Nhật: Giám sát việc lấy cung

Lắp cửa sổ kính

Ngày 24-1, Cục Cảnh sát quốc gia Nhật đã ban hành hướng dẫn mới cấm điều tra viên thực hiện một số hành vi sau đây đối với nghi can bị thẩm vấn: Đánh đập, bắt buộc ngồi yên một chỗ, dùng lời lẽ hoặc hành động xúc phạm đến nhân phẩm, đề nghị hoặc hứa hẹn sẽ đối đãi đặc biệt.

Hướng dẫn mới cũng cấm điều tra viên lấy cung quá tám tiếng hoặc lấy cung vào buổi tối quá muộn. Muốn lấy cung quá tám tiếng, điều tra viên phải xin phép thủ trưởng cơ quan cảnh sát.

Đặc biệt, hướng dẫn mới đã bắt buộc gần 11.000 phòng thẩm vấn trên cả nước phải lắp đặt cửa sổ bằng kính có thể nhìn từ bên ngoài để nhân viên giám sát có thể theo dõi điều tra viên đang lấy cung. Mỗi đồn cảnh sát phải cử ra tối thiểu một nhân viên giám sát.

Cục Cảnh sát quốc gia sẽ thành lập một bộ phận mới chuyên trách giám sát công tác thẩm vấn nghi can để đảm bảo công tác thẩm vấn được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật cho phép.

Điều tra viên phải có trách nhiệm báo cáo chi tiết cuộc hỏi cung cho bộ phận giám sát như họ tên người bị thẩm vấn, thời gian bắt đầu và chấm dứt, việc khai nhận hành vi phạm tội có dựa trên cơ sở tự nguyện hay không. Dự kiến bộ phận giám sát của Cục sẽ chính thức hoạt động vào cuối năm nay.

Nghiên cứu ghi âm, ghi hình

Cục Cảnh sát quốc gia phải ban hành hướng dẫn mới về thẩm vấn nghi can vì có nhiều bằng chứng cho thấy điều tra viên tại một số nơi đã bức cung, ép cung để lấy lời khai khiến nhiều người bị oan sai. Tòa án vùng Toyama đã tuyên tha bổng cho một người đàn ông bị giam giữ oan suốt hai năm. Người này bị cảnh sát ép cung nên phải nhận tội hiếp dâm.

Tuy nhiên, hướng dẫn mới của Cục Cảnh sát quốc gia vẫn chưa đáp ứng mong đợi. Liên hiệp các hiệp hội luật sư Nhật và nhiều tổ chức khác yêu cầu phải ghi âm và ghi hình khi lấy cung. Đề nghị này bị Cục Cảnh sát quốc gia bác vì cho rằng như vậy sẽ gây khó khăn cho các điều tra viên, đặc biệt nếu thực hiện thì các thành viên băng đảng sẽ không nhận tội.

Hiện tại, Tòa án tối cao, Liên hiệp các hiệp hội luật sư, Bộ Tư pháp và Văn phòng công tố tối cao Nhật đã phối hợp thành lập một ủy ban để thảo luận về đề nghị ghi âm và ghi hình khi thẩm vấn.

Công tố viên Nhật đã cho thử nghiệm ghi âm và ghi hình trong một số vụ án. Nhóm thẩm phán nghiên cứu về vấn đề này đã lập báo cáo nêu rõ: Biện pháp ghi âm và ghi hình cuộc thẩm vấn sẽ bắt buộc các điều tra viên phải truy tìm bằng chứng nghiêm túc hơn, như vậy thời gian trung bình để xét xử một vụ án hình sự sẽ giảm xuống rất nhiều.

Ở nước ngoài, các điều tra viên có thể thương lượng giảm nhẹ tội cho bị can nếu bị can chịu nhận tội. Họ cũng có quyền nghe lén điện thoại hoặc cải trang để thâm nhập mạng lưới tội ác nhằm thu thập chứng cứ. Trong khi đó, cảnh sát Nhật không có những quyền hạn như vậy nên phải tập trung vào cuộc thẩm vấn.

Anh là nước sử dụng hiệu quả biện pháp ghi âm và ghi hình khi lấy cung. Anh bắt đầu thử nghiệm biện pháp này vào thập niên 1980. Từ năm 1992, Anh bắt buộc ghi âm các cuộc thẩm vấn, trừ nghi can về tội khủng bố hoặc trong một số vụ án đặc biệt. Các cuộc thẩm vấn được ghi âm vào hai cuộn băng. Cuộn băng thứ nhất được niêm phong và lưu trữ để ngăn ngừa thông tin bị chỉnh sửa. Cuộn băng thứ hai được đưa ra tòa làm bằng chứng. Từ năm 2002, Anh bắt đầu áp dụng biện pháp ghi hình khi lấy cung.

LÊ LINH - MINH NHỰT (Theo Yomiuri Shimbun, AP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm