Người dân muốn gì ở lực lượng công an?

Trong dự thảo được Bộ Công an ban hành, ngoài những nguyên tắc ứng xử chung, ban soạn thảo dành hẳn một điều để quy định về quy tắc ứng xử giữa công an và nhân dân. Cụ thể như công an phải kính trọng, tận tình, trách nhiệm, lắng nghe nhân dân... Tuy không có nhiều điểm mới nhưng dự thảo vẫn khiến dư luận quan tâm. Ghi nhận ý kiến của người dân về dự thảo này cho thấy công chúng có nhiều kỳ vọng rất cụ thể dành cho những người giữ nhiệm vụ bảo an cho xã hội.

Kính trọng, thân thiện, nhiệt tình… với nhân dân giúp hình ảnh của công an đi vào lòng dân. Ảnh: HTD

Bình đẳng, điềm tĩnh

Một vài lần làm việc với công an địa phương, tôi nhận thấy còn một số cán bộ dựa vào quyền hạn và bộ cảnh phục của mình để lấy oai, cư xử không đúng mực. Điều này gây tâm lý e sợ, nhất là với những người dân ở thôn quê, gây hiểu lầm về bộ máy chính quyền. Khi làm việc với dân, dù người có vi phạm hay không, công an và dân cũng là bình đẳng. Thái độ bề trên, nóng nảy sẽ đẩy những hành động bình thường thành mâu thuẫn, căng thẳng. Không thiếu trường hợp người dân sai và làm quá nhưng nếu lực lượng chức năng khôn khéo, điềm tĩnh, dùng sự nghiêm minh của pháp luật để trấn áp thì ai cũng sẽ nể phục.

TRẦN THU HIẾU, biên tập viên

Công khai, minh bạch

Thực tế trong lực lượng công an, nhất là CSGT vẫn còn hiện tượng lạm dụng quyền hành để làm khó, trục lợi khi xử phạt, kiểm tra hành chính. Một số CSGT, công an khi làm việc với dân không trao đổi công khai, minh bạch, chỉ rõ hành vi vi phạm (nếu có) mà lại áp đặt và có đòi hỏi không thỏa đáng. Những kiểu “kiểm tra chớp nhoáng” gần đây sau khi người dân tố giác đã được xử lý mạnh tay, dứt điểm, rất đáng mừng. Tôi hy vọng việc làm này được đẩy mạnh để dân ra đường thấy CSGT là an tâm vì đúng sai sẽ được xử lý rõ ràng, tâm phục khẩu phục.

NGUYỄN ĐỨC ĐẠT, lập trình viên

Tôn trọng, hợp tác với dân

Người dân cần có cái nhìn toàn diện về lực lượng công an. Ví dụ những ngày lễ, Tết ai cũng được nghỉ, đi chơi thì lực lượng này phải luôn trực chiến 24/24 giờ để bảo vệ tài sản, bình yên cho xã hội. Chúng ta sẽ thấy rõ vai trò của công an khi xảy ra chuyện như cháy nhà, kẹt xe, cướp giật hay gây rối trật tự… Khi ấy lực lượng công an phải đứng mũi chịu sào, giải quyết mọi việc, bảo vệ người dân chứ còn trông vào ai? Tôi muốn người dân và công an hợp tác với nhau, trong mối quan hệ này phía công an có vẻ “có quyền” hơn nên cần thái độ nhiệt thành, tôn trọng người dân bởi chính các anh cũng cần sự hỗ trợ, hợp tác trong dân rất nhiều để hoàn thành nhiệm vụ.

THÂN PHƯƠNG THẢO, chuyên viên

Thân thiện, nhiệt tình

Bộ cảnh phục vốn đã dựng lên bức tường vô hình giữa người dân và công an, giống học sinh dù ngoan vẫn luôn ngại giám thị vậy. Khoảng cách đó là cần thiết nhưng chỉ nên dừng lại ở tác dụng khiến người dân tôn trọng sự nghiêm minh của pháp luật, chứ không phải là cấp quyền hạn cho người công an hành xử sao cũng được.

Mong muốn của tôi rất đơn giản, chỉ cần công an thân thiện, nhiệt tình khi làm việc với dân. Về pháp luật, rõ ràng công an hiểu rõ hơn dân nên cần chỉ dẫn cho dân làm đúng. Làm ngành này rất vất vả, áp lực. Người dân luôn cần công an giữ bình yên, ngược lại công an phải thực sự vì nhân dân phục vụ thì sẽ được tin yêu, ủng hộ.

PHẠM HUYỀN, chuyên viên truyền thông

Trang bị tốt công cụ tác nghiệp

Công việc của công an động chạm trực tiếp tới quyền lợi của người dân như bắt giam, phạt, trấn áp, cưỡng chế… nên rất dễ bị định kiến xấu. Nhiều trường hợp cãi cọ chẳng qua vì công an nói có lỗi, người dân nói không. Để xác thực, lực lượng chức năng cần trang bị phương tiện, công cụ, điều luật thật đầy đủ để chứng minh tại chỗ hành vi vi phạm. Như vậy vừa hiệu quả, không mất thời gian mà người mắc lỗi không phản bác được. Khi xảy ra chuyện, nhiều hình ảnh rất tích cực của công an ai cũng thấy như giúp đỡ người bị ngã xe, đứng trong mưa phân làn giao thông… Theo tôi, những hành vi tiêu cực của công an như nhận tiền để cho qua cũng có phần trách nhiệm của người dân đã dung dưỡng.

ANH ĐÔNG, nhiếp ảnh gia

Chuyên nghiệp và có tâm

Công an cũng là con người, cũng không thể hòa nhã khi gặp phải đối tượng quá khích, cố tình chống đối. Tuy nhiên, chỉ cần họ thực hiện nhiệm vụ một cách chuyên nghiệp, kiên quyết những việc cần làm đúng theo luật định là quá tốt rồi. Người làm trong ngành cảnh sát đều được đào tạo rất kỹ, có văn hóa và hiểu biết về pháp luật nên khi hành xử chuyên nghiệp chắc chắn không xảy ra tiêu cực hay điều đáng tiếc. Tốt hơn nữa thì cần có tâm, biết lắng nghe, hết lòng hỗ trợ cho dân. Căn bản chỉ cần chuyên nghiệp, làm đúng chức trách, nhiệm vụ một cách vô tư là xã hội đã phát triển, bình yên rồi.

PHAN QUANG HÙNG, nhân viên văn phòng

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

(PLO)- Để tránh vướng nợ xấu khi sử dụng thẻ tín dụng, người dùng thẻ phải có kế hoạch chi tiêu thông minh, thanh toán nợ đúng hạn…