Hậu À Ra Thế kỳ 112: Lời gút của ban tổ chức

Chị A liền gọi ĐTDĐ về nhà bảo em đem đầy đủ giấy tờ đến. Thấy vậy, CsGT vẫn lập biên bản, nói chị A sẽ bị phạt 240.000 đồng. Chị A không chịu. Đề hỏi: “Ai đúng? Ai sai? Tại sao?”. Đáp án của BTC cho rằng: CSGT đúng, chị A sai, vì mức phạt 240.000 đồng đó là phạt người điều khiển xe không mang theo giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe và giấy bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe…

Trong phần bàn cãi đề số 1, có 2 ý kiến còn đọng lại mặt pháp lý. Một là, đúng như bạn Vương Tất Đức (Lâm Đồng) có lưu ý: Về nguyên tắc, người vi phạm phải đến cơ quan CSGT để nhận quyết định xử phạt rồi mới đến kho bạc nộp tiền phạt. Đó là thủ tục quy định tại Điều 56 và 58 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính. Hai là, ý kiến của bạn Đỗ Văn Hào (TP.HCM). Theo bạn Hào, nếu chị A đi xe gắn máy thì vì xe gắn máy có dung tích dưới 50 cm3 nên không có giấy phép lái xe, CSGT không được đòi. Bạn nói đúng về một khía cạnh, nhưng đề ra nói “xe máy” chứ không nói “xe gắn máy”. Từ “xe máy” mà BTC dùng đó với ý là bao gồm cả xe gắn máy và mô tô. Thực ra, đến nay cũng chưa có điều luật nào quy định xe gắn máy là xe có dung tích dưới 50 cm3.

Đề số 2 được nhiều bạn bàn cãi. Hầu hết ai cũng biết Luật GTĐB quy định hễ thấy tín hiệu vàng thì xe phải dừng lại trước vạch dừng, nhưng nếu đã lỡ đi qua vạch dừng rồi thì “được đi tiếp” (điểm c khoản 3 Điều 10 Nghị định 34/2010). Quy định như vậy thì “được” có nghĩa là tùy nghi muốn đi tiếp cũng được mà dừng lại cũng được. Nhưng khổ thay, nếu không đi tiếp mà dừng lại thì dễ bị nhiều thứ vi phạm. Lùi xe lại trước vạch dừng thì không được, vì đã có nhiều xe phía sau; mà không lùi lại được thì xe thường hay cán lên vạch dừng hoặc nằm choán trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường. Rõ ràng đây là trường hợp “tiến thoái lưỡng nan” mà khi áp dụng luật cần có sự thông cảm. Bởi trong trường hợp này, nói “không vi phạm” thì không đúng, mà nói “vi phạm” thì cũng ức - “ức” chứ không “oan”!

BTC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm