Trả lời phỏng vấn hãng tin AP ngày 25-4, ông Khalil al-Hayya - một lãnh đạo chính trị cấp cao của phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza, Palestine) cho biết nhóm này sẵn sàng chấp nhận ngừng bắn từ 5 năm trở lên.
Ông al-Hayya nói rằng Hamas sẽ hạ vũ khí và chuyển đổi thành một đảng chính trị nếu một nhà nước Palestine độc lập được thành lập theo đường biên giới trước năm 1967.
Trả lời phỏng vấn, ông al-Hayya nói rằng Hamas muốn gia nhập Tổ chức Giải phóng Palestine, do Phong trào giải phóng dân tộc Palestine (Fatah) đứng đầu, để thành lập một chính phủ thống nhất cho Gaza và Bờ Tây.
Ông này cho hay Hamas sẽ chấp nhận “một nhà nước Palestine có chủ quyền hoàn toàn ở Bờ Tây và Dải Gaza cũng như sự trở lại của những người tị nạn Palestine theo các nghị quyết quốc tế” dọc theo biên giới trước năm 1967.
Nhân vật cấp cao Hamas cho biết nếu điều đó thành hiện thực thì cánh quân sự của nhóm sẽ giải tán.
Ông al-Hayya đưa ra phát ngôn trên trong bối cảnh tiến trình đàm phán ngừng bắn và thả con tin giữa Hamas và Israel bế tắc. Ông al-Hayya là đại diện phía Hamas trong các cuộc đàm phán về ngừng bắn và trao đổi con tin.
Ông Ophir Falk - cố vấn chính sách đối ngoại của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từ chối bình luận về phát ngôn trên của ông al-Hayya.
Tuy nhiên, ông Falk nhấn mạnh rằng chính phủ của ông Netanyahu “đặt ra sứ mệnh tiêu diệt khả năng quản lý và quân sự của Hamas ở Gaza, giải phóng con tin và đảm bảo rằng Gaza không gây ra mối đe dọa cho Israel".
Tổ chức Giải phóng Palestine chưa đưa ra bình luận.
Theo AP, đề xuất giải giáp vũ khí của Hamas dường như là một sự nhượng bộ đáng kể của nhóm này trong cuộc xung đột với Israel.
Dù vậy, khó có khả năng Israel sẽ xem xét đề xuất trên. Israel tuyên bố sẽ tiêu diệt Hamas sau vụ tấn công ngày 7-10-2023 của nhóm này vào lãnh thổ Israel. Bên cạnh đó, giới lãnh đạo Israel kiên quyết phản đối việc thành lập một nhà nước Palestine.
Israel đang chuẩn bị cho kế hoạch đổ bộ vào TP Rafah (phía nam Gaza và là thành trì cuối cùng của Hamas). Israel nói rằng nước này đã tiêu diệt hầu hết trong số 20 tiểu đoàn Hamas nhưng 4 tiểu đoàn còn lại đang ẩn náu ở Rafah.
Do đó, Israel cho rằng một cuộc tấn công của Rafah là cần thiết để đạt được chiến thắng trước Hamas, bất chấp phản ứng từ cộng động quốc tế.
Tuy nhiên, ông al-Hayya cho biết một cuộc tấn công như vậy sẽ không tiêu diệt được Hamas, khẳng định rằng lực lượng Israel “chưa phá hủy hơn 20% khả năng của Hamas cả về nhân lực lẫn trên chiến trường”.
“Nếu [Israel] không thể tiêu diệt [Hamas], giải pháp là gì? Giải pháp là đi tới sự đồng thuận” - ông al-Hayya nêu quan điểm.
18 nước kêu gọi thả con tin, chấm dứt xung đột ở Gaza
Ngày 25-4, Mỹ và 17 nước ra một tuyên bố chung kêu gọi Hamas thả tất cả con tin như một con đường để chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Gaza, song Hamas từ chối, theo hãng tin Reuters.
“Chúng tôi kêu gọi thả ngay lập tức tất cả các con tin bị Hamas giữ ở Gaza trong hơn 200 ngày. Chúng tôi nhấn mạnh rằng thỏa thuận trên bàn đàm phán về việc thả con tin sẽ mang lại lệnh ngừng bắn ngay lập tức và kéo dài ở Gaza. Điều đó sẽ tạo điều kiện tăng cường hỗ trợ nhân đạo cần thiết được chuyển đến khắp Gaza và dẫn đến sự chấm dứt chiến sự một cách đáng tin cậy” - theo tuyên bố chung.
18 quốc gia trên bao gồm Mỹ, Argentina, Áo, Brazil, Bulgaria, Canada, Colombia, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hungary, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Serbia, Tây Ban Nha, Thái Lan và Anh. Những nước này đều có công dân bị Hamas bắt sang Gaza trong cuộc tấn công vào lãnh thổ Israel hôm 7-10-2023.
Lãnh đạo cấp cao của Hamas - ông Sami Abu Zuhri nói với Reuters rằng Hamas sẽ không bị ảnh hưởng từ tuyên bố trên, nhấn mạnh rằng Mỹ cần buộc Israel chấm dứt hành vi gây hấn.