Ông Trần Kim Ngọc (6/10 tổ 50, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP.HCM) gửi đơn đến Pháp Luật TP.HCM thắc mắc: “Hiện nay tòa đang thụ lý giải quyết đơn của một ngân hàng kiện tôi vì tôi vi phạm nghĩa vụ trả nợ. Cũng trong lúc này, ngân hàng lại xuống nhà tôi thu giữ một số tài sản, đuổi người đang thuê nhà của tôi đi. Tôi không biết ngân hàng làm như vậy có đúng không”.
Cụ thể hơn, ông Ngọc cho biết giữa năm 2012, ông vay hơn 1,5 tỉ đồng để xây nhà trọ và thế chấp giấy tờ nhà cho ngân hàng. Thời gian sau, gia đình gặp khó khăn, ông không có khả năng trả tiếp. Tháng 11-2013, ngân hàng kiện ông ra tòa tranh chấp hợp đồng vay tài sản. Trong lúc tòa đang tiến hành hòa giải thì ngày 27-2, ngân hàng cho người xuống đưa ông quyết định thu giữ tài sản đã thế chấp, quét sơn lên tường nhà ông rồi viết dòng chữ: “Do vi phạm nghĩa vụ trả nợ ngân hàng đã thu giữ tài sản này để xử lý”.
Ông Ngọc có nhà mà không vào được vì bị phía ngân hàng “xiết” trong khi tòa đang giải quyết. Ảnh: NH
Ngoài ra, ngân hàng còn yêu cầu những người đang thuê phòng trọ của ông Ngọc phải dọn đi nơi khác vì đây là tài sản của ngân hàng. Tiếp đó, phía ngân hàng yêu cầu những người ở trọ viết giấy cam kết chuyển đi trước ngày 15-3 nếu không họ sẽ thu giữ tất cả đồ đạc trong phòng trọ.
“Tôi nghĩ ngân hàng đã khởi kiện thì phải chờ tòa giải quyết chứ sao lại làm như vậy. Ngân hàng đuổi những người thuê phòng của tôi đi khiến nguồn thu nhập chính của gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng” - ông Ngọc bày tỏ.
Một đại diện ngân hàng nói trên cho biết đúng là họ đang tiến hành thu hồi nợ của ông Ngọc. Việc họ làm là không sai. Bởi khoản 1 Điều 63 Nghị định 163/2006 (về giao dịch bảo đảm) quy định bên giữ tài sản bảo đảm phải giao tài sản đó cho người xử lý tài sản theo thông báo của phía này. Nếu hết thời hạn ấn định trong thông báo mà bên giữ tài sản bảo đảm không giao tài sản thì người xử lý tài sản có quyền thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý theo quy định hoặc yêu cầu tòa án giải quyết. Hiện ông Ngọc đã trễ hạn trả nợ cho ngân hàng hơn 10 tháng vì thế để đảm bảo hoạt động kinh doanh, ngân hàng phải thu hồi, xử lý tài sản của ông Ngọc. Nếu ngân hàng xử lý tài sản của ông Ngọc thì sẽ rút đơn khởi kiện tại tòa.
NGUYỄN HIỀN
Ngân hàng sai! Luật sư Phùng Thị Hòa (nguyên giảng viên Trường CĐ Kiểm sát) nhận định trường hợp trên, ngân hàng đã kiện ra tòa và tòa đang xử lý tức vụ việc đã nằm trong vòng tố tụng. Như vậy, mọi việc sẽ do tòa án giải quyết, ngân hàng không thể tự ý thu giữ tài sản của khách hàng. Vụ việc này ngân hàng đã xâm hại đến quyền lợi của ông Ngọc và người đang thuê phòng trọ. Ngân hàng áp dụng Nghị định 163/2006 trong trường hợp này là trái với quy định pháp luật. Chỉ khi nào ngân hàng chưa kiện ra tòa (và đủ một số yếu tố khác) thì mới có thể áp dụng tại nghị định này được. Nếu thấy cần thiết, ngân hàng có quyền yêu cầu tòa án tiến hành các biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ quyền lợi chứ không được tự tiện xử lý như trên. Luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết thêm việc ngân hàng thu giữ tài sản của khách hàng đã có dấu hiệu xâm phạm chỗ ở hợp pháp của công dân khiến cho phía khách hàng bị thiệt hại. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, ông Ngọc có quyền làm đơn gửi đến cơ quan cảnh sát điều tra, đồng thời cũng có yêu cầu phản tố buộc ngân hàng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình ông do các hành vi trên. |