Yêu hơn, tin hơn một Sài Gòn - TP.HCM luôn tươi mới, hiện đại và nghĩa tình qua ngòi bút Cù Mai Công

(PLO)- Theo tác giả Cù Mai Công, Sài Gòn là của tất cả mọi người, ai yêu thì sẽ tìm hiểu về nó và trước những đổi thay kinh khủng, hồn cốt của Sài Gòn vẫn lưu lại theo nhiều cách khác nhau. 

Tác giả Cù Mai Công đã có buổi giao lưu giới thiệu tác phẩm Gia Định là nhớ - Sài Gòn là thương 2 tại đường sách TP.HCM.

Đây là tập 2 nối tiếp cho tập 1 mà tác giả đã ra mắt hồi tháng 11-2022.

sai-gon-4999.jpg
Với cách xưng hô "anh em mình" của tác giả Cù Mai Công buổi giao lưu sách càng thêm gần gũi

"Sài Gòn là của tất cả mọi người"

Đây là nhận định của tác giả Cù Mai Công khi mở đầu cho buổi giao lưu ra mắt Gia Định là nhớ Sài Gòn là thương 2.

Và với anh, những người đến với buổi giao lưu của mình là "vì tình yêu dành cho Sài Gòn chứ không phải dành cho tác giả".

cu-mai-cong-4014.jpg
Nhớ về lý do bắt đầu tìm hiểu và viết về Sài Gòn, tác giả Cù Mai Công cho rằng "khi chúng ta yêu ai thì chúng ta tìm cách tìm hiểu họ"... Ảnh: VĂN HÀ

Tác giả Cù Mai Công kể lúc nhỏ anh bị nám phổi phải điều trị 6 năm nên không phải học nội trú như các anh chị của mình.

"Nhìn tôi ốm yếu, bị chích thuốc đến nát mông nên ba má rất thương. Vì vậy, ba má tạo điều kiện cho tôi đi trải nghiệm, muốn đi đâu thì đi để nếu có nằm xuống thì ba má không phải ân hận vì đã cấm cản" - anh cho hay.

Và nhờ ba má tạo điều kiện, anh đã đi hết nơi này đến nơi kia và trải nghiệm tất cả mọi nơi, mọi thứ tại Sài Gòn.

Anh nhớ những năm 6-7 tuổi bản thân đã đi bộ từ nhà lên ngã ba ông Tạ, sau đó đi xe Lam lên hai nhà sách bán truyện tranh đối diện rạp Nam Quang mua truyện tranh để xem rồi bán.

"Mua 10 cuốn được tặng thêm 2 cuốn, từ 12 cuốn đó tôi bán lấy lời để dành trả tiền xe lam. Sau đó năm 17-18 tuổi, tôi học võ ở Nhà văn hóa Thanh niên, sau đó vào Đại học Sư Phạm ở đường Lê Văn Sĩ. Ra trường làm báo Khăn quàng đỏ ở gần Hồ Con Rùa... 40, 50 năm sống chung với một người thì chúng ta không tình, cũng nghĩa" – anh chia sẻ.

Sài Gòn
Tác phẩm "Sài Gòn là nhớ Gia Định là thương 2"

Tất cả những trải nghiệm đó đã trở thành nguồn tư liệu để sau này anh viết những tác phẩm về Sài Gòn, Gia Định.

Theo tác giả Cù Mai Công, anh nhận thấy mỗi người sẽ có một góc nhìn về Sài Gòn và với anh đó là Sài Gòn của người Nam tự chủ, tính Sài Gòn của người Bắc 1954, người Bắc1975 và có Sài Gòn của người Trung. "Vì vậy sự đa dạng đó nó tạo nên Sài Gòn" – anh tâm sự.

"Hồn cốt Sài Gòn còn không?"

Có mặt tại buổi giao lưu, độc giả Hồng Cúc, TS. sử học cho biết Sài Gòn đối với mình luôn đổi mới.

"Là một người Sài Gòn, tôi thấy nhiều người tiếc nuối Sài Gòn cũ nhưng tôi thấy sự biến động nhiều nên không tiếc gì cả và tôi cho rằng sự biến động đó là tự nhiên làm cho đất Sài Gòn trù phú lên theo thời gian" – bà nói.

cu-mai-cong-2-5229.jpg
Tác giả Cù Mai Công cùng độc giả Hồng Cúc

Tác giả thừa nhận mọi người có tiếc nuối công trình xưa nhưng phải nhìn nhận: "Sài Gòn của chị Cúc khi nhỏ và Sài Gòn của chị hồi 1975 khác nhau".

Anh cũng nhấn mạnh: "Trước những thay đổi kinh khủng của Sài Gòn, Sài Gòn thời dân Ngũ Quảng đi mở cõi khác với Sài Gòn cách đây 300 năm, 100 năm năm, 50 năm. Và Sài Gòn của 50 năm trước khác Sài Gòn bây giờ. Vậy hồn cốt Sài Gòn có còn không?".

Với với câu hỏi đặt ra, tác giả Cù Mai Công cho biết: "Vì Sài Gòn không phải của riêng tôi nên tôi sẽ hỏi anh em mình".

sai-gon-4232.jpg
Độc giả Minh Tâm (Quận 6) cho rằng chỉ có tác giả mới trả lời được điều này và những hồn cốt đó đã thể hiện trong chính cuốn sách của tác giả và anh cũng khẳng định " hồn cốt của người Sài Gòn là luôn sẻ chia thông qua những quán cơm 0 đồng".

Tác giả Cù Mai Công nhận định đó là hồn cốt của Sài Gòn không nhiều nơi có.

"Tôi biết có một số tiểu thương ở chợ hằng tháng tự động góp tiền kéo nhau đi làm từ thiện. Hay một số người bạn có gửi tiền cho tôi để góp làm từ thiện" – anh chia sẻ.

Với độc giả Lê Tiến Sắc (gốc Tây Ninh) thì hồn cốt Sài Gòn không phải là những điều thấy và nghe bên ngoài

"Theo tôi hồn cốt của Sài Gòn là hồn cốt của một nền văn hoá mở, tiếp nhận, tiếp đón đón những người từ tứ xứ đến đây lập nghiệp, không kỳ thị, phân biệt … Từ những người lưu dân, những người minh hương đến đây họ là người Sài Gòn" – anh nói

Đồng ý với điều này, tác giả Cù Mai Công nhấn mạnh: "Đó là sự dung nạp không thể tưởng tượng và khó có thể tìm thấy được ở bất kỳ nơi khác."

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm