Ứng dụng “Công dân số TP.HCM” (gọi tắt là “App Công dân số”) được ra mắt vào ngày 14-11, đây là một ứng dụng di động thông minh, là kênh giao tiếp hai chiều giữa chính quyền TP và người dân bằng tương tác “một chạm” dễ dàng, thuận tiện.
Sau hơn một tháng ra mắt, ứng dụng đã nhận được nhiều sự quan tâm từ phía người dân, đặc biệt là người dân đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM.
Ứng dụng cung cấp thông tin chính xác
Chị Xuân Trang (ngụ TP.HCM) cho biết sau khi ra mắt ứng dụng chị đã lập tức tải về và sử dụng. Chị Trang nhận xét đây là một ứng dụng hay, mang đến nhiều trải nghiệm tiện ích cho người dùng.
“Trong ứng dụng đó có rất nhiều tiện ích, tôi rất tâm đắc, tuy nhiên tiện ích mà tôi sử dụng nhiều trong ứng dụng là những tin tức về giáo dục, y tế và tìm hiểu về các thủ tục hành chính. Bởi những thông tin khi tra google có thể sẽ không chính xác hoặc bị nhiễu bởi có quá nhiều kết quả hiện nhưng với ứng dụng được TP cung cấp thì chắc chắn mức độ tin cậy phải 100%.
Ví dụ tôi muốn tìm hiểu về thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú, khi tra google ra nhiều kết quả tôi không biết phải thực hiện theo cái nào nhưng ứng dụng chỉ có một kết quả và hướng dẫn rất chi tiết, cụ thể và dễ hiểu” – chị Trang nói.
Tương tự, chị Ngọc Ngân cũng đánh giá đây là một bước ngoặt lớn và có ích cho người dân, cung cấp những thông tin người dân cần một cách rõ ràng. Đơn cử là thông tin, địa chỉ phòng khám, bệnh viện, trường học, cơ sở dạy thêm gần nơi người dân sinh sống.
“Mình tra google những địa chỉ về các cơ sở y tế, giáo dục có thể bị sai địa chỉ, nhưng app của TP thì không thể sai được, bên cạnh đó mình cũng yên tâm bởi những cơ sở này đều được cấp phép hoạt động. Mình cũng có dùng app tìm cơ sở dạy thêm cho mình trên ứng dụng và ứng dụng đã cung cấp khá nhiều thông tin. Tuy nhiên là một người phụ nữ trong gia đình tôi mong ứng dụng cung cấp thêm những chương trình khuyến mãi hoặc những chương trình khác” – chị Ngân nói.
Bên cạnh tiện ích ứng dụng mang lại cũng còn một số mặt hạn chế và cần được cải thiện, anh Nguyễn Văn Hà (ngụ TP.HCM) chia sẻ tiện ích du lịch thông tin vẫn còn ít, do đó cần phải cập nhật nhiều hơn. Đồng thời, khắc phục một số vấn đề bản đồ, cần được nâng cấp để “mượt” hơn.
“Sử dụng bản đồ của ứng dụng tôi thấy chưa được nhanh lắm và cần cải thiện nhiều tính năng trên bản đồ để người dùng dễ sử dụng hơn. Theo tôi, ứng dụng vừa ra mắt hơn một tháng đã như thế này là quá ổn nhưng để hoàn thiện hơn chắc chắn cần thời gian. Nếu như có thể hãy thêm tính năng điều khiển giọng nói để những người lớn tuổi dễ sử dụng và phát triển thêm một ngôn ngữ tiếng Anh để hướng tới các khách du lịch sử dụng ứng dụng” – anh Hà bày tỏ.
Nhận được nhiều tương tác từ người dân
Trao đổi với PV, bà Võ Thị Trung Trinh làm Giám đốc Trung tâm chuyển đổi số TP.HCM cho biết thông qua App Công dân số, người dân có thể phản ánh các sự việc, gửi ý kiến góp ý, hiến kế các vấn đề mà mình quan tâm. Đồng thời, theo dõi sát sao tiến độ xử lý của cơ quan chức năng. Người dân cũng có thể tiếp cận, tra cứu và sử dụng các tiện ích dịch vụ công một cách nhanh chóng, thuận tiện, trên nhiều lĩnh vực thiết thực với đời sống.
Bên cạnh đó, App Công dân số là một kênh hiệu quả để ghi nhận, quản lý và xử lý ngay lập tức các sự việc từ thực tế cuộc sống phát sinh trên địa bàn, căn cứ trên dữ liệu được cung cấp minh bạch. Qua đây, chính quyền cũng có thể cung cấp nhanh chóng, kịp thời đến người dân các thông tin về các hoạt động của TP; tuyên truyền các chủ trương, chính sách, quy định pháp luật mới ban hành; đăng tải các tin tức, thông báo, cảnh báo khẩn cấp…
“Khi sử dụng app, người dân có thể dùng tài khoản định danh điện tử VNeID để đăng nhập hoặc không dùng VNeID vẫn được, tuy nhiên sẽ bị hạn chế một số tính năng như tính năng tra cứu hồ sơ, phản ánh, kiến nghị sẽ không dùng được vì không có thông tin rõ ràng của người tra cứu, phản ánh. Hiện nay, tính năng phản ánh, kiến nghị đã nhận hơn 27.000 lượt đóng góp ý kiến, đây được xem là tính năng được nhiều người dân sử dụng, quan tâm” – bà Trinh nói.
Bà Trinh cho biết thêm, bên cạnh đó tính năng tra cứu thông tin giáo dục, y tế; tra cứu thông tin về tình trạng xử lý hồ sơ; tìm hiểu thông tin về thủ tục hành chính cũng được người dân đặc biệt quan tâm.
Cũng theo bà Trinh, sau hơn một tháng ra mắt, app ghi nhận được khoảng 14.000 lượt tải, trong đó có 7424 lượt đăng nhập ứng dụng bằng VNeID, 42.200 lượt truy cập ứng dụng. Con số này cho thấy sự tương tác của người dân, đây cũng chính là mục tiêu mà app đặt ra là kết nối người dân và chính quyền.
Trong thời gian tới, TP sẽ tiếp tục lắng nghe thông tin phản hồi, góp ý của các sở, ban, ngành và người dùng để cập nhật, nâng cấp, hoàn thiện các dịch vụ, tính năng, tiện ích của App Công dân số, đảm bảo ứng dụng vận hành ổn định, thông suốt, đem lại nhiều tiện ích nhất cho người dân TP.
12 tính năng của ứng dụng “Công dân số TP.HCM”
Trong giai đoạn đầu tiên, App Công dân số cung cấp 12 nhóm tính năng chính, trong đó một số tính năng nổi trội có thể kể đến như:
Phản ánh kiến nghị các vấn đề như sự cố hạ tầng kỹ thuật; các vấn đề phát sinh về kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh...;
Giáo dục hỗ trợ tra cứu thông tin trường học, địa chỉ chi tiết của trường học, phân loại theo cấp;
Y tế giúp tra cứu thông tin về các cơ sở khám chữa bệnh như địa chỉ, giấy phép hoạt động;
Du lịch – bản tin giúp tra cứu các các thông tin lễ hội, sự kiện, tin tức về du lịch liên quan đến TP;
Giao thông hỗ trợ tra cứu và tìm kiếm các thông tin xe bus trên địa bàn TP cùng tiện ích theo dõi camera tại các tuyến đường; Giao thông hỗ trợ người dân tra cứu và tìm kiếm các thông tin liên quan đến xe bus trên địa bàn TP, theo dõi camera tại các tuyến đường;
Xây dựng giúp tra cứu các dự án nhà ở trên địa bàn TP, chứng chỉ hoạt động hành nghề bất động sản, môi giới;
Hỗ trợ tra cứu danh sách thông tin đường dây nóng và danh bạ liên hệ của các cơ quan chính quyền;
Dịch vụ công - Tra cứu hồ sơ giúp truy cập vào kho hồ sơ cá nhân, tra cứu thủ tục, hồ sơ hành chính và nắm bắt tình trạng giải quyết hồ sơ hành chính ở các lĩnh vực; Bản đồ tìm kiếm vị trí, định vị và hướng dẫn đường đi hoặc tìm kiếm các địa điểm trên địa bàn TP…