Theo quy định thì tôi đã đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con. Hiện tôi đã sinh con được một tháng và đã xin nghỉ việc hẳn tại doanh nghiệp trước khi sinh.
Tôi được biết tại Điều 42 Quyết định 595/QĐ/BHXH quy định người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì đơn vị và người lao động không phải đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (BNN). Thời gian nghỉ được tính là thời gian đóng BHXH, không được tính là thời gian đóng BHTN. Ngoài ra, người lao động được cơ quan BHXH đóng BHYT.
Như vậy cho tôi hỏi, trường hợp của tôi đã nghỉ việc nhưng đang hưởng chế độ thai sản thì trong sáu tháng nghỉ thai sản theo quy định tôi có được tính là thời gian đóng BHXH không và có được cơ quan BHXH đóng BHYT không?
Bạn đọc Nguyễn Thanh An (Quận Gò Vấp, TP.HCM)
Bảo hiểm xã hội TP.HCM trả lời: Nếu người lao động có đủ điều kiện đóng BHXH từ đủ sáu tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con, khi nghỉ việc hẳn thì thời gian thai sản sau khi sinh con không được tính là thời gian đóng BHXH và cũng không được BHXH đóng BHYT. Bởi khi nghỉ việc tức là người lao động không còn quan hệ lao động thì không được xem như người lao động đang có hợp đồng làm việc.
Đi công tác nước ngoài vẫn được hưởng chế độ ốm đau
Cơ quan tôi có một trường hợp người lao động đi công tác nước ngoài một tháng. Cho chúng tôi hỏi nếu trong tháng đó người lao động bị ốm đau thì có được giải quyết chế độ ốm đau hay không vì dù đi công tác nhưng người lao động này vẫn tham gia BHXH. Nếu được giải quyết chế độ ốm đau thì thủ tục gồm những giấy tờ nào?
Bạn đọc Lê Trung Kiên (Quận 2, TP.HCM)
Bảo hiểm xã hội TP.HCM trả lời: Trường hợp người lao động được cử đi công tác tại nước ngoài một tháng mà bị ốm đau thì được hưởng chế độ ốm đau.
Chứng từ để thanh toán chế độ ốm đau là bản dịch tiếng Việt được chứng thực của giấy khám bệnh, chữa bệnh do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở nước ngoài cấp.