Mỗi buổi sáng, trước giờ đi làm, tôi mở tủ ra lấy đồ và luôn ngắm bộ quân phục trang trọng với đầy đủ huân huy chương, cấp hàm cấp hiệu. Nó như nhắc nhở tôi làm sao phải sống xứng đáng với danh hiệu người lính cụ Hồ.
Chiều nay, nhìn thấy trong dòng người hung hăng tràn vào văn phòng VFF kiếm vé xem bóng đá có bóng dáng một số người mặc quân phục, mang huân huy chương, xưng danh thương binh, tôi không khỏi chạnh lòng.
Những người xưng thương binh dùng xe ba gác ủi thẳng vào cửa VFF, bất chấp nỗ lực cản trở của Cảnh sát cơ động...
Và chiếm lĩnh trụ sở ngồi ăn uống nhìn rất phản cảm, không còn ra thể thống gì. Ảnh: FB
Ai cũng muốn có được tấm vé để xem trận cầu chung kết lịch sử giữa VN và Malaysia nhưng hành xử như thế có nên không? Nếu những người này là thương binh giả, mạo danh để quấy rối, để đục nước béo cò thì cần phải được xử lý theo pháp luật nhưng nếu họ là thương binh thật thì đáng trách (và cũng phải bị xử lý!).
Dù biện minh như thế nào thì việc phá rào, phá cửa, chống lại người thi hành công vụ dùng cả xe máy thô sơ phi thẳng vào công sở, sau đó là mắc võng vạ vật, ăn nằm ngổn ngang, lê la ăn vạ trong khuôn viên VFF là một hành vi vừa vi phạm pháp luật vừa kém văn minh.
Huân, huy chương của Nhà nước tặng cho người lính là để ghi công trạng vì Tổ quốc, còn với bản thân người lính việc cống hiến cho Tổ quốc là lẽ đương nhiên, là trách nhiệm, nghĩa vụ theo nghĩa “trai thời loạn, gái thời bình”. Huân, huy chương, danh hiệu người lính cụ Hồ không phải là để đi mặc cả, tệ hơn nữa là “ăn vạ”.
Có một thời xa lắm, một số thương binh và cả những kẻ giả mạo thương binh làm nhiều chuyện không đẹp như đi buôn lậu, khởi xướng trong những chuyện tiêu cực tại địa phương, đến các cơ quan chính quyền, chặn xe vòi vĩnh tiền bạc, luôn vỗ ngực kể công, tỏ ra công thần, bất chấp pháp lý và đạo lý.
Những tưởng chuyện ấy đã qua đi, vậy mà hôm nay lại xuất hiện.
Họ chỉ là một thiểu số nhưng hành động của họ làm xấu hình ảnh bộ đội cụ Hồ, hơn nữa xúc phạm đến hàng trăm ngàn thương binh đang sống tử tế, làm ăn chân chính, tôn trọng pháp luật, tấm gương “tàn nhưng không phế” của họ làm cho con cháu hãnh diện noi theo.
Lấy sự hy sinh cao cả chỉ để tranh giành một vài tấm vé có đáng không?