116 ha rừng dương phòng hộ ven biển ở xã An Phú, TP Tuy Hòa đã bị phá trắng để xây dựng dự án Khu du lịch cao cấp New City VN. Từ một dự án “treo” nhiều năm, UBND tỉnh Phú Yên lại bất ngờ cho san ủi ồ ạt trước khi làm thủ tục cần thiết.
Hành động vội vã, trảm trước tấu sau của tỉnh vấp phải sự phản ứng gay gắt của dư luận. Trước nhiều áp lực, tỉnh thừa nhận “thiếu sót” nhưng câu chuyện không chỉ dừng ở đó.
Các bài viết trên báo Pháp Luật TP.HCMnhư “Phá hơn 100 ha rừng để… kịp thi hoa hậu!” (đăng ngày 22-4), “Ai cho xóa rừng phòng hộ để… kịp thi hoa hậu?” (đăng ngày 24-4), “Phú Yên nhận thiếu sót vụ phá rừng làm sân golf” (đăng ngày 25-4) đã nhận được rất nhiều bình luận của bạn đọc.
Không thể chỉ vì một chữ “gấp”
Dư luận ngỡ ngàng trước lý do được các cấp quản lý đưa ra cho hơn 100 ha rừng bị phá trong nháy mắt. Đó là do áp lực từ nhà đầu tư khi họ đã cam kết thực hiện dự án, yêu cầu tỉnh nhanh chóng bàn giao mặt bằng. Bạn đọc Trung Vinh sửng sốt: “Một chính quyền sao lại làm việc theo sự hối thúc của nhà đầu tư mà xem thường luật pháp?”.
Việc phá rừng được thực hiện nhanh gọn khi chưa trình hồ sơ lên Thủ tướng xin chuyển mục đích sử dụng đất, chưa làm thủ tục giao đất, chưa phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, chủ đầu tư cũng chưa làm thủ tục xin thuê đất… Chỉ vì một chữ “gấp” mà tỉnh “liều” cho phép khai thác song song với lập thủ tục. Đây là điều khó có thể chấp nhận.
Nhiều phương tiện ồ ạt san ủi rừng phòng hộ ven biển tại xã An Phú, TP Tuy Hòa để làm sân golf và rất nhiều bình luận phản ứng của bạn đọc. Ảnh: TẤN LỘC
“Nguyên tắc thượng tôn pháp luật ở đâu”, “do chủ đầu tư thúc giục tỉnh quên kỷ cương phép nước…”, “người nắm quyền lực, luật pháp để phục vụ quốc kế dân sinh mà như thế này thì không thể tha thứ” là nhận xét thẳng thắn của các độc giả Việt, Vuong Nguyen, Tuy Go…
Bạn Chinh Truong bày tỏ xót xa: “Lần trước phá rừng tan hoang làm trại bò sữa cũng nhận thiếu sót, rút kinh nghiệm. Giờ, tiền trảm hậu tấu thì cũng tan hoang rồi!”.
Tình trạng tài nguyên thiên nhiên bị hủy hoại từ sai phạm của doanh nghiệp, thiếu sót của chính quyền đang diễn ra ở mức đáng báo động. Bạn đọc Thuy Nguyen, Mot, Ly Thanh… cảnh báo: “Đây là phá hoại, không phải thiếu sót. Đừng trách sao hạn hán, giông bão, lốc xoáy, sa mạc hóa, lũ lụt nghiêm trọng”. Những hiện tượng thiên nhiên bất thường thời gian qua đều có ngọn nguồn của nó và đây là một nguyên nhân.
Quyết không cho nhận thiếu sót
100% ý kiến độc giả gửi về cho báo Pháp Luật TP.HCM thể hiện chính kiến kiên quyết không để vụ việc này chìm xuồng trong ba chữ “nhận thiếu sót”. Nhiều người đề xuất phải xử lý mạnh tay, không dung túng cho hành vi cố ý làm trái, hủy hoại rừng.
Bạn La Trung Phong nhận định: “Rừng là tài nguyên quốc gia. Đây còn là rừng phòng hộ, cần phải làm rõ phải trái trong việc này”. Độc giả Võ Tá Luân, Long Mai, 2 Lua gay gắt hơn: “Thủ tướng đã chỉ đạo đóng cửa rừng, tại sao lại tiếp tục phá? Không phải ít mà tới 116 ha. Đã hội đủ các yếu tố để “trảm” ngay và luôn lập tức không cần phải điều tra, thanh tra gì nữa”, “vì điều gì mà họ làm vậy? Đề nghị Chính phủ vào cuộc vụ phá rừng cực kỳ nghiêm trọng này.”
Nhiều ý kiến bày tỏ sự tức giận cao độ và đề nghị phải có phán quyết thực sự mang tính răn đe, phải “trảm” thật một vụ làm gương chứ không thể chỉ khiển trách, cảnh cáo như trước đây vì rõ ràng mọi động thái ấy đều vô ích. Rừng vẫn bị phá ngày càng nhiều hơn.
“Bao giờ mới có một vụ “trảm” thật những ông quan kiểu này? Có ai để yên cho các ông phá mãi không, hãy vì sự tồn tại của chính mình mà phá sáu cũng phải biết xây bốn, đừng phá sạch cả 10 như thế” là khuyến cáo của độc giả Công Lý, cũng là kỳ vọng của đông đảo độc giả.
Xử nghiêm để giữ những cánh rừng còn lại • “Không có nước nào nhà nhà, tỉnh tỉnh, xã xã, huyện huyện đều có đại gia đến lấy đất làm du lịch như ta cả” - Minh • “Buồn cho tầm nhìn ngắn của lãnh đạo tỉnh, tuyệt đối không để chìm xuồng vụ này” - Võ Tá Luân • “Điều hành kiểu này tài nguyên đất nước sẽ ra sao. Nói và làm đều tùy tiện” - Lê Hoàng • “Coi trời bằng vung. Phải làm rõ trách nhiệm để giữ những cánh rừng còn lại” - Vũ Hùng |