Hậu À Ra Thế - Kỳ 87

Cán bộ phường tiếp chị A bảo chị về giải quyết nội bộ trong nhà với nhau, không phải việc lớn nhỏ gì cũng… kéo ra phường thì phường còn thì giờ đâu để giải quyết công vụ… Đề hỏi: “Ai đúng? Ai sai? Tại sao? Đáp án của ban tổ chức cho là chị A đúng, cán bộ phường sai. Vì việc xử lý kịp thời hành vi bạo lực gia đình đã được Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 giao cho UBND phường, xã…

Xử lý phải kịp thời!

UBND phường cần xử lý ngay hành vi bạo lực gia đình bằng các biện pháp xử lý hành chính cụ thể, chứ không nên kiến nghị với Mặt trận Tổ quốc. Vì nếu kiến nghị thì thời gian giải quyết sẽ kéo dài và việc chị A bị mẹ chồng chửi bới sẽ không thể chấm dứt ngay được. Như vậy, không đảm bảo tính kịp thời theo quy định tại Điều 18 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ).

ĐOÀN THỊ PHÚ (CLB À Ra Thế, Chi đoàn thôn Đại An, xã Tam Đại, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam)

Việc chủ tịch UBND phường không trực tiếp xử lý mà sẽ có ý kiến với Mặt trận Tổ quốc và khu phố để giải quyết là không kịp thời bảo vệ quyền lợi của chị A và không đúng luật. Vì theo Luật PCBLGĐ thì Ủy ban MTTQ Việt Nam chỉ có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục…, còn thẩm quyền buộc chấm dứt hành vi bạo lực gia đình thuộc trách nhiệm của UBND phường.

NGUYỄN QUỐC SỬ (Phòng Tư pháp TP Tam Kỳ, 70 Hùng Vương, Tam Kỳ, Quảng Nam)

Nên hòa giải

Quan hệ mẹ chồng nàng dâu vốn dĩ rất phức tạp, tế nhị. Vì thế, đưa nhau đến “cửa công” không hẳn là “thượng sách” mà nên hòa giải tại tổ hòa giải. Chính sự phân tích, thuyết phục có lý, có tình, không mang tính “mệnh lệnh hành chính” sẽ giúp hai bên dễ nhận ra những điểm chưa “chuẩn” của mình để có cách xử sự đúng: Thương con dâu như con gái; kính mẹ chồng như mẹ đẻ.

NGÔ NGUYÊN SƠN (Văn phòng UBND huyện Đức Trọng, Lâm Đồng)

Chưa hẳn cán bộ phường sai!

Bà mẹ chồng già khó tính, thường lỗi phải… do đó, chị A bị mẹ chồng mắng chửi là chuyện nhỏ, mà chị A thưa ra phường lại hơi trái đạo lý. Hòa giải mâu thuẫn trước hết do dòng họ tiến hành, người uy tín trong tộc họ chủ động hòa giải. Trường hợp nội bộ gia đình không hòa giải được thì nhờ người có uy tín trong cộng đồng dân cư hòa giải (trưởng thôn, ấp, tổ trưởng dân phố…) theo Điều 13 Luật PCBLGĐ.

NGUYỄN THẾ SƠN (49 KP Đông Tư, phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An, Bình Dương)

Giải quyết nội bộ không phải là sai!

Việc mẹ chồng hay la mắng con dâu thường xuất phát từ những bất đồng trong sở thích cá nhân, bếp núc, trang phục, lời ăn tiếng nói, giao tiếp xã hội… Về nguyên tắc, giải quyết những mâu thuẫn xung đột gia đình phải đi từ thấp đến cao. Ở đây vai trò của những người lớn như ông bà, trưởng tộc được “phân công” giải quyết trước khi đến tổ dân phố, khu phố, xã phường theo Điều 13 Luật PCBLGĐ. Do đó, cán bộ phường hướng dẫn về gia đình giải quyết nội bộ cũng không phải là hoàn toàn sai.

HỨA VĂN SANG (2 Lê Lợi, KP Chợ, Lái Thiêu, Bình Dương)

Cần nhờ tổ hòa giải trước!

Đúng là UBND phường, xã phải có trách nhiệm xử lý bạo lực gia đình nhưng không phải cứ cái gì lục đục, lớn nhỏ đều kéo ra phường, xã giải quyết. Khu phố có tổ hòa giải; những mâu thuẫn, lục đục xảy ra trong khu phố, tổ hòa giải tham gia tư vấn giải quyết trước, chừng nào không xong thì mới đến ủy ban hòa giải tiếp. Như vậy sẽ hạn chế dồn việc tại ủy ban. Ủy ban từ chối giải quyết là không sai nếu họ ôn tồn hướng dẫn người dân về tổ hòa giải, khu phố giải quyết bước đầu.

DƯƠNG VĂN KIỆT (N.35 cư xá Phú Lâm A, phường 12, quận 6, TP.HCM)

Nên thuyết phục mẹ chồng

Tuy pháp luật có quy định quyền yêu cầu của chị A khi bị mẹ chồng chửi mắng. Song theo tôi, chị A cần có sự kiên trì, khéo léo thuyết phục mẹ chồng để tránh mất tình cảm gia đình; thậm chí có thể sứt mẻ tình cảm vợ chồng của chị A. Dù về mặt pháp luật, chị A có quyền được bảo vệ nhưng chị A nên thuyết phục mẹ chồng trước để giữ trọn đạo làm dâu, giữ hòa thuận gia đình, đó mới là cách hợp tình, hợp lý hơn.

NGUYỄN THANH XUÂN (Phòng Tư pháp huyện Lai Vung, Đồng Tháp)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm