108 chung cư có tranh chấp quỹ bảo trì

“Tại 43 địa phương có đến 215 dự án nhà ở, chung cư có khiếu nại, tranh chấp. Trong đó có 108 dự án xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư (CĐT) với cư dân liên quan đến quỹ bảo trì; phần sở hữu chung, sở hữu riêng; chất lượng công trình; phí quản lý vận hành…”. đó là nội dung vừa được Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tại nhiều chung cư CĐT không chịu nộp kinh phí bảo trì đối với phần diện tích thuộc sở hữu riêng hoặc chiếm dụng kinh phí bảo trì vào mục đích khác. Đặc biệt, trong số này có đến 39 dự án CĐT không bàn giao, chậm bàn giao hoặc chỉ bàn giao một phần kinh phí bảo trì cho ban quản trị.

Bộ Xây dựng cũng chỉ rõ địa chỉ các chung cư có vi phạm liên quan đến phí bảo trì gồm: Tại Hà Nội có chung cư Hateco Hoàng Mai, Star City 81 Lê Văn Lương, 310 Minh Khai, Hồ Gươm Plaza... Tại TP.HCM có dự án Hoàng Anh River View, chung cư Khánh Hội 2, chung cư The Morning Star, chung cư Investco-Babylon, New Sài Gòn

Chung cư Star City 81 Lê Văn Lương, Hà Nội hoàn thành từ năm 2014 nhưng tới nay chủ đầu tư mới chỉ bàn giao 2,4 tỉ đồng quỹ bảo trì trong tổng số hơn 30 tỉ đồng. Ảnh: CTV

Điển hình như dự án Star City 81 Lê Văn Lương (CĐT là Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Vneco Hà Nội) hoàn thành và bàn giao từ năm 2014. Nhưng tới nay CĐT mới chỉ bàn giao cho cư dân khoảng 2,4 tỉ đồng quỹ bảo trì trong tổng số hơn 30 tỉ đồng. Hiện nhiều hạng mục trong tòa nhà hư hỏng, xuống cấp nhưng cư dân chưa đòi được số tiền nói trên để tiến hành sửa chữa, phải gửi đơn kiến nghị khắp nơi.

Ngoài ra, dự án chung cư 310 Minh Khai (CĐT là Vinaconex 3) xảy ra tranh chấp quỹ bảo trì từ năm 2015 đến nay; dự án Thăng Long Garden 250 Minh Khai, Hà Nội (CĐT là Công ty Cổ phần May Thăng Long) xảy ra tranh chấp quỹ bảo trì khoảng 14,6 tỉ đồng giữa cư dân với CĐT từ giữa năm 2016 đến nay; dự án Hồ Gươm Plaza ở Mỗ Lao-Hà Đông (CĐT là Công ty Cổ phần May Hồ Gươm) hai phía cũng tranh chấp quỹ bảo trì gần 20 tỉ đồng…

Một nguyên nhân của tình trạng tranh chấp, thậm chí CĐT chiếm dụng quỹ bảo trì được Bộ Xây dựng chỉ ra là do một số CĐT chưa đủ năng lực thực hiện dự án. Họ chỉ chú trọng đến thu lợi nhuận từ việc bán căn hộ mà chưa quan tâm đến nghĩa vụ sau bán hàng của mình. Tại một số nơi, chính quyền địa phương chưa thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước nên không kịp thời xử lý, ngăn chặn mâu thuẫn phát sinh dẫn tới các tranh chấp kéo dài.

“Bên cạnh đó, khi mua nhà người dân đã không xem xét hết các nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng mua bán căn hộ đã ký, đặc biệt là các thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ của các bên trong quản lý, sử dụng nhà ở sau khi nhận bàn giao” - Bộ Xây dựng lưu ý.

Hà Nội: Hàng trăm chung cư có tranh chấp phí bảo trì

Tại cuộc giám sát của HĐND TP Hà Nội về quản lý nhà chung cư trên địa bàn TP vào tháng 4-2018, ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Đô thị, HĐND TP Hà Nội, cho biết tại Hà Nội có đến 158 chung cư CĐT không chịu bàn giao kinh phí bảo trì nên ban quản trị không biết lấy tiền đâu sửa chữa nếu tòa nhà gặp hư hại, hỏng hóc, cháy nổ.

Theo ông Quân, Hà Nội hiện có 270 tòa chung cư thương mại hoàn thành, đưa vào sử dụng nhiều năm nay, đã lấp đầy dân cư nhưng chưa thành lập được ban quản trị, chưa bàn giao được quỹ bảo trì, chưa phân định được diện tích chung riêng, CĐT chưa bàn giao toàn bộ hồ sơ...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm