Trong năm 2017, đồng hành phía sau các trang báo về những số phận kém may mắn trong xã hội là sự quan tâm sâu sát, chia sẻ vô điều kiện của các mạnh thường quân, bạn đọc trong cả nước. Đa số mọi người đều không quen biết nhau, nhờ nhịp cầu nối là các bài viết, nhiều mảnh đời đã được biết đến, những hoàn cảnh ngặt nghèo đã lay động trái tim của cộng đồng, để từ đó cùng nhau chung tay nâng bước, đổi thay số phận.
Tết ấm áp của thầy Lưu Thanh Hải
Chúng tôi ghé thăm thầy Lưu Thanh Hải vào trưa mùng 4 Tết tại nhà thầy ở TP Tam Kỳ, Quảng Nam. Thầy Hải (nguyên cán bộ Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam) là nhân vật trong bài “Tâm sự thắt lòng của thầy giáo Hải: Tôi chưa muốn chết”, đăng trên báo Pháp Luật TP.HCM ngày 7-3-2017, được bạn đọc của báo và cộng đồng facebooker giúp đỡ tài chính để gắn máy trợ tim, cứu mạng sống.
Nhìn thầy Hải hồng hào, phương phi, giọng sang sảng, ít người biết rằng thầy từng trải qua cơn thập tử nhất sinh cách đó không lâu.
Nỗi ám ảnh dẫu đã qua nhiều tháng nhưng khó phai mờ trong trí thầy và những người trong gia đình nghèo này. Đó là một ca “cứu mạng” diệu kỳ mà đến bây giờ thầy vẫn như còn chưa tin mình được sống. “Lúc được nhà báo Nguyễn Đức Hiển (báo Pháp Luật TP.HCM) tận tay đem tiền của bạn đọc và “anh em phây-búc” từ TP.HCM ra trao cho chúng tôi tại BV Trung ương Huế, tôi không nói nên lời, nằm trên giường bệnh mà nước mắt chảy dài.
Trước đó vừa nợ nần vừa thiếu tiền chữa trị, gia cảnh tôi bế tắc tột độ. Tôi nói với vợ “Anh không muốn chết, không thể chết đơn giản thế này được!”, mạnh miệng vậy nhưng tiền đâu có. Bạn đọc báo Pháp Luật TP.HCM, báo Người Lao Động và những người hông quen biết trên mạng xã hội là ân nhân của tôi, vợ chồng tôi ghi nhớ suốt đời” - thầy Hải tâm sự. Cô Trang (vợ thầy Hải) ngồi bên cạnh rơm rớm những giọt nước mắt hạnh phúc. “Đây có lẽ là cái Tết vui nhất, hạnh phúc nhất của gia đình tôi. Thông qua sự kết nối của những người làm báo hảo tâm, chúng tôi đã được xã hội quan tâm, giúp đỡ bằng cả tấm lòng. Xin gửi lời cám ơn sâu sắc đến những tấm lòng nhân ái!” - cô Trang bày tỏ.
Hai mẹ con bà Đào hạnh phúc với cái Tết đủ đầy hơn mọi năm. Ảnh: T.NGUYÊN
Thầy giáo Lưu Thanh Hải với nét mặt khỏe khoắn và nụ cười tươi rói trên môi. Ảnh: PV
Vẫn căn nhà nhỏ với bốn bức tường nằm chơ vơ giữa những ngôi mộ lớn, vẫn con đường nhỏ chỉ đủ cho hai người chen chân trên lối vào nhà nhưng Tết năm nay mẹ con bà Thái Hạnh Đào (59 tuổi) ở xã Quy Đức, huyện Bình Chánh (TP.HCM) ấm áp hơn vì xuân này đã khác hẳn những xuân xưa.
Sáu tháng trước, bà Đào không đi lại đàng hoàng được vì cái chân giả đã quá hư mục. Gặp lại chúng tôi, bà không khỏi xúc động, gửi lời cám ơn tới những mạnh thường quân đã giúp đỡ. “Nhờ có quý mạnh thường quân mẹ con tôi nay đã có cái Tết đúng nghĩa rồi. Tôi có chân mới, tự tin đi đến hàng xóm chúc Tết, chơi xuân chứ mọi năm chỉ lủi thủi ở nhà. Nhiều năm Tết đến mà lo lắm, lo không có gì đón Tết, lo ra Tết lấy gì cho con đi học. Năm nay các mạnh thường quân hỗ trợ, nhà chùa, xóm làng cũng giúp cho nên đủ gạo, có tiền cho con đi học. Đây là mong ước lớn nhất của tôi” - bà Đào xúc động nói. Bà tươi cười khoe thêm: “Đợt này tôi nuôi được mấy con gà, để dành hai con ăn Tết, còn đem bán lấy tiền cho bé Phúc đi học. Sau Tết tôi lại nuôi tiếp”.
Mẹ có chân, Gia Phúc đã yên tâm học hành. Việc học của em cũng không còn là gánh nặng nữa vì đã có hai mạnh thường quân giúp đỡ. Phúc xúc động chia sẻ: “Đôi chân của mẹ đã thổi vào gia đình em một không khí mới, thôi thúc em phải cố gắng học cho tốt. Ra Tết em sẽ đăng ký thi vào ngành báo chí, hy vọng sau này em có thể giúp được nhiều hoàn cảnh khó khăn như mình”.
Từ nương tựa thành chỗ dựa
Từ một thanh niên sống nương tựa vào mẹ già 75 tuổi, anh Nguyễn Duy Hải (TP Tháp Chàm, Ninh Thuận) đã được vực dậy nhờ sự chung tay góp sức của bạn đọc báo Pháp Luật TP.HCM. Gặp cơn bạo bệnh, số phận anh Hải có lúc tưởng như đã bị định đoạt. Lần đầu gặp, gương mặt anh tím tái, da mặt vàng ệch không sức sống. Nhờ sự hỗ trợ của bạn đọc và quỹ Thiện tâm, anh Hải đã được mổ tim trong thời gian sớm nhất.
Gặp lại, gương mặt anh tuy vẫn gầy gò nhưng đã ánh lên chút hy vọng. Anh cho biết sau ca mổ vẫn phải dùng thuốc và tái khám. Sức khỏe còn yếu nhưng anh đã xin vào một trung tâm chuyên trang trí tiệc cưới để làm việc, có chút thu nhập để trang trải chi phí chữa bệnh, phụ lo cho mẹ già.
“Cũng may mổ tim thành công, còn có cơ hội chăm sóc mẹ và nuôi con thơ. Sau nhiều năm nhọc nhằn, năm nay Tết với tôi và gia đình đã ấm hơn nhiều rồi!” - anh Hải nói.
“Tôi sẽ đi tìm con” Đó là mong mỏi của ông Nguyễn Hữu Nghĩa (58 tuổi), người đàn ông neo đơn đã nhận được sự giúp đỡ của các mạnh thường quân khi một mình điều trị bệnh tiểu đường ở BV quận Thủ Đức. Ông xúc động bày tỏ: “Nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ những người không quen biết mình, tôi vừa ngỡ ngàng vừa xúc động. Tấm tình này tôi sẽ không bao giờ quên. Giờ tôi chỉ hy vọng có sức khỏe tốt để còn đi làm, tự lo cho mình và giúp được người khác. Ra Tết tôi sẽ đi tìm con trai mình”. |