp tục là điểm sáng
Ông Việt thông tin về xuất khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sáu tháng đầu năm đạt 24,59 tỉ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, xét cụ thể các nhóm ngành thì nhóm nông sản đạt 12,79 tỉ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, dẫn đầu là gạo, rau quả, hạt điều. Bộ NN&PTNT đánh giá đây là mức tăng trưởng rất ấn tượng.
|
Nông sản tiếp tục là điểm sáng khi xuất khẩu đạt 12,7 tỉ USD trong sáu tháng đầu năm. Ảnh:TÚUYÊN |
Tại họp báo, với những ý kiến liên quan đến tiềm năng xuất khẩu rau quả của Việt Nam (VN) có thể đạt 10 tỉ USD hay không? Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, nhận định: VN có diện tích về trồng trọt không lớn nhưng giá trị xuất khẩu rau quả không thua kém các nước.
Theo ông Cường, trước xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa, diện tích trồng trọt sẽ giảm và có thể dẫn tới sản lượng rau quả giảm. Tuy nhiên trong tương lai, nếu có các giải pháp nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, cộng với sự đầu tư xứng đáng của Nhà nước cho khâu chế biến thì vẫn có thể tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu. Do đó, xuất khẩu rau quả hoàn toàn có thể đạt 10 tỉ USD.
|
Nhóm thủy sản ghi nhận mức tăng trưởng giảm 27,4% so với cùng kỳ. Ảnh: Q.HUY |
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cũng đánh giá: “Chưa bao giờ xuất khẩu rau quả đạt cao như hiện nay khi sáu tháng đầu năm đạt 2,75 tỉ USD, tăng 64,2%.
Nếu cứ trên đà này, chắc chắn năm 2023 sẽ đạt trên 5 tỉ USD, đó là hầu như chúng ta mới xuất khẩu thô, sản phẩm ở dạng quả tươi. Nếu đầu tư tốt hơn nữa cho chế biến sâu, khai thác tiềm năng thị trường thì con số 10 tỉ USD từ xuất khẩu rau quả hoàn toàn có thể đạt được”.
Phấn đấu toàn ngành xuất khẩu đạt 54 tỉ USD
Theo Bộ NN&PTNT, trong khi nhóm nông sản chính và chăn nuôi tăng trưởng cao thì nhóm hàng thủy sản và lâm sản lại giảm rất mạnh. Thủy sản đạt 4,13 tỉ USD, giảm 27,4% và lâm sản chính đạt 6,5 tỉ USD, giảm 28,2%.
Theo Bộ NN&PTNT, xuất khẩu rau quả sáu tháng đầu năm 2023 đạt 2,75 tỉ USD, tăng 64,2% so với cùng kỳ; xuất khẩu gạo tăng 34,7% về giá trị xuất khẩu; xuất khẩu hạt điều tăng 10,5% khối lượng và tăng 7,7% giá trị xuất khẩu. Riêng cà phê tuy giảm về khối lượng nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng nên giá trị xuất khẩu đạt 2,4 tỉ USD, tăng 3%.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường nông sản, cho hay bức tranh thị trường xuất khẩu sáu tháng cuối năm chưa có tín hiệu phục hồi rõ nét. Lượng tồn kho của các nhà nhập khẩu và doanh nghiệp (DN) trong nước đều ở mức cao, lượng cầu vẫn đang ở mức thấp. Không chỉ khó khăn về xuất khẩu giảm mà các thị trường xuất khẩu nói chung và thị trường châu Âu (EU) nói riêng còn đặt ra những yêu cầu ngày càng chặt chẽ.
Nếu trước đây, thị trường EU yêu cầu kiểm soát theo chuỗi và truy xuất nguồn gốc để cho DN xuất khẩu đăng ký và DN này được mua qua các cơ sở sơ chế hoặc đại lý thì theo luật mới của EU, chỉ trừ khâu sản xuất ban đầu, tất cả khâu tiếp theo từ sơ chế, chế biến, logistics, kho lạnh tổng hợp đều phải đăng ký.
“Như vậy, bên cạnh yếu tố thương mại thì các yếu tố kỹ thuật cũng là vấn đề mà các DN cần phải lưu tâm để đảm bảo việc các thị trường xuất khẩu sẽ được mở rộng, không bị thu hẹp lại” - ông Tiệp nói.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá VN vẫn còn nhiều cơ hội xuất khẩu nông sản trên thị trường thế giới. Từ cơ cấu thị trường và ngành hàng, bộ sẽ có những điều hành linh hoạt, thích ứng với bối cảnh mới.
“Chúng ta nhìn từ bức tranh thị trường, bức tranh ngành hàng để điều hành xuất khẩu một cách linh hoạt, hợp lý. Với nỗ lực của toàn ngành, hết năm có thể xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt con số 54 tỉ USD dù trong bối cảnh khó khăn” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
14 vụ/84 ngư dân vi phạm đánh bắt vùng biển nước ngoài
Ông Dương Văn Cường, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT), cho biết sau cuộc họp lần thứ bảy của Ban chỉ đạo quốc gia về IUU, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra ở hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau.
Qua kiểm tra, đoàn công tác ghi nhận hai tỉnh đã có nhiều kết quả tích cực trong công tác chống khai thác IUU. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như còn tình trạng tàu cá của ngư dân địa phương bị nước ngoài bắt giữ, vi phạm IUU trên biển còn nhiều nhưng kết quả kiểm tra, xử phạt vi phạm còn ít. Việc lắp đặt giám sát hành trình đạt 100% nhưng tình trạng mất kết nối để cố tình trốn tránh giám sát của cơ quan có thẩm quyền vẫn xảy ra…
Thông tin thêm, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết hiện chúng ta có hơn 86.820 tàu, trong đó trên 3.000 tàu có chiều dài trên 15 m. Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình được 97% nhưng số nguy cơ cao lại nằm ở số tàu còn lại chưa lắp thiết bị. Thậm chí, lắp đặt thiết bị rồi nhưng lại có tình trạng ngắt kết nối, gửi thiết bị sang tàu khác. Điều này cho thấy việc quản lý và giám sát đội tàu còn vấn đề. Từ đầu năm đến nay xảy ra 14 vụ/84 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài.
“Vì sao EC vừa qua chưa đến? Vì ta vẫn còn tàu vi phạm nước ngoài, nghĩa là ta chưa thể gỡ thẻ vàng nên họ dời sang tháng 10. Tàu đi đánh bắt về phải có nhật ký nhưng nhật ký của nhiều tàu là “hồi ký” chứ không phải nhật ký, 10 tàu có chữ giống nhau, chứng tỏ không phải nhật ký” - ông Tiến nhấn mạnh.