Sáng 27-10, Nhà xuất bản Tổng Hợp TP.HCM đã tổ chức buổi ra mắt sách Đô thị Sài Gòn -Thành phố Hồ Chí Minh khảo cổ học và bảo tồn di sản của tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu.
Buổi ra mắt sách đã nhận được sự quan tâm và tham dự của nhiều học giả, nhà trí thức như học giả Nguyễn An Chi, nhà nghiên cứu Đỗ Thanh Bình, nhà báo Phúc Tiến, nhà báo Nguyễn Thế Thanh…
MC, TS Nguyễn Thị Hậu và nhà báo Phúc Tiến trao đổi với độc giả.
Tại đây, tác giả, các khách mời và những vị khách đáng kính tham dự đã nói về những di sản đáng tự hào của Sài Gòn như Nhà thờ Đức Bà, Công viên Chi Lăng, Thương xá Tax, tòa nhà Eden…
Đặc biệt, số phận của khu cảng Ba Son đã làm dậy lên bao cảm xúc tiếc thương, bức xúc của mọi người.
Ba Son khởi thủy là trại thủy quân từ thời vua Gia Long được người Pháp xây dựng thành một khu cảng, nhà máy đóng tàu với hai ụ tàu xây dựng từ năm 1884-1888 còn nguyên vẹn cho đến ngày hôm nay với bao nhiêu tòa nhà, hãng xưởng.
Nơi đây là nơi đào tạo bao thế hệ tướng lĩnh hải quân hàng đầu của Việt Nam nhiều thế hệ. Việc không còn Ba Son được các học giả tại buổi ra mắt sách cho rằng đó là một tổn thất cho di sản Sài Gòn - TP.HCM.
Học giả An Chi bày tỏ ý kiến về di sản.
Nhà nghiên cứu Đỗ Thanh Bình cho biết ông từng qua TP Marseille ở Pháp, vào bảo tàng đồng hồ của họ, chứng kiến một chiếc đồng hồ được cho là bảo vật quốc gia của thành phố này.
Chiếc đồng hồ được chú thích nó chỉ có hai phiên bản trên thế giới, một ở Pháp, một ở Sài Gòn.
Ông lần theo dấu vết của chiếc ở Sài Gòn thì biết nó được đặt ở tháp đồng hồ ở Trường ĐH Tôn Đức Thắng nhưng bây giờ không biết số phận nó ra sao.
Ông nói: “Chúng ta đã mất rất nhiều di sản quý báu của Sài Gòn rồi”. Ông tiếc nuối nhắc đến việc biến mất con đường Nguyễn Văn Kiệu - một nhà tư sản hàng hải theo ông chẳng thua gì ông Bạch Thái Bưởi, nay chẳng mấy ai biết đến ông, di sản chỉ còn lại chỉ chiếc cầu Kiệu.
Nhà báo Phúc Tiến cũng chia sẻ rằng mình cũng chẳng được biết đến ông Nguyễn Văn Kiệu, tức Sài Gòn đã mất đi rất nhiều ký ức di sản quý giá của mình về tên đất, tên người lịch sử.
Nhà báo Phúc Tiến kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ di sản. Anh nhắc đến một quán cà phê - khách sạn Ba Son tự phát, nhặt nhạnh từng mũi tàu, con bù lon từ Ba Son vứt đi để trang trí, bảo tồn như một bảo tàng Ba Son tự phát từ người yêu Sài Gòn - TP.HCM.
Bạn đọc trẻ băn khoăn về bảo tồn kiến trúc người Hoa Chợ Lớn - Sài Gòn.
Học giả An Chi, một người cố cựu sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, nay tóc đã bạc phơ, tha thiết kêu gọi giữ lại cảnh quan, công trình kiến trúc, cái hồn cho Sài Gòn ở những con đường như Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ.
Bởi theo ông Sài Gòn - TP.HCM đang phát triển theo hướng phô trương vẻ bên ngoài mà thiếu cái hồn, thiếu những giá trị nhân văn.
Ông kêu gọi lấy lại những tên đất tên đường mang tính lịch sử như đường Cây Mai bởi nơi đây có lịch sử lâu đời với chùa Cây Mai, Gò Cây Mai, đồn Cây Mai từ thời Nguyễn, thời Pháp với những trận đánh lịch sử.
Đồng quan điểm với học giả An Chi, tác giả - học giả Nguyễn Thị Hậu cho rằng cần phải giữ lại những tên đất tên đường dân dã để giữ lại lịch sử cho Sài Gòn. Theo tiến sĩ Hậu, sự thay đổi, đặt tên đường mới là cần thiết cho những dấu mốc phát triển theo thời gian nhưng vẫn phải gìn giữ, bảo tồn những giá trị cũ.
TS Hậu cho rằng việc không còn cảng Ba Son là một thất bại trong việc bảo tồn di sản Sài Gòn - TP.HCM. Tiến sĩ lo lắng cho sự phát triển của Sài Gòn - TP.HCM, bởi theo chị, đặc trưng của Sài Gòn là một đô thi trên bến dưới thuyền. Sự phát triển và hình thành của Sài Gòn - TP.HCM từ khởi thủy đến nay đều dựa trên những thương cảng, đặc điểm trên bến dưới thuyền.
Hiện nay cảng Ba Son không còn, Tân Cảng cũng không còn, cảng Khánh Hội, những cảng quận Tư, quận 6 cũng đang trong tầm ngắm của các doanh nghiệp thương mại địa ốc. Tiến sĩ Hậu lo ngại, không còn Cảng, Sài Gòn - TP.HCM không còn là nó và sẽ mất đi sức phát triển kinh tế, vốn là thế mạnh xưa nay.
Một đọc giả trẻ lo ngại việc bảo tồn kiến trúc Sài Gòn xưa, Đông - Tây kết hợp đặc trưng những thế kỷ trước ở khu vực người Hoa Chợ Lớn, quận 6 đã và đang gặp nhiều nguy cơ mất dần, mất hết mà chúng ta chưa có giải pháp nào.
TS Hậu ngậm ngùi cho biết một công ty ở Tây Ban Nha đã có kế hoạch giúp bảo tồn một số dãy nhà ở khu vực người Hoa- Chợ Lớn nhưng chỉ là hạn chế ở một vài dãy nhà.
Nhà báo Nguyễn Thế Thanh đã nêu ra nhiều kinh nghiệm bảo tồn di sản trên thế giới. Chị kể ở Nhật có một ụ tàu cổ như Ba Son, khi phát triển khu vực cảng cũ có ụ tàu đó, chính quyền đã mời doanh nghiệp đến, giao cho họ bảo tồn và kinh doanh du lịch di sản quanh ụ tàu cổ này và thành phố đó trở thành một thành phố du lịch rất thành công. Ở Pháp cũng đã giao những dãy nhà kho cũ xưa cho các doanh nghiệp phát triển cho nó sức sống mới mà vẫn giữ nguyên chúng cho Paris những ngày tháng cũ.
Nhà báo Nguyễn Thế Thanh nói thế giới đã chứng minh, đặc biệt là ở những đất nước giàu có, rằng việc phát triển kinh tế không bao giờ có nghĩa là phá bỏ những di sản cũ mà phải là bảo tồn nó thật tốt. Thực tế chứng minh ở các đất nước này việc bảo tồn di sản tốt tạo ra những giá trị kinh tế - du lịch hái ra tiền.
Nhiều người nói cần lập ra một bản đồ di sản cho Sài Gòn - TP.HCM. Theo đó, khi có bản đồ này, mỗi khi quan chức ký giấy phép, mỗi doanh nghiệp thương mại đều phải để yên cho các di sản giữ hồn cho Sài Gòn - TP.HCM.
Được biết, Đô thị Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh khảo cổ học và bảo tồn di sản của TS Nguyễn Thị Hậu bao gồm phần giới thiệu tổng quan vùng đất Sài Gòn từ khi hình thành và phát triển qua các thời kỳ, giới thiệu nhiều di sản của Sài Gòn - TP.HCM lịch sử và hiện trạng còn hay mất, kinh nghiệm bảo tồn di sản trên thế giới, hình ảnh nhiều di sản lịch sử Sài Gòn - TP.HCM...