Hạnh phúc & đơn độc giữa phố

1. Sống giữa Sài Gòn đôi khi ngày nào cũng nhìn thấy nhau mà lơ đãng như những kẻ xa lạ. Chẳng sai. Tôi ví điều này với hai gã khổng lồ cao lớn nhất Sài Gòn là Landmark 81 và Bitexco.

Bên sông, Landmark 81 như một gã khổng lồ kiêu hãnh, buồn bã và trầm mặc nhìn dòng nước ngóng đợi người tình không bao giờ đến. Ngoảnh mặt sang trái, Landmark 81 nhìn thấy gã khổng lồ Bitexco đang trơ trọi cũng hướng mặt về sông, thứ duy nhất vĩnh cửu và bất biến chảy qua thành phố này.

Có một lần chạy xe dưới mưa, lạc lối, cứ nhìn về hướng tòa Bitexco như ngọn hải đăng vươn lên giữa trời là biết đang đi về phía trái tim của Sài Gòn. Trong cơn mưa, giữa những người vốn vội vàng giờ càng thêm hối hả, ngước nhìn tòa Bitexco trong mưa, như thể những giọt nước đang chạy trên ô cửa kính ấy cũng chảy trên da thịt mình.

Trước năm 2018, Bitexco vẫn là ngọn Hy Mã Lạp Sơn chót vót đổ bóng xuống một đoạn đường, nhìn những dòng người qua lại từ buổi bình minh cho đến lúc tàn ngày. Lúc vừa được xây dựng xong, Bitexco được giới thiệu mang dáng hình của một búp sen nhưng người qua kẻ lại nhìn thế nào cũng giống như “trái bắp khổng lồ” mọc lên từ mảnh đất trù mật.

Ngày xưa có hai kẻ yêu nhau, từng ngồi bên khung cửa sổ quán cà phê tồi tàn, hạnh phúc trong sự nghèo túng của mình và nhìn tòa nhà cao nhất đó, biểu tượng của tất cả sự giàu có, hiện đại lúc ấy và dè bỉu nó: “Em nhìn xem, trái bắp khổng lồ”, rồi cười khúc khích.

Một ngày, Sài Gòn thay áo mới, Bitexco cũng phải nhường vị trí cao nhất cho Landmark 81. Những tưởng đâu họ đã có đôi có bạn, nhưng cuối cùng họ vẫn là những gã láng giềng cô đơn.

Rất nhiều năm sau này, hai kẻ từng giễu cợt trái bắp khổng lồ thôi không còn giễu cợt bất cứ điều gì trên đời nữa. Cuộc sống căng thẳng, con người mệt nhoài, những buổi đốt tiền trong thương xá cũng không khỏa được nỗi trống rỗng.

Ảnh: HOÀNG GIANG

Ảnh: DU MIÊN

2. Ai đó nói rằng Sài Gòn nhỏ bằng lòng bàn tay, đi loanh quanh một hồi cũng gặp nhau, vậy mà có những người sống chung thành phố cả đời nhưng chưa bao giờ đụng mặt nhau trên đường. Tôi có người bạn, hai đứa thuê trọ hai căn nhà kề sát nhau, vậy mà hôm bạn dọn nhà đi, hai đứa mới gặp nhau lần đầu. Mới biết cứ người rẽ trái, người rẽ phải, đi đi về về năm năm mà chẳng có cơ hội giáp mặt.

Chợt tự hỏi từ ngàn xưa ai là người phát minh ra những ngã tư, những bùng binh, những con đường rẽ nhánh, để con người cứ vô tình tham gia vào một trò trốn tìm không dứt khi chung một thành phố, chung một mùa nắng mưa, chung những con đường có những tán cây cổ thụ…

Mà ai dám nói mình thân thuộc với chính bàn tay của mình? Có lúc xòe ra, xoa mặt, ngẩn ngơ nhìn, nốt chai mới này xuất hiện hồi nào không biết, cả đường chỉ tay dường như cũng ngoằn ngoèo hơn, rối loạn như lòng người vậy. Giật mình, bản thân đã sống ở thành phố này bao lâu rồi không nhớ, chính Sài Gòn đã thay đổi đến thế nào trong suốt từng ấy năm.

Nhận ra xe hủ tíu gõ mình ăn từ hồi sinh viên, bỗng một ngày ghé qua hẻm cũ, quán xưa, vẫn hương vị ngày trước. Chú chủ quán tất tả trụng từng vắt mì nóng hổi, trong khi người vợ vẻ lam lũ liên tục qua lại giữa mấy chiếc bàn ghế con con. Kỳ thực chỉ có vài khách, nhưng người bán lúc nào cũng chừng như quán rất đông, ai cũng cần ăn vội. Hai vợ chồng vừa là chủ, vừa bồi bàn, kiêm luôn đầu bếp, rửa chén nhưng quán lúc nào cũng sạch sẽ. Cuối ngày lại vét nồi cho vị khách cuối cùng tô xí quách.

Nhìn khuôn mặt mờ mờ dưới ánh đèn neon, không ai biết con người đó đã bỏ lại vùng quê nào, bỏ lại cánh đồng trơ xác rạ nào, bỏ lại những đứa con thơ nào để tìm lấy một cơ hội ở mảnh đất Sài Gòn này. Tình cờ, hội ngộ đồng hương, lại xí xa xí xồ cái ngôn ngữ ngỡ tưởng mình đã lãng quên, cái ngôn ngữ thuộc về những cơn gió rát, nắng bỏng và cát lầy, để kẻ vô tình nghe được tưởng mình vừa lạc vào một vương quốc khác, nghe những ngoại ngữ lạ lẫm.

Sài Gòn là như thế, như điểm hẹn của tứ phương. Không ai biết một giọng Sài Gòn chuẩn là thế nào, chỉ biết giọng líu lo của những người Minh Hương khi đi qua Chợ Lớn. Thấy mình như thể người nước ngoài khi nghe các dì, các mợ Quảng Nam nói với nhau ở chợ, hay anh bạn thân chợt ôm vai bá cổ, tíu tít nói với người đồng hương vừa gặp mà mình chẳng thể nghe lọt chữ nào.

3. Ai đó từng nói rằng “Sài Gòn là giấc mơ đổi đời” giữa lòng Việt Nam cũng chẳng sai. Biết bao nhiêu người con xa quê từ khắp ba miền đã hội nhau ở chốn này, gieo một hy vọng, cố gắng làm lụng để cha mẹ ở quê thôi vất vả, để con cái được học hành tử tế. Có người cha đứng múa may dưới trời nắng Sài Gòn để bán từng bọc bánh gạo; hay người mẹ rong ruổi khắp các con đường kẹt xe, bán những ly cà phê vài đồng. Biết đâu một ngày nọ, họ thông báo nghỉ bán để đi nước ngoài thăm con đang du học.

Mà không chỉ đồng bào mình, cái giấc mộng Sài Gòn còn quyến rũ bao nhiêu lữ khách đi khắp thế gian, chợt một ngày ghé đây, rồi quyết định dừng chân ở lại. Như ông chủ quán tokbokki người Hàn, dựng một ngôi quán nhỏ nơi góc phố, ngày ngày hòa nỗi nhớ vùng hải cảng Busan vào món lẩu cay. Hay người phụ nữ Mã Lai đứng dưới đèn màu trong một bar nhạc jazz tại khu sầm uất bậc nhất Sài Gòn, hát về những mối tình của cô hay của ai không rõ, trong khói thuốc lá, men rượu và những đôi mắt lơ đãng của những lữ khách trót lạc đến chốn này.

Có dạo người ta thấy những bộ áo dài kiểu Lệ Xuân thướt tha trên phố, những phong chữ cổ điển trên những biển hiệu từ quán xá đến nhà may… Tự thân mỗi thị dân của Sài Gòn âm thầm neo giữ hồn mình vào một giá trị họ cho là đẹp, dẫu nhiều khi chỉ là màu mè hình thức. Chứng tỏ tự những thay đổi nhỏ bé diễn ra trên đất này đã là thời trang dẫu nó thuộc giai đoạn nào đi nữa. Tự nó đã là ký ức, tự nó đã là hoài niệm.

4. Phải ngồi một quán cà phê mở xuyên đêm ở Sài Gòn mới thấy nhịp thở của một đô thị không ngủ, thời điểm mà mọi khoảnh khắc đồng hiện và nỗi cô đơn khi lạc bước giữa những khu phố đóng cửa nhưng biển hiệu vẫn sáng choang.

Có ai đó từng nói rằng Sài Gòn không có chất. Như Huế. Như Hà Nội. Sài Gòn dường như biến hóa mỗi ngày, như một phụ nữ đa tình sẵn sàng ôm vào người tất cả yêu đương của thế gian, đồng thời đủ rộng lượng để mỗi người tự giữ riêng cho mình một mảnh hồn của nó. Cho nên nói không có chất chính là chất riêng của Sài Gòn, tự nó không là gì nhưng tự nó đã là tất cả. Thành phố ba trăm năm tuổi tự nó tái sinh từng ngày, tự nó biết giữ lại cho mình những khung trời hoa mộng của ký ức lưu cữu, tự nó thay những tấm áo hợp thời.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm