Vỡ hụi 50 tỉ đồng, xử lý ra sao?

Những ngày gần đây, nhiều người dân ở phường 4, TP Tây Ninh phản ánh với Pháp Luật TP.HCM: “Chúng tôi vừa trở thành nạn nhân của một vụ vỡ hụi khoảng 50 tỉ đồng. Riêng bà K. mất hơn 2 tỉ đồng khi chơi nhiều dây hụi do vợ chồng bà Nguyễn Thị Bạch Yến và ông Phạm Tấn Tài (khu phố 6, thị trấn Hòa Thành, huyện Hòa Thành) làm chủ hụi”...

Bà K. cho biết trong quá trình chơi hụi, do thấy lãi cao nên nhiều hụi viên đã “nuôi hụi” để hốt chót. Đến khi gần hết dây hụi, nhiều người mới ngã ngửa ra khi biết có nhiều người cùng nuôi hụi hốt chót như mình. Trong nhiều tháng không có người hốt hụi nhưng vợ chồng bà Yến vẫn gom tiền các hụi viên bình thường.

Trước phản ánh của người dân, chúng tôi đã đóng vai người nhà của hụi viên để tham gia buổi họp hụi viên ngày 30-3 tại nhà bà Yến. Tại đây chúng tôi chứng kiến cảnh khá đông hụi viên yêu cầu gia đình bà Yến công khai bằng chứng cho thấy có người đã hốt giật hụi nhưng bà Yến không cung cấp được. Trong vụ vỡ hụi này, người bị mất ít nhất cũng vài trăm triệu đồng, người nhiều lên đến hơn 3 tỉ đồng. Tại buổi họp, bà Yến ước tính số tiền đang nợ các hụi viên gần 50 tỉ đồng và đang tìm cách gỡ.

 
Nhiều người dân lo lắng trước tình trạng vỡ hụi 50 tỉ đồng tập trung trước nhà vợ chồng chủ hụi để nghe ngóng tình hình. Ảnh: NH

Được biết bà Yến làm chủ nhiều dây hụi, dây ít nhất 5 triệu đồng/tháng, dây cao nhất 20 triệu/tháng, mỗi dây trên dưới 20 người tham gia. Có người tham gia khá nhiều dây hụi, phần hụi, đóng đến gần trăm triệu đồng/tháng. Bà Yến đã có thâm niên làm chủ hụi hơn 20 năm. Những dây hụi gần đây có lãi khá lớn (dây hụi 20 triệu lời trên dưới 5 triệu mỗi tháng). Một số người tin tưởng bà Yến tới mức hằng tháng đóng vài chục triệu đồng cũng không ghi sổ sách hay có bất cứ loại giấy tờ xác nhận nào.

Những người bị thiệt hại thắc mắc không rõ hành vi của vợ chồng bà Yến sẽ bị xử lý như thế nào và họ làm cách nào để có thể thu hồi lại tài sản của mình.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Quốc Tuấn (Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hòa Thành, Tây Ninh) cho biết phường đã chỉ đạo công an theo dõi, giữ gìn an ninh trật tự khu vực. Hiện nay nhiều người dân không gửi đơn cho chính quyền địa phương nên chính quyền thị trấn chỉ theo dõi để giữ gìn trật tự địa phương.

Các cơ quan như công an, tòa án cũng cho biết họ đang xem xét giải quyết vấn đề mà bạn đọc của Pháp Luật TP.HCM phản ánh khi họ có đơn yêu cầu.

NGUYỄN HOÀNG

 

Nếu chỉ tranh chấp dân sự, tòa sẽ giải quyết

Trước đây, luật cấm chơi hụi (họ, biêu, phường) nên khi có tranh chấp tiền góp hụi người dân kiện ra tòa thì không được giải quyết mà chuyển qua cơ quan công an. Tuy nhiên, khi điều tra, làm rõ hơn thì đây là việc chơi hụi nên cũng khó xử lý. Do vậy sau này Bộ luật Dân sự 2005 quy định: hụi, họ, biêu, phường là một hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh hụi và quyền, nghĩa vụ của các thành viên. Tiếp đó, Nghị định 114/2006 hướng dẫn pháp luật cho phép người dân được góp vốn theo hình thức hụi, họ nhằm mục đích tương trợ nhau là chính. Luật nghiêm cấm việc tổ chức hụi để cho vay nặng lãi, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm hoặc các hành vi trái pháp luật khác để chiếm đoạt tài sản của người khác.

Trong trường hợp có tranh chấp thì được giải quyết bằng thương lượng, hòa giải hoặc giải quyết tại tòa án theo quy định của luật pháp dân sự. Tuy nhiên, nếu thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự (như lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản…) thì xử lý theo quy định của pháp luật hình sự.

Luật sư PHẠM VĂN MINH, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm