Bộ Công Thương cho biết, quý 1/2009, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ nói chung suy giảm không lớn, nhưng một số mặt hàng lại có suy giảm đáng kể.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm 10% (đạt 203 triệu USD) so với cùng kỳ năm 2008, thủy sản giảm 2,2% (đạt 111 triệu USD), dệt may giảm 2,9% (đạt 1,06 tỷ USD)... trong khi đối với Việt Nam, thị trường Hoa Kỳ có ý nghĩa quan trọng.
Hiểu rõ luật trước khi xuất hàng
Năm 2008, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ đạt xấp xỉ 12 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Nhiều mặt hàng dệt may, giày dép, đồ gỗ, thủy sản, thủ công mỹ nghệ đã chiếm được thị phần tương đối đáng kể và trở thành những mặt hàng xuất khẩu chủ lực.
Nhưng trong năm 2007 và 2008, Hoa Kỳ đã thông qua một loạt đạo luật và các văn bản quy định những điều kiện liên quan đến nhập khẩu một số mặt hàng, trong đó có những mặt hàng chiếm thị phần rất lớn trong xuất khẩu của Việt Nam, ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết.
Theo bà Cathy Sauceda, Giám đốc phụ trách An toàn nhập khẩu và các yêu cầu liên ngành của Hải quan Hoa Kỳ, một số quy định mới trong Đạo luật Nông trại, Đạo luật Lacey sửa đổi (thực thi toàn bộ từ ngày 1/5/2009) và Đạo luật Cải tiến an toàn sản phẩm tiêu dùng sẽ tác động trực tiếp đến việc xuất khẩu nông sản, hải sản, đồ gỗ, hàng tiêu dùng... của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ trong thời gian tới.
Những quy định này được thực thi nhằm nâng cao an ninh nhưng vẫn đảm bảo lưu chuyển hàng hóa. Trong đó, những lĩnh vực Hoa Kỳ sẽ tăng cường kiểm tra, giám định là hàng dệt may, sở hữu trí tuệ, chống bán phá giá, chống trợ cấp...
Phân tích cụ thể hơn, Luật sư Brenda A. Jacobs, Công ty luật Sidley Austin (Hoa Kỳ), cho biết, một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ chịu tác động lớn bởi các đạo luật nói trên như cá tra, cá basa, đồ gỗ và các sản phẩm gỗ. Bởi sắp tới đây, một luật mới khác của Hoa Kỳ sẽ buộc các lô hàng cá da trơn phải chịu sự kiểm tra khi xuất khẩu vào thị trường này.
Đây là nguy cơ đối với Việt Nam nếu biện pháp kiểm tra toàn bộ sẽ được áp dụng. Hơn nữa, các nhà sản xuất của Hoa Kỳ đang vận động mạnh mẽ để Hoa Kỳ áp dụng bắt buộc phải phân loại theo chất lượng và điều này phải được thể hiện ngay trên bao bì sản phẩm, điều đó có nghĩa là chi phí của doanh nghiệp sẽ tăng lên.
Còn đối với mặt hàng gỗ và các sản phẩm gỗ, bà Brenda A. Jacobs cho biết, theo Đạo luật nông trại 2008, nhà nhập khẩu phải đáp ứng yêu cầu khai báo nhập khẩu. Xuất phát từ việc các nhóm môi trường tại Hoa Kỳ khẳng định rằng 10% các sản phẩm gỗ nhập khẩu vào Hoa Kỳ hàng năm trị giá khoảng 3,8 tỷ USD là được thu từ gỗ chặt đốn trái phép. Và các nhóm công nghiệp thì khẳng định rằng việc chặt đốn gỗ trái phép này tạo ra sự cạnh tranh không công bằng với thương mại và sản xuất hợp pháp tại Hoa Kỳ.
Mặc dù trước mắt, Hoa Kỳ chỉ áp dụng đối với gỗ nhiên liệu, gỗ thô nhập khẩu, nhưng mỗi tháng sẽ được đưa vào 1 giai đoạn mới và bổ sung thêm những sản phẩm mới, và từ tháng 4/2010 sẽ áp dụng đối với tất cả sản phẩm gỗ và đồ gỗ nội thất – đây là nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ.
Tìm kiếm đối tác có uy tín
Để đưa hàng hóa thành công vào thị trường Hoa Kỳ, một lời khuyên hữu ích được bà Cathy Sauceda đưa ra cho các doanh nghiệp Việt Nam là không nên bỏ qua hoặc không quan tâm đúng mức đến các công đoạn trong chuỗi cung ứng. Muốn vậy, doanh nghiệp phải làm việc với những đối tác Hoa Kỳ có uy tín, có kinh nghiệm để có thể chuyển hàng hóa hiệu quả đến Hoa Kỳ.
Nhưng trước đó, song song với việc các nhà sản xuất Việt Nam cần đảm bảo sản xuất hàng hóa có chất lượng thì doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu phải biết rõ nhà cung cấp nguyên liệu cho mình là ai, sản phẩm xuất khẩu có được kiểm nghiệm không, rồi tiếp đó mới tới ai là người vận chuyển, ai là người đưa sản phẩm vào Hoa Kỳ và ai là người phân phối đến người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Thành Biên cũng khuyến cáo, Hoa Kỳ vẫn là một thị trường lớn và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2009 và các năm tiếp theo. Vì vậy, các doanh nghệp cần tổ chức tốt hơn công tác thị trường nước ngoài, nắm bắt và tổ chức các hoạt động giao lưu, tiếp xúc với các bạn hàng nhập khẩu, các tổ chức bán buôn, bán lẻ để hiểu rõ những thay đổi trong cơ chế quản lý nhập khẩu của Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tiếp xúc với cơ quan tư vấn để họ hướng dẫn về 3 đạo luật mới trên do nó tác động trực tiếp đến hàng hóa xuất khẩu của các doanh nghiệp, bởi đây là những hàng rào kỹ thuật thương mại mới và phức tạp cho nên doanh nghiệp cần nghiên cứu sâu với sự hỗ trợ của các chuyên gia. Tóm lại, doanh nghiệp cần kết hợp nhuần nhuyễn giữa 3 khâu sản xuất, nắm bắt thông tin và tổ chức xúc tiến thương mại.
Bộ Công thương sẽ tích cực phổ biến cho doanh nghiệp nắm được những quy định mới liên quan đến chính sách và điều tiết nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, cũng như có biện pháp tổ chức thực hiện để có thể giảm thiểu tác động từ việc thực thi các quyết định này đến xuất khẩu của Việt Nam, tăng cường chất lượng của các quy định để phù hợp với các quy định của Hoa Kỳ.
Theo HỒNG THOAN ( VnEconomy)