Tại sao thiết bị điện trong nhà đua nhau…cháy nổ?

Thời nay, mỗi gia đình đều trang bị rất nhiều thiết bị điện trong nhà, từ đồ gia dụng, công nghệ đến các thiết bị giải trí khác. Tuy nhiên, dễ nhận thấy hệ thống điện của đa số các gia đình Việt Nam chưa đảm bảo an toàn về cháy nổ.

Minh chứng rõ nét nhất là hằng năm số vụ cháy với nguyên nhân do sự cố điện luôn cao, trên 60%; trong đó sự cố từ các vật dụng sử dụng điện chiếm gần hai phần ba. Những vật dụng thường xảy ra sự cố cháy là quạt, cục phát Wifi, đèn, pin sạc, tủ lạnh, máy tính.

Sự cố cháy quạt điện

Mới đây nhất có thể kể đến vụ nổ cục sạc dự phòng xảy ra ở chung cư ParcSpring (quận 2, TPHCM). Trước đó, ngày 31-3 một nhà dân ở quận 8 đã xảy ra cháy quạt và lan ra toàn bộ phòng ngủ; 13-1 từ sự cố cục phát Wifi tại kho dụng cụ thể thao tại chung cư Rubyland quận Tân Phú.. khiến nhiều người tá hỏa bỏ chạy….

Sở dĩ các vật dụng gia đình dễ phát sinh cháy phần lớn do khi không sử dụng, người dùng quên ngắt điện, thiết bị hoạt động liên tục trong thời gian dài sinh nhiệt hoặc gặp sự cố điện gây cháy.

Cháy máy vi tính văn phòng

Nổ tủ lạnh

Bên cạnh đó là các yếu tố như vật dụng cũ kỹ đã sử dụng nhiều năm, tận dụng các đồ vật đã hư hỏng sửa chữa lại; vật dụng không đảm bảo chất lượng do mua tại các cửa hàng không có bảo hành, không rõ xuất xứ; phích cắm tiếp xúc kém với ổ cắm; dây dẫn kém chất lượng, mối nối dây lỏng lẻo, dây bị gấp khúc, đè nén, bong hở vỏ bọc…; cầu dao tự động không tự ngắt khi có sự cố…

Nổ bình ác quy xe đạp điện

Một số cách hạn chế cháy nổ vật dụng, thiết bị điện:

·      Trước khi khóa cửa nhà, cửa phòng phải kiểm tra hệ thống điện, ngắt nguồn các thiết bị điện, cắt cầu dao tổng. Đối với tủ lạnh, tủ đông nên đi đường dây và gắn cầu dao riêng để khi cắt cầu dao tổng không bị ảnh hưởng.

·      Nên mua vật dụng tại các trung tâm điện máy uy tín và có bảo hành.

·      Thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, tra dầu, vệ sinh vật dụng, thiết bị.

·      Vật dụng, thiết bị sử dụng theo chỉ dẫn của nhà sản xuất và đến thời điểm nhất định nên thay mới, tốt nhất không xài quá 10 năm.

·      Đường dây, ổ cắm phải bố trí nơi dễ quan sát, hạn chế tác động của ngoại lực; không luồn dây dẫn dưới các đồ vật khác. Phích cắm tiếp xúc với ổ cắm đảm bảo chắc chắn, mối nối dây bền chặt.

LÊ ANH QUÂN-Phòng Pháp chế điều tra xử lý cháy nổ Cảnh sát PCCC TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm