Thời tiết Sài Gòn rất lạ - chợt nắng, chợt mưa, ẩm ương như cặp trẻ yêu đương đang vui chợt hờn, chợt giận. Thông thường những người dân tứ phương sẽ nghĩ Sài Gòn chỉ có hai mùa mưa và nắng. Nhưng những người hiểu về tính cách mưa, nắng ở Sài Gòn thì lại khẳng định thành phố này có bốn mùa: nắng, rất nắng, mưa và rất mưa.
* * *
Trời Sài Gòn dễ tính nhất có lẽ vào khoảng tháng Một đến tháng Ba, khi ấy người ta gọi là “mùa nắng”. Nắng xuân lúc này hanh hao, vàng rực rỡ, nhìn bắt mắt, quyến rũ muôn phần. Có lẽ vì vậy mà nắng Sài Gòn tựa như soái ca điển trai làm trái tim nhiều người loạn nhịp.
Nắng Sài Gòn trở thành cảm hứng đi vào thơ, ca… để người ta phải yêu, phải nhớ, phải tơ vương. Thi sĩ Nguyễn Sa từng thốt lên “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát, bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông…”, rồi Ngô Thụy Miên đưa câu thơ ấy vào trong nhạc để mỗi lần thấy nắng, người Sài Gòn lại thốt lên câu hát quen thuộc này. Và ngay cả cái áo lụa miền Bắc xa xôi mà nhạc sĩ cũng dắt mối tơ duyên với nắng Sài Gòn, chứng tỏ nắng Sài Gòn cũng làm cho người ta nhiều phần lưu luyến.
Hay Nguyễn Văn Dung gửi nắng vào thơ “anh gửi cho em ngàn tia nắng vàng…”, và nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng phổ thành nhạc phẩm bất hủ (Gửi nắng cho em), dắt mối tơ lòng giữa màu nắng ấm áp Sài Gòn với mùa đông lạnh giá ngoài Bắc.
Có lẽ vì nắng xuân quyến rũ lại được thơ, được nhạc dắt nhiều mối tơ duyên nên mưa mới hờn, mới ghen, mưa bỏ đi biền biệt mấy tháng chẳng thấy về. Nắng chờ, nắng giận, nắng trở nên khó tính rồi ngày nào cũng nổi nóng.
* * *
Nắng Sài Gòn bắt đầu nóng tính từ cuối tháng Ba đến tận cuối tháng Sáu. Khi ấy người Sài Gòn gọi là “mùa rất nắng”. Lúc này hình như nắng tìm mưa mãi chẳng thấy, nắng nhớ mưa nắng càng bực bội, trút hết bực tức lẫn nóng bức xuống đường phố Sài Gòn. Người người lo sợ, chạy trốn, người già, trẻ nhỏ không chịu được sự khắt khe của nắng nên sinh ốm, sinh bệnh.
Có những người không thể chạy trốn đành tìm cách nghênh chiến với nắng. Đội quân nghênh chiến nắng tích cực nhất phải kể đến các Ninja Lead. Các Ninja trang bị đủ các thứ vũ khí tối tân như áo, mũ, giày, nón, kính, khẩu trang... hiên ngang trên đường thách thức nắng.
Những người đi đường khác thì phó mặc cho nắng hoành hành, nắng ghi dấu chiến tích lên người họ những vệt rám đen thui. Người đi đường sợ nắng nhất ở những nơi có đèn giao thông. Nắng thì nóng, oi bức mà đèn giao thông Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ đâu đâu cũng có, mỗi khi dừng lại là người đi đường lại hứng những đợt tấn công “tàn bạo” của nắng. Chính vì thế, không khó để bắt gặp những hình ảnh tháng Tư, đèn ngọn đỏ đứng chơ vơ một mình đếm ngược từng giây, trong khi những người đi đường lánh xa ngọn đỏ bằng cách túm tụm lại dưới một bóng cây nào đó rợp xuống phố.
* * *
Thấy nắng nổi giận, hung hãn quá, sợ vạn vật héo queo, cuối cùng mưa cũng về. Lúc này nắng hình như hết kiên nhẫn, không còn nhường nhịn mưa nữa nên xảy ra những cuộc cãi vã lớn. Thời điểm này người Sài Gòn gọi là “mùa mưa” hay cũng có thể gọi là “chợt mưa, chợt nắng”.
Mưa, nắng cãi vã nhau hoài sinh thù hận, rồi giao đấu suốt ngày. Có khi nắng thắng, nắng huênh hoang vàng ửng cả bầu trời, mặc kệ người đi đường phải mang khăn, đội nón. Bỗng đâu mưa tìm được đồng minh là mây, nhưng mây chưa kịp tới mưa đã ra tay trước, quá nhanh, quá nguy hiểm. Mưa bất ngờ rớt những hột to đùng lộp độp xuống đất, làm cho đất phải nhả cái mùi xi măng, đất khô vào mặt, vào mắt, vào miệng người trần thế. Người đi đường lật đật tấp xe vào tháo áo, tháo khăn, tháo mũ, mặc vội áo mưa. Khi mưa nghênh chiến được một lúc, đồng minh là mây mới tới tiếp viện - mây mang theo sự u ám khiến bầu trời đen kịt, tối thui.
Nhưng cũng chẳng bao lâu sau, nắng lấy lại lợi thế, đuổi đồng minh của mưa đi, gọi nắng anh, nắng em về sấy khô hết những giọt nước cuối cùng trên nhánh cây, ngọn cỏ. Người đi đường lại tấp vào bỏ áo mưa, đội mũ, mặc áo chống nắng, bao tay...
* * *
Nắng và mưa cứ giao chiến với nhau vài tháng như vậy, chẳng bên nào chịu thua bên nào. Cho đến một ngày đầu tháng Tám, khi tích đủ lực lượng chiến đấu, mưa liền phản công. Có những lúc mưa giáng những trận rả rích liên tục suốt mấy ngày mấy đêm không cho nắng có cơ hội trở mình. Lúc ấy người ta gọi là “mùa rất mưa”.
Vào mùa rất mưa, dòng họ nhà mưa còn có bão, gió, lốc,… ở tận miền Trung nhưng phô trương thanh thế rất mạnh khiến trời Sài Gòn lúc nào cũng dầm dề, ẩm ướt. Bão cứ từng đợt, từng cơn hết số này tới số khác khiến nắng bất lực. Lâu lâu mưa cho quân tạm nghỉ, lúc ấy nắng chỉ tạm thời thở lên vài hơi yếu ớt trong ngày rồi lại “ngất xỉu”, nhường cho mây, mưa, gió và bão thay nhau hoành hành.
Chưa dừng lại ở đó, mưa còn câu kết với một đồng minh khác là nước dưới mặt đất. Đồng minh này ẩn hiện rất có nguyên tắc, mỗi tháng lên vài lần, người Sài Gòn gọi chúng là băng đảng triều cường. Mỗi khi mưa xuống, mưa rủ triều cường lên, khi ấy đường phố Sài Gòn biến thành sông, thành hồ. Khi nào mưa mệt mưa nghỉ, khi nào mẹ sông gọi thì bọn triều cường mới chịu về.
* * *
Nắng đầu hàng, cạn kiệt sức lực, mưa bỗng thấy thương nên rút lui cho nắng được trở mình sống dậy, khi ấy cũng là lúc Sài Gòn trở lại bắt đầu “mùa nắng”. Nắng và mưa trước giờ như hai thái cực không thể chung đường nhưng lại nhìn thấy ý nghĩa về sự tồn tại của nhau, thành ra yêu nhau say đắm. Nhiều lúc nắng và mưa nhớ nhau quá vội vàng gặp nhau trong chớp nhoáng. Khi ấy người Sài Gòn bảo hiện tượng lạ “vừa nắng vừa mưa”. Sau đó thì một trong hai phải nhường bước, nắng nhường bầu trời và mặt đất cho mưa hoặc ngược lại…
Nắng và mưa yêu nhau nhưng vì hai đạo hai đường nên không thể nào chung bước, đành hy sinh tình riêng để thay nhau xuất hiện ở bầu trời Sài Gòn, làm cân bằng vạn vật. Trong một năm tâm trạng của nắng và mưa thay đổi theo nhiều thái cực, yêu đương, giận hờn, chiến tranh nhưng rồi cũng nhớ nhung nhau, vội vàng gặp nhau chóng vánh… Cứ thế, muôn đời nay nắng và mưa Sài Gòn chỉ biết đến nhau, quan tâm đến nhau, không mùa nào khác có thể xen vào được.
Bởi vậy, dù có hai hay bốn mùa thì thời tiết Sài Gòn thực chất cũng chỉ là sự hợp tan, giận hờn của chuyện tình Mưa-Nắng.