Năm 1961, bà được gia đình cho một miếng đất diện tích 25 m2 nhưng không làm giấy tờ. Bà đã xây bãi gửi xe cho thuê trên đất, sau đó dùng làm nhà bếp.
Năm 1999, bà kê khai căn nhà trên chung với bản kê khai căn nhà 10/5 Nguyễn Văn Đậu (đây cũng là nhà gia đình bà đang ở). Năm 2002, bà nộp hồ sơ xin hợp thức hóa phần nhà trên nhưng bị gia đình bà C. (họ hàng) tranh chấp. Trong quá trình chờ tòa giải quyết vụ kiện, gia đình bà Còn vẫn tiếp tục sử dụng căn nhà trên cho mấy người cháu học tập.
Tháng 5-2015, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm vụ kiện “đòi nhà cho ở nhờ” giữa nguyên đơn là bà C. và bị đơn là bà Còn. Tòa sơ thẩm đã đình chỉ vụ án vì nguyên đơn không cung cấp được những giấy tờ chứng minh đối với yêu cầu khởi kiện. Bà C. kháng cáo nhưng cấp phúc thẩm cũng giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Bà Còn trước căn nhà đã hư hại gần như toàn bộ. Ảnh: N.HIỀN
Căn nhà đến nay đã được xây dựng hơn 50 năm, xuống cấp nghiêm trọng nhưng khi bà Còn muốn sửa chữa thì mắc mứu đủ đường, không thực hiện được. Chị Phạm Hoàng Nam Phương, cháu ngoại bà Còn (người được bà ủy quyền), kể: “Trước đây, mấy đứa em thường đến đây học bài, có khi ngủ lại. Khoảng 10 năm trước, khi tụi nhỏ đang ở nhà thì trần bất ngờ sập xuống, sợ quá nên từ đó bà tôi chỉ để đồ chứ không dám ở. Nay bà tôi tuổi đã già, con cháu muốn đi lại thăm nom, chăm sóc nhưng nhà quá cũ kỹ bắt buộc phải sửa lại mới sử dụng được”.
Gia đình bà Còn nhiều lần gửi đơn đến phường và quận xin được sửa nhà nhưng không được chấp thuận. Đến ngày 3-7, UBND quận Phú Nhuận có buổi họp và đồng ý cho bà Còn sửa chữa theo hiện trạng kèm theo điều kiện bà phải cam kết thực hiện theo quyết định giải quyết tranh chấp của tòa sau này. Bà Còn đồng ý.
“Thế nhưng khi gia đình tôi về phường làm theo hướng dẫn của quận thì phường từ chối. Bà tôi liên hệ lại quận thì được trả lời chưa xem xét cho sửa chữa vì căn nhà trên không sử dụng để ở. Cách giải thích này hết sức vô lý vì căn nhà có thể sập nên nhà tôi mới không dám ở chứ” - chị Phương bức xúc.
Báo Pháp Luật TP.HCM đã đến khảo sát căn nhà trên, ghi nhận tình trạng nhà xuống cấp trầm trọng. Mái nhà bằng thiếc đã rỉ sét sụp xuống đất, các kèo gỗ gần như mục nát hoàn toàn, không còn đỡ được trần nhà.
Trả lời vấn đề trên, ông Nguyễn Tấn Trọng, Phó Chánh văn phòng kiêm Trưởng ban Tiếp công dân UBND quận Phú Nhuận, cho biết sau khi quận chấp thuận cho bà Còn sửa nhà thì con của bà C. đến quận thông tin thực tế bà Còn không ở nhà này. Quận đã giao phường xuống xác minh thì ghi nhận nhà không có người ở, không có nhà vệ sinh, không có hệ thống thoát nước nên tạm thời chưa xem xét cho người dân sửa chữa. Hơn nữa, căn nhà này còn đang tranh chấp.
Chúng tôi chất vấn trước đây tòa đã ra quyết định đình chỉ vụ kiện thì không thể xem là nhà đang có tranh chấp. Bên cạnh đó, căn nhà hiện cũ nát, có thể đổ sập bất cứ lúc nào, nếu không sửa chữa thì không ai dám ở. Dù căn nhà chưa được cấp chủ quyền nhưng đây là nhu cầu cấp thiết của người dân và luật không cấm thì vì sao địa phương không tạo điều kiện thuận lợi cho người dân? Ông Trọng cho biết ghi nhận ý kiến và sẽ báo cáo lên cấp trên xem xét, giải quyết.