Tuy nhiên, cán bộ xã cho biết do nhân viên này tham gia BHYT hộ nghèo nên không được cắt. Cho tôi hỏi, cách giải thích của cán bộ xã như vậy có đúng không và thủ tục cắt BHYT tại địa phương như thế nào?
Bạn đọc có địa chỉ email giahan…@gmail.com
BHXH TP.HCM trả lời: Căn cứ khoản 2 Điều 13 Luật số 46/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT quy định trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự người có hợp đồng lao động đến nhóm người tham gia theo hộ gia đình. Như vậy, trường hợp trên, người lao động đang công tác tại một công ty thì phải đóng BHYT theo đơn vị đang công tác.
Trường hợp đã có thẻ BHYT hộ nghèo thì sau khi thẻ BHYT bắt buộc được cấp thì người lao động mang thẻ BHYT hộ nghèo (bản chính) và thẻ BHYT bắt buộc (bản phôtô) đến đại lý thu UBND cấp xã hoặc đại lý thu bưu điện nơi cấp thẻ BHYT hộ nghèo để báo giảm trùng theo quy định.
Thanh toán chế độ ốm đau phải có giấy xuất viện
Tôi mắc nhiều chứng bệnh như bị viêm dạ dày, ruột cấp, rối loạn thần kinh thực vật… Vừa rồi tôi có nằm điều trị tại bệnh viện hơn 20 ngày. Sau khi xuất viện, bác sĩ bệnh viện yêu cầu tôi phải về nhà nghỉ ngơi hơn 10 ngày. Tôi nộp giấy tóm tắt bệnh án và xin nghỉ để điều trị bệnh tại nhà cho công ty để thanh toán chế độ. Cho tôi hỏi, trường hợp của tôi có được nghỉ bệnh dài ngày không và thủ tục như thế nào? Thanh Nhã (Quận Bình Tân, TP.HCM)
Trả lời vấn đề trên, BHXH TP.HCM cho biết nếu người lao động nghỉ ốm theo chỉ định của bác sĩ mà có tên bệnh theo danh mục ốm bệnh dài ngày của Thông tư 46/2016/TT-BYT thì đề nghị giải quyết chế độ ốm bệnh dài ngày. Trường hợp trên, để có cơ sở thanh toán chế độ ốm đau theo đúng quy định, đề nghị người bệnh liên hệ cơ sở khám chữa bệnh ghi rõ tên bệnh và mã bệnh để có cơ sở xác định có phải là bệnh thuộc danh mục bệnh dài ngày hay không.
Chứng từ để thanh toán chế độ ốm đau: Đối với những ngày nghỉ nằm điều trị nội trú chứng từ là giấy xuất viện, đối với những ngày điều trị ngoại trú là giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH (thời gian nghỉ để điều trị và dưỡng bệnh thì cơ sở y tế căn cứ vào tình trạng bệnh của người bệnh để quyết định số ngày nghỉ để điều trị). Lưu ý không dùng giấy tóm tắt bệnh án để thanh toán chế độ ốm đau.