Sau 40 năm…

Giải thoát

Sáng 8-1-2010, Lý Văn lái xe ra ga Trùng Khánh, Trung Quốc đón bác trai bác gái từ Vũ Hán đến chơi. Bác Trần vốn là anh ruột mẹ Lý Văn, đã lâu không gặp em gái nên vừa xuống tàu đã vội vàng bảo cháu trai chở ngay về nhà. Không ngờ khi ấy, điện thoại đổ chuông. Lý Văn nhận điện, thấy ông Lý Giai Hữu, bố anh nói như khóc “Bố giết chết mẹ con rồi…”.

Lý Văn đứng chết trân khi nghe tin dữ hồi lâu, nhưng anh không trách bố nửa lời. Anh hiểu và thông cảm với bố, suốt mấy chục năm qua, việc chăm sóc người vợ bệnh tật đã giày vò cả bố mẹ anh, và cái chết, dù không ai mong muốn, cũng vẫn là sự giải thoát cho cả hai người. Sau khi thông báo tin mẹ mình đã chết cho hai bác, anh nhanh chóng lái xe đến nhà bố mẹ ở quận Cao Tân.

Sau 40 năm… ảnh 1

Ông Lý Giai Hữu bị áp giải ra tòa 

Trong gian nhà vài chục mét vuông, tất cả đã được dọn dẹp sạch sẽ. Bà Trần Linh nằm đắp chăn trên giường, mặt phủ khăn. Ông Lý kể, tối hôm trước, bà Trần Linh phát bệnh, vô duyên vô cớ cắt vụn áo khoác, sau đó nhất quyết không chịu uống thuốc. Sáng hôm đó, bà lại tìm mấy bức ảnh gia đình đốt hết, khuyên bảo thế nào cũng không được. Cảm thấy bất lực, lại nghĩ đến tình cảnh khổ sở cả mình và vợ phải chịu đựng suốt 40 năm qua, ông Lý chợt nảy ra ý định giết chết vợ. Nghĩ là làm, ông xuống bếp lấy cái rìu, bổ mấy nhát vào đầu vợ. Khi thấy bà còn thở, ông lại lấy khăn bịt kín mũi miệng cho đến lúc bà chết hẳn. Kể xong sự tình với mọi người, ông Lý đến đồn tự thú.

Cuộc đời bất hạnh

Ông Lý Giai Hữu sinh năm 1943 ở Trùng Khánh. 40 năm về trước, khi vừa tốt nghiệp đại học, ông quen rồi yêu bà Trần Linh. Một lần tình cờ, ông phát hiện bà mắc chứng tâm thần phân liệt, tuy vậy vì tình cảm đã sâu nặng nên không nỡ dứt bỏ. Tháng 1-1970, hai người quyết định làm đám cưới dù gặp phải sự phản đối quyết liệt của gia đình ông Lý. Lúc đó, ông chỉ nghĩ, lấy được người phụ nữ mình yêu là sẽ vượt qua được tất cả, còn bệnh tật, y học ngày càng phát triển, chắc chắn sẽ có cách chữa khỏi.

Tuy vậy, cùng với thời gian, bệnh của bà Trần càng ngày càng nặng. Ông Lý không oán trách nửa lời, lặng lẽ chăm sóc vợ, vẫn thương yêu bà hết mực, dù mỗi khi bà Trần lên cơn vẫn thường cắn xé, phá phách đồ đạc nhưng ông không bao giờ mắng mỏ, nặng lời. Thời đó, có bằng đại học rất danh giá, nhiều bạn học của ông Lý đều làm cao, riêng ông vì chăm vợ, đã từ bỏ cả các cơ hội thăng tiến, chấp nhận làm một công chức bình thường đến khi nghỉ hưu.

Hơn 2 năm sau ngày cưới, Lý Văn ra đời. Không lâu sau đó, ông Lý đành dứt tình phụ tử, gửi con trai về Thượng Hải cho bố mẹ vợ trông nom vì sợ bà Trần vô tình gây thương tổn cho con. Đến khi 14 tuổi, Lý Văn mới được quay lại Trùng Khánh học nhưng phải sống riêng cho đến khi đi làm, lấy vợ, sinh con. Đối với Lý Văn, ông Lý luôn là một người cha mẫu mực, dù bận bịu việc chăm vợ bệnh tật nhưng vẫn lo lắng cho con cháu, khi bệnh tình của bà Trần ổn định, ông thường đến nhà con trông nom, dạy học cho cháu gái.

Giữa năm 2009, bà Trần bị chẩn đoán mắc ung thư mật giai đoạn cuối, do vậy bệnh tâm thần lại tái phát, bà thường xuyên trong trạng thái cáu gắt, nóng nảy, ngày càng khó chịu, nhưng ông Lý vẫn kiên trì đưa vợ đến bệnh viện khám chữa. 5 tháng sau đó, bà Trần nằm viện 3 lần, trải qua 2 cuộc phẫu thuật nhưng bệnh tình không khá hơn. Đêm trước khi xảy ra án mạng, Lý Văn về nhà chơi, hai bố con lại bị bà Trần chửi mắng một hồi.

Ngày 10-8-2010, tòa án nhân dân Trùng Khánh đưa vụ án ra xét xử. Với nhiều tình tiết giảm nhẹ, cộng với đơn xin khoan hồng do người thân bà Trần và hàng xóm xung quanh nơi ông Lý sống gửi tòa án, ông Lý bị tuyên phạt 7 năm tù vì tội cố ý giết người.

Theo Bảo Trâm (ANTĐ/Yahoo.cn)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm