Công văn cho hay theo thông tin phản ánh của cơ quan truyền thông, ngày 7-2-2017 Sở VH-TT&DL Tiền Giang có Công văn số 120/SVHTTDL-TTg đề nghị phòng văn hóa thông tin các huyện, thành thị thông báo cho các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn quản lý yêu cầu trong thời hạn 30 ngày phải gỡ bỏ ngay các bài hát chưa được cấp giấy phép phê duyệt nội dung, kèm theo danh mục 354 bài hát. Trong đó, có bài hát Màu hoa đỏ của nhạc sĩ Thuận Yến sáng tác năm 1991 phổ thơ Nguyễn Đức Mậu.
“Thừa ủy quyền của lãnh đạo Bộ VH-TT&DL, Cục NTBD đề nghị Sở VH-TT&DL Tiền Giang khẩn trương báo cáo về việc này kèm theo các văn bản có liên quan về Cục NTBD trước ngày 26-3 để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng”, văn bản cho hay.
Trong khi đó, bày tỏ trên Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên nói: "Cấm bài hát Màu hoa đỏ là sự vô lý. Đây là một bài hát hay, đi vào lòng người bao thế hệ như vậy mà bỗng dưng lại bị cấm. Không thể cứ cái gì không quản được là cấm. Cách làm của Tiền Giang như vậy là không ổn”.
Bài hát Màu hoa đỏ được nhạc sĩ Thuận Yến phổ từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu năm 1991. Năm 1994, ca khúc Màu hoa đỏ đã đoạt giải của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và được trao giải ca khúc xuất sắc của Bộ Quốc phòng.
Ca khúc “Màu hoa đỏ” của cố nhạc sĩ Thuận Yến bất ngờ có tên trong danh sách 354 bài hát không được phép lưu hành và phổ biến.
Thế nhưng hơn một tháng qua dư luận tỉnh Tiền Giang xôn xao thông tin cấm bài hát Màu hoa đỏ và kiên quyết không cấp phép hoạt động cho người dân chuyển đổi công năng từ nhà ở sang kinh doanh karaoke.
Việc cấm này thể hiện rõ tại Công văn thứ nhất có số hiệu 120/SVHTTDL-TTr ký ngày 7-2, nêu rõ: đề nghị Phòng VHTT các huyện, thành thị thông báo cho các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn quản lý yêu cầu trong thời hạn 30 ngày phải gỡ bỏ ngay các bài hát chưa được cấp giấy phép phê duyệt nội dung…
Sau ngày 10-3, đội kiểm tra liên ngành các cấp tiến hành kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính các cơ sở kinh doanh karaoke chưa gỡ bỏ các bài hát chưa được phép phê duyệt nội dung cho phép lưu hành, phổ biến theo quy định của pháp luật. Kèm theo công văn này là danh sách 354 bài hát không được phép lưu hành, cấm phổ biến.
Công văn thứ 2 có số hiệu 158-SVHTTDL- TTr do ông Đảm ký ngày 15-2, nêu rõ: “Không cấp phép hoạt động đối với các cơ sở chuyển đổi công năng từ nhà ở sang kinh doanh karaoke”.
Vợ chồng nhạc sĩ Thuận Yến
Bà Thanh Hương, vợ cố nhạc sĩ Thuận Yến, cho rằng ca khúc Màu hoa đỏ đối với những người lính đã từng trải qua cuộc chiến là khúc tráng ca, là một trang nhật ký đậm màu cuộc sống. Còn với những người chưa từng qua cuộc chiến, bài hát ấy là lời nhắc nhớ về một sự hy sinh “rực lửa” không được phép quên.
"Mỗi lần ca khúc Màu hoa đỏ được biểu diễn là đem lại rất nhiều cảm xúc, xúc động cho người nghe. Vậy vì sao lại bị tạm dừng lưu hành? Tôi không hiểu" - bà Hương cho biết trên Dân Việt.
Nhạc sĩ Thuận Yến đang được đề nghị truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Việc vô cớ cấm một ca khúc nhạc đỏ khiến dư luận bất bình, đến ngay ông Phạm Văn Trọng, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Tiền Giang kiêm người phát ngôn của UBND tỉnh, tỏ ra rất bất ngờ khi phóng viên cung cấp 2 văn bản của Sở VH-TT&DL.
Nghe NSƯT Thanh Lam biểu diễn bài hát "Màu hoa đỏ" của cha mình - nhạc sĩ Thuận Yến (Nguồn YouTube)