Hôm qua (24-4) là thời hạn chót để các thuê bao di động đăng ký lại thông tin cá nhân cho đầy đủ theo quy định tại NĐ 49/2017. Dù vậy, lượng người đến các điểm giao dịch đã giảm đi nhiều so với trước đó. Lý do của việc này lại không phải do đại đa số người dùng đã hoàn thành yêu cầu mà xuất phát từ thông báo mới của nhà mạng.
Nhiều chi nhánh, cửa hàng đã trưng ra thông báo sau ngày 24-4 vẫn duy trì việc tiếp nhận đăng ký đối với các thuê bao. Tuy nhiên, theo đại diện Cục Viễn thông, thực chất của thông tin này là sau ngày này nhà mạng sẽ phải cắt một chiều (chiều đi) đối với các thuê bao chưa đăng ký lại. Thời gian cắt liên lạc một chiều là 15 ngày, tiến tới khóa luôn chiều còn lại sau 15 ngày tiếp theo.
Nhiều người dùng sợ bị khóa thuê bao nên dù phải ngồi chờ đợi vẫn cố gắng hoàn thành thủ tục. Ảnh: Hải Dương
Tính đến thời điểm ngày 24-4, được biết vẫn còn khoảng 30 triệu thuê bao chưa đăng ký lại thông tin cá nhân. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đổ dồn, ùn ứ các thuê bao vào những ngày cuối theo Cục Viễn thông chính là nằm ở việc nhà mạng vẫn chưa thực sự nghiêm túc và cố gắng triển khai việc rà soát, cập nhật khoa học, thuận tiện.
Thực tế, trước thời điểm đó các nhà mạng đã có một khoảng thời gian rộng rãi để thúc giục các thuê bao cần cập nhật thông tin của mình cho hệ thống. Tuy nhiên, sự thúc giục ấy vẫn chưa thực sự gây áp lực cho khách hàng.
Một thực tế đang diễn ra là thay vì bỏ thời gian công sức để thực hiện bổ sung thông tin, nhiều chủ thuê bao đang thử sức với nhà mạng sau ngày 24-4. Bởi lẽ, nhiều thuê bao vẫn đang đứng ở thế người tiêu dùng còn nhà mạng chính là đơn vị kinh doanh. Hàng triệu thuê bao bị cắt liên lạc cũng đồng nghĩa với việc nhà mạng mất đi những khách hàng thường xuyên, có khách hàng đã trung thành suốt nhiều năm nay. Rõ ràng, đây là một cuộc “so găng” không mong muốn của cả người dùng và đơn vị cung cấp.
Nhiều người cho biết chờ cả một buổi sáng mới đến lượt mình. Ảnh: Viết Thịnh
Nhìn lại Nghị định 49, một trong những lý do dẫn đến việc bổ sung thông tin nằm ở việc SIM điện thoại di động có khả năng bị sử dụng làm phương hại đến an ninh quốc gia và sự ổn định của xã hội, phương hại đến lợi ích hợp pháp của cá nhân bị mạo danh thì các cơ quan quản lý sẽ có điều kiện nhanh chóng ngăn chặn, đấu tranh hiệu quả.
Không phủ nhận khả năng tác động của SIM điện thoại trong nhiều trường hợp. Tuy nhiên ở đây, người dùng đã trở thành những người đi khắc phục lỗ hổng của chính sách thay vì tính chủ động xử lý, bổ sung của đối tượng kinh doanh. Từ đó tất yếu sẽ dẫn đến sự giằng co, đấu trí, đấu sức giữa hai bên, mà sự thiệt hại cả hai bên đều phải chịu.