Chiều 15-6, tại Nhà tang lễ quốc gia phía Nam (số 5 Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp, TP.HCM) đã diễn ra lễ tang ông Trần Quốc Hương, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Nội chính Trung ương.
Dù trời mưa nhưng nhiều đoàn lãnh đạo trung ương và TP.HCM, đồng nghiệp của ông đều đến thắp nén nhang, tiễn đưa “bậc thầy của các nhà tình báo”.
Luôn giữ vững khí tiết cách mạng
Đến viếng, thắp nhang cho ông Mười Hương, đoàn đại biểu Ban chấp hành Trung ương Đảng do ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư, dẫn đầu.
Sau khi dâng nén nhang thơm tiễn biệt ông Trần Quốc Hương, ông Trần Quốc Vượng xúc động viết trong sổ tang: “Đồng chí Trần Quốc Hương đã không ngừng phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn, đóng góp nhiều công lao cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc và lực lượng tình báo Việt Nam. Vĩnh biệt đồng chí Mười Hương”.
Theo ông Trần Quốc Vượng, dù ở bất cứ cương vị công tác, hoàn cảnh nào và ngay trong hoàn cảnh khắc nghiệt trước kẻ thù, ông Trần Quốc Hương luôn giữ vững phẩm chất, ý chí, khí tiết của người chiến sĩ cộng sản.
Minh chứng rõ nhất cho khí tiết của người chiến sĩ cách mạng, luôn giữ vững phẩm chất, ý chí của mình có lẽ là đoạn đối thoại của ông khi bị địch bắt giam được nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải ghi lại trong cuốn sách Trần Quốc Hương, người chỉ huy tình báo.
Khi được hỏi: “Ông có phải tên Hương không?”.
Nhà tình báo Trần Quốc Hương khi đó đã đáp:
“Đúng. Tôi là Hương. Các ông muốn gì? Dù ông muốn gì, tôi cũng nói trước cho các ông biết: Người cách mạng bị bắt có ba việc không làm: Không khai báo, không nói xấu cách mạng, không nói xấu Chính phủ Cụ Hồ. Còn các ông muốn làm gì thì làm…”.
Lời đáp của ông đã khiến địch bất ngờ, bỏ về mà không làm gì được.
Có một câu chuyện khác cũng được nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải ghi lại, là khi nghe tin một người bạn cùng hoạt động bị bắt, vì không muốn bị tra tấn đã cắt cổ tự tử, bị giam riêng biệt trong bệnh viện. Ông Mười Hương đã tìm cách liên lạc với một nữ y tá để xin được vào thăm bạn.
Khi bị y tá ngăn cản vì có thể sẽ chết, Mười Hương đã nói rằng người bạn này có ơn với mình khi còn khốn khó. Ông lẻn vào thăm bạn ngay khi lính của địch canh gác xung quanh, chỉ kịp nhét cho bạn vài miếng bánh mì, đồng bạc lẻ đã phải quay đi.
Dù có rơi vào nguy hiểm đi nữa, ông cũng không thể bỏ mặc người bạn một thời cùng trải qua khốn khó. Chính bản tính trung tín ấy của ông đã được các nhà lãnh đạo cách mạng nhìn ra, dành cho ông sự tin cậy nhất định khi giao các nhiệm vụ quan trọng.
Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng dẫn đầu đoàn đại biểu Ban chấp hành Trung ương Đảng đến viếng nhà tình báo Mười Hương. Ảnh: NGUYỆT NHI
Người bồi đắp niềm tin chiến thắng cho thế hệ trẻ
Lặng lẽ đứng ở một góc trong nhà tang lễ, bà Trần Thị Thu Hà hướng ánh nhìn về phía linh cữu của nhà tình báo Mười Hương đầy xúc động.
Bà Thu Hà kể lại, thời kỳ chiến tranh, gia đình bà ở Campuchia. Một ngày, cha mẹ bà nói rằng sẽ có người đến ở cùng với gia đình trong bốn tháng. Bà không ngờ người đàn ông đó chính là một nhà tình báo lỗi lạc.
“Mãi đến sau này mình nghe tên, thấy mặt chú rồi mới nhớ ra. Sau này, khi về lại Việt Nam sinh sống, tôi vẫn thường lui tới thăm nhà chú ở quận 2” - bà Hà nói.
Bà Hà kể mọi người gọi ông là Mười Hương nhưng bà thì quen gọi là chú Năm. “Trong suốt bốn tháng ở nhà của chúng tôi, ông giặt đồ, làm việc nhà như mọi người. Mấy lần mẹ thấy, bảo rằng sao chú làm mấy việc này, chú chỉ cười bảo mọi người làm thì chú cũng làm” - bà Hà nhớ lại.
Bà Thu Hà từng gặp lại ông Mười Hương nhiều lần, khi bà công tác ở Sở Ngoại vụ TP. Những lần gặp ngắn ngủi nhưng lúc nào ông Mười Hương cũng nhớ ra rồi cười chào bà.
“Lúc còn chiến tranh, gia đình tôi cũng hoạt động cách mạng. Nhưng vì bí mật nên làm sao mà biết người ở trong nhà mình là ông Mười Hương. Sau này biết được, với thế hệ trẻ chúng tôi lúc đó, ông là người bồi đắp niềm tin vào sự thành công của cách mạng. Niềm tin đó lớn lao lắm” - bà Hà nói.
Ông Mười Hương ra đi, để lại cho đời sau những câu chuyện về một con người với nhân cách cộng sản cao cả, câu chuyện về lòng tin làm nên sức mạnh, về nghĩa tình đồng đội. Đó là một khoảng trống khó bù đắp.
Như lời của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã viết trong sổ tang để tiễn biệt ông: “Sự ra đi của đồng chí là một mất mát to lớn, đã để lại sự tiếc thương của đồng chí, đồng bào cả nước nói chung và riêng của tỉnh Hà Nam và của TP.HCM. Đồng chí ra đi nhưng hình ảnh và những cống hiến của đồng chí cho sự nghiệp cách mạng mãi in đậm trong lịch sử đất nước, lịch sử ngành tình báo Việt Nam và trong lòng mỗi cán bộ, đảng viên và từng người dân”.
Chiều 15-6, nhiều đoàn lãnh đạo trung ương và TP.HCM đã đến Nhà tang lễ quốc gia phía Nam (số 5 Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp, TP.HCM) để viếng ông Trần Quốc Hương, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Nội chính Trung ương. Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải cũng đã đến thắp nhang để tiễn đưa ông Trần Quốc Hương. |