Mỗi lần gặp bạn bè từ nơi khác đến Sài Gòn, hoặc gặp người Sài Gòn đi xa, trong câu chuyện tôi thường được nghe các anh chị, các bạn nhắc về những kỷ niệm ở thành phố này.
Và dù nói đến nơi nào, mọi người cũng không bao giờ quên các công trình, địa điểm tập trung ở quận Một, như chợ Bến Thành, Dinh Độc Lập, nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố, đường Đồng Khởi, bùng binh Nguyễn Huệ… Tuy không phải ai ở Sài Gòn cũng hay đến đây, nhưng như một biểu tượng của thành phố, nhớ về Sài Gòn là ký ức về nơi này lại hiện ra sống động.
* * *
Có thể nhận thấy nét văn hóa đặc trưng của Sài Gòn chính là khu vực trung tâm và lâu đời nhất của thành phố (từ thành Gia Định 1790 thời Chúa Nguyễn đến đô thị xây dựng thời Pháp từ giữa thế kỷ XIX). Nằm trong phạm vi các con đường Lê Duẩn - Tôn Đức Thắng - Lê Lợi - Nguyễn Huệ - Đồng Khởi, nơi đây hội tụ đầy đủ các yếu tố đặc trưng của đô thị Sài Gòn: sông nước, công trình kiến trúc nghệ thuật, các chức năng và hình thái chính của đô thị (đường lớn và đường nhỏ đan ô vuông, cơ quan công quyền, thương mại dịch vụ sầm uất, không gian công cộng, cây xanh)... Điểm qua cảnh quan những con đường quen thuộc nhất của Sài Gòn để hiểu vì sao nơi này lại trở thành “vùng ký ức đô thị Sài Gòn”.
Đường Tôn Đức Thắng. Trên bản đồ Sài Gòn 1878 (Plan de la ville de Sai Gon Cochinchine 1878) đây là đường Boulevard de la Citadell, bắt đầu từ bờ sông Sài Gòn “trên bến dưới thuyền”. Đầu đường là công xưởng Ba Son, hai bên là các công trình tôn giáo rất lớn được xây dựng sớm nhất ở Sài Gòn như Đại chủng viện Thánh Giuse, Dòng kín Cát Minh, Tu viện Thánh Phaolo… và cuối đường là Thành Phụng (thành Gia Định bị phá đi và xây lại nhỏ hơn sau sự biến Lê Văn Khôi 1833-1835). Đặc biệt là những hàng cây xà cừ to lớn, xanh mát gần như cùng tuổi với con đường này (và các con đường nhỏ liền kề như Nguyễn Du, Nguyễn Trung Ngạn, Đồn Đất)… làm nên một khoảng xanh đặc trưng Sài Gòn. Nó hòa hợp tuyệt vời với các kiến trúc tôn giáo và tạo nên không khí trầm mặc, bình yên, cổ kính giữa một đô thị sôi động.
Từ sau 1975, đường Tôn Đức Thắng kéo dài theo bến Bạch Đằng, nơi các con đường lớn Hàm Nghi, Nguyễn Huệ, Đồng Khởi bắt đầu chạy đến khu trung tâm. Trên con đường này có di tích cột cờ Thủ Ngữ, bến đò Thủ Thiêm nổi tiếng một thời, tòa nhà trụ sở Hải quan, khách sạn Majestic, khách sạn Riverside, công trường Mê Linh và tượng danh tướng Trần Hưng Đạo, doanh trại hải quân... hầu hết là những công trình kiến trúc cổ.
Quảng trường Công xã Paris. Là một không gian công cộng, nơi có chức năng “chuyển tiếp” và kết nối khu vực “thương mại dịch vụ” trên đường Catinat - Đồng Khởi với khu vực “văn hóa, ngoại giao” trên đường Norodom - Lê Duẩn. Điểm nhấn của quảng trường Công xã Paris là nhà thờ Đức Bà Sài Gòn với kiến trúc thanh thoát, nhẹ nhõm giữa nền trời Sài Gòn trong xanh bốn mùa. Mặt ngoài của nhà thờ xây bằng loại gạch hồng nâu duyên dáng, đến nay vẫn không bám bụi rêu. Ngôi nhà thờ ở vị trí trung tâm và đặc sắc nhất Sài Gòn với hai tháp chuông cao vút, bên cạnh là Bưu điện trung tâm với kiến trúc và đường nét trang trí đậm nét văn hóa phương Tây. Màu sơn vàng “thời thuộc địa” của Bưu điện đã trở thành “màu ký ức” của cư dân Sài Gòn. Vài năm nay, sự hiện diện của đường sách bên cạnh Bưu điện làm nên một địa chỉ văn hóa mới của thành phố, nơi hẹn hò gặp gỡ của người Sài Gòn và khách từ xa đến, nhất là các bạn trẻ.
Do tính chất kết nối và sự hiện diện của các công trình lịch sử tại quảng trường Công xã Paris cùng với không gian thoáng đãng của hai công viên và cảnh quan Dinh Độc Lập nên khu vực này cần được bảo tồn như “khu vực di sản” của đô thị Sài Gòn.
Ảnh: HOÀNG GIANG
Đường Đồng Khởi là con đường nổi tiếng nhất trong những con đường đẹp, buôn bán sầm uất và có tuổi đời xưa nhất của Sài Gòn. Nằm ở trung tâm thành phố, trên con đường này có nhiều công trình lâu đời: khách sạn sang trọng, cửa hàng, tiệm cà phê, hiệu sách… trở thành “thương hiệu” của Sài Gòn. Không chỉ vậy, đường Đồng Khởi còn có một số công trình ghi dấu ấn của sự quy hoạch và quản lý giai đoạn khởi đầu của đô thị Sài Gòn.
Dinh Thượng thơ là một công trình không quá đặc sắc nhưng tiêu biểu cho kiến trúc nửa sau thế kỷ 19 của đô thị Sài Gòn. Sau này nhiều dinh thự, biệt thự ở Sài Gòn, Gia Định cũng có kiến trúc tương tự với hành lang rộng rãi, mang lại vẻ kín đáo nhưng thoáng đãng nhờ những cửa sổ cao hình vòm. Tòa nhà hình chữ U có khoảng lùi rộng tạo thành sân, kết nối với vỉa hè rợp mát hàng me, tạo ra sự cởi mở, thân thiện chứ không uy nghi, xa cách như Tòa thị chính.
Công viên Chi Lăng nhỏ nhắn và duyên dáng là khoảng dừng chân nghỉ ngơi trên tuyến đường “đi bộ” ngắm cảnh và dạo chơi trong các cửa hàng sang trọng. Tiếc là khoảng công viên xinh xắn này đã trở thành mặt tiền của tòa nhà hình hộp chữ nhật cao sừng sững, ốp kính xanh chói chang trong nắng nhiệt đới.
Từ quảng trường Nhà hát lớn xuôi xuống bờ sông Sài Gòn đường Đồng Khởi trở nên nhỏ hẹp bởi các tòa nhà hiện đại đồ sộ, thay thế những ngôi nhà phố nhỏ nhắn có lầu lợp ngói đỏ cổ kính với hàng lan can bằng gang đúc hoa văn, ô cửa sổ sơn màu xanh - hình ảnh thân thiết phổ biến của “phố Tây” ở nhiều đô thị Đông Dương.
Đường Nguyễn Huệ thuở xưa vốn là một con kênh đào nối liền với sông Sài Gòn, ven kênh có chợ Bến Thành cũ, sau người Pháp lấp lại và hình thành một đại lộ. Thập niên 1950 của thế kỷ trước, đại lộ này là một trong những con đường đẹp nhất Sài Gòn “hòn ngọc Viễn Đông”. Những hình ảnh cũ cho thấy hai hàng cây xanh mát bên con đường thênh thang dẫn đến một tòa nhà đồ sộ uy nghi, nay là UBND thành phố. Nhìn từ đường Nguyễn Huệ công trình này trở nên nhẹ nhõm, duyên dáng hơn nhờ bùng binh có đài phun nước và hàng liễu rủ xanh mát quanh năm, thân thiện hơn nhờ công viên nhỏ trước khách sạn REX kết nối với đường Lê Thánh Tôn làm thành quảng trường Tòa thị chính.
Tuyến giữa đường Nguyễn Huệ là dãy kiot dịch vụ chụp hình rửa hình, bán hoa, bán văn hóa phẩm như bưu thiếp, báo chí, vật lưu niệm cho du khách. Vào dịp tết nơi này trở thành chợ hoa, thu hút người Sài Gòn và du khách đến đây mua bán và thưởng lãm muôn sắc hoa xuân. Cả đại lộ trở thành không gian công cộng mang màu sắc lễ hội, trở thành ký ức không phai của bao thế hệ cư dân. Vừa có chức năng trung tâm chính trị, vừa mang tính chất không gian công cộng, đường Nguyễn Huệ trở thành trung tâm của trung tâm Sài Gòn, cũng như Hồ Gươm giữa lòng Hà Nội vậy.
Hơn mười năm nay, vào dịp Tết đường Nguyễn Huệ là đường hoa trưng bày hoa và những tiểu cảnh, không còn mua bán nhộn nhịp như xưa nhưng là nơi tập trung người dân đón xem pháo bông vào thời khắc giao thừa.
* * *
Từ năm 2014, việc xây dựng tuyến metro và các ga trung tâm ngay tại “vùng ký ức” của đô thị Sài Gòn đã gây ra sự biến đổi: cảnh quan lịch sử, công trình văn hóa bị thay thế bằng các công trình hiện đại. Khu vực trung tâm đang phải chịu tác động tiêu cực về không gian di sản.
Những người yêu quý Sài Gòn, những người quan tâm đến việc bảo tồn di sản đều có chung một suy nghĩ làm sao để có thể phát triển hạ tầng và phương tiện giao thông hiện đại như metro, cầu vượt, xây dựng các công trình đồ sộ mà không làm ảnh hưởng xấu đến cảnh quan lịch sử và giá trị văn hóa đô thị.
Giải pháp cho vấn đề này là việc xây dựng đó phải được chính quyền tính toán và cân nhắc đến yếu tố lịch sử - văn hóa chứ không chỉ nhằm phát triển bằng bất cứ giá nào. Từng khu vực, phạm vi, điểm cần bảo tồn trong vùng đô thị cổ nếu được tôn trọng thì sẽ hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của quá trình hiện đại hóa.
Hiện nay quá trình hiện đại hóa có sức hấp dẫn rất lớn đối với các đô thị, vì vậy các đô thị đang đối mặt với mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Giải quyết mâu thuẫn này là trả lời các câu hỏi: Tại sao phải bảo vệ di sản đô thị? Điều gì sẽ xảy ra khi các di sản đó biến mất? Di sản văn hóa giúp gì trong đời sống tinh thần của cư dân đô thị?
Thực tiễn từ các quốc gia thành công trong việc bảo tồn di sản đã cho câu trả lời: Giữ gìn di sản văn hóa trước hết là vì cộng đồng, vì di sản là tài sản văn hóa của cộng đồng. Giữ gìn di sản vì người đang sống chứ không phải chỉ vì công trình di sản, nếu di sản còn mà cộng đồng không hiểu biết giá trị của nó thì di sản đó không có ý nghĩa gì. Việc cố gắng bảo tồn di sản văn hóa là nhằm xây dựng đô thị hiện đại với một không gian sống có chiều sâu lịch sử và chiều rộng văn hóa. Sống trong không gian đó, con người sẽ giàu có hơn về mặt tinh thần khi họ được thế hệ trước trao truyền lại tài sản văn hóa vật chất và ký ức văn hóa tinh thần về vùng đất họ đang sống. Bảo vệ di sản văn hóa là để con người hôm nay sống tốt hơn và nhân văn hơn chứ không chỉ là bảo vệ một chứng tích của quá khứ.
Người Sài Gòn hay người đã sống ở Sài Gòn, từng đến Sài Gòn đều yêu quý tính cách phóng khoáng, thân thiện, cởi mở của thành phố này. Không chỉ vậy, càng ngày những di sản đô thị của Sài Gòn càng được nhiều người biết đến và nhận ra giá trị lịch sử - văn hóa quý báu tiềm ẩn trong đó. Những cuộc trò chuyện của tôi và bạn bè về Sài Gòn thường kết thúc bằng từ “hy vọng”: Hy vọng di sản đô thị Sài Gòn ngày càng được trân quý và ứng xử tốt hơn, hy vọng giá trị văn hóa của Sài Gòn sẽ trở thành một nguồn lực cho sự phát triển của thành phố và hy vọng những ký ức đẹp về Sài Gòn sẽ còn được lưu truyền mãi mãi...