Chiều 14-5, HĐXX phúc thẩm TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên y án 13 năm tù đối với cựu chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Đinh La Thăng. Tòa cũng không chấp nhận kháng cáo của ông Thăng và các bị cáo khác về trách nhiệm bồi thường dân sự.
Bác kháng cáo của ông Thăng
Cấp phúc thẩm đã tuyên giảm án cho sáu bị cáo với mức giảm từ sáu tháng tới ba năm tù. Đối với nhóm bị cáo phạm tội tham ô, HĐXX cho rằng hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, có tình tiết tăng nặng là phạm tội có tổ chức. Cấp sơ thẩm đã không đánh giá hết tính chất nghiêm trọng hành vi phạm tội của các bị cáo và tuyên án có lợi cho các bị cáo. Vì thế cần giữ nguyên hình phạt chính, hình phạt bổ sung mà cấp sơ thẩm đã tuyên đối với tất cả bị cáo.
Bản án phúc thẩm nhận định các bị cáo Đinh La Thăng (cựu chủ tịch PVN) và Phùng Đình Thực (cựu TGĐ PVN) đã có hành vi cố ý làm trái hàng loạt quy định về chỉ định thầu; quyền và trách nhiệm của chủ đầu tư; vi phạm nguyên tắc ký kết hợp đồng xây dựng, hồ sơ hợp đồng xây dựng, tạm ứng hợp đồng xây dựng...
Hai bị cáo chỉ đạo lựa chọn Tổng Công ty Xây lắp dầu khí PVC làm tổng thầu dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 khi PVC không bảo đảm tài chính, chưa có kinh nghiệm thực hiện dự án. Hai bị cáo đôn đốc, thúc ép PVC và PVPower ký Hợp đồng EPC số 33 và 4194 khi chưa đủ điều kiện; chỉ đạo việc tạm ứng cho PVC khi các hợp đồng chưa có điều khoản thanh toán. Hai bị cáo còn hướng dẫn tạm ứng thanh toán, để PVC sử dụng tạm ứng sai mục đích, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước.
Cấp phúc thẩm nhận định: “Những quy kết của bản án sơ thẩm là hoàn toàn có căn cứ. Kháng cáo kêu oan hoặc không phạm tội cố ý làm trái... của hai bị cáo là không có căn cứ chấp nhận”.
Các bị cáo đang nghe tòa tuyên án. Ảnh: ĐM
Về việc xác định thiệt hại, HĐXX cho rằng cấp sơ thẩm đã căn cứ vào kết luận giám định thiệt hại của hội đồng giám định liên ngành, kết luận này được thực hiện theo đúng quy định. Ngoài thiệt hại trực tiếp xác định được bằng tiền như kết luận giám định đã nêu, tòa án cấp sơ thẩm còn xác định hậu quả nặng nề và những hệ lụy cho hành vi cố ý làm trái... của các bị cáo không thể tính được bằng tiền hoặc chưa có thời gian để xem xét trong vụ án này. Theo HĐXX phúc thẩm, cách đánh giá này của cấp sơ thẩm là “thực tế và hoàn toàn có căn cứ”.
Do vậy, kháng cáo của bị cáo Đinh La Thăng cũng như quan điểm của luật sư cho rằng việc sử dụng tiền tạm ứng cho dự án sai mục đích nhưng lại có lợi cho PVC là không đúng. Các luật sư nói cách tính thiệt hại của các giám định viên chỉ là giả thiết, không bảo đảm nguyên tắc có lợi cho bị cáo cũng không có căn cứ chấp nhận...
Không được xét “thành khẩn khai báo”
Theo HĐXX, khi quyết định hình phạt với bị cáo Đinh La Thăng, tòa án cấp sơ thẩm đã xác định đúng vai trò của bị cáo là người giữ vị trí chủ chốt trong tập đoàn kinh tế lớn. Nhưng bị cáo đã lợi dụng vị thế, tính đặc thù cũng như nhiều ưu đãi khác của Nhà nước đối với tập đoàn. Vì những động cơ khác nhau bị cáo đã thực hiện hàng loạt sai phạm về lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng, tạm ứng vốn, gây thiệt hại cho PVN số tiền đặc biệt lớn và nhiều hệ lụy nghiêm trọng.
“Mức hình phạt 13 năm tù đối với bị cáo là cần thiết và không oan” - HĐXX phúc thẩm nhận định và cho rằng nhân thân cũng như quá trình công tác của bị cáo Thăng, gia đình bị cáo có công với nước đã được cấp sơ thẩm xem xét.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo có nhận sai phạm nhưng vẫn không nhận hành vi chỉ đạo và không nhận tội cố ý làm trái... như cấp sơ thẩm quy kết. Chứng tỏ bị cáo chưa thấy được trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu một tập đoàn lớn trước pháp luật. Do đó không có căn cứ áp dụng điểm s khoản 1 Điều 51 của BLHS 2015 (người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải) để giảm hình phạt cho bị cáo.
“Việc gia đình bị cáo xuất trình biên lai nộp 1 tỉ đồng thay cho bị cáo trong giai đoạn HĐXX nghị án vào sáng 14-5 là số tiền không đáng kể so với số tiền bị cáo phải bồi thường nên cũng không có căn cứ để giảm hình phạt” - bản án nêu.
Cựu TGĐ PVN được giảm ba năm tù Ông Phùng Đình Thực được tuyên giảm án từ chín năm tù xuống còn sáu năm tù giam. HĐXX đánh giá với cương vị là TGĐ PVN, bị cáo vẫn phải chịu trách nhiệm về những sai phạm của các phó TGĐ đã được ủy quyền. Việc xử phạt nghiêm khắc và áp dụng hình phạt tù giam đối với bị cáo là cần thiết. Tuy nhiên, HĐXX ghi nhận hành vi sai phạm của bị cáo Thực có sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của bị cáo Đinh La Thăng, đã có sự ủy quyền cho cấp dưới là Nguyễn Quốc Khánh và Nguyễn Xuân Sơn. Đặc biệt tại thời điểm phạm tội, bị cáo phụ trách nhiều lĩnh vực, nhiều dự án quan trọng khác của tập đoàn. PVN đã có đề nghị xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo; bị cáo đã khắc phục hậu quả 1 tỉ đồng, bản thân bị cáo có nhiều thành tích đóng góp cho ngành dầu khí, gia đình có công với cách mạng, bị cáo tuổi cao sức yếu, mang nhiều bệnh... “Vì thế có cơ sở để xem xét giảm một phần hình phạt cho bị cáo” - bản án kết luận. |