Phí bảo trì chung cư là khoản tiền 2% trên tổng giá trị hợp đồng mà chủ đầu tư (CĐT) thu từ cư dân và sẽ bàn giao lại cho ban quản trị (BQT) chung cư sau bảy ngày thành lập.
Tuy nhiên, không ít chung cư đã thành lập BQT song vẫn chưa nhận được phí bảo trì, gây bức xúc cho các cư dân.
Đòi hoài không được
Cư dân ở chung cư New Town, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức (TP.HCM) đang bức xúc về chuyện này. Ông Lưu Quốc Thái, Trưởng BQT chung cư, cho biết chung cư được đưa vào sử dụng năm 2012. Đến tháng 9-2014 thì thành lập BQT.
“BQT chung cư đã trải qua nhiều nhiệm kỳ trong khi CĐT mới bàn giao cho BQT 450 triệu. Do chưa được bàn giao về hồ sơ nên chúng tôi chỉ ước tính phí bảo trì mà đáng lý CĐT phải bàn giao cho cư dân là 3,2 tỉ đồng. Nếu CĐT giao tiền đúng hạn thì mấy năm nay cư dân sẽ có cả chục triệu đồng tiền lãi” - ông Thái bức xúc.
Sau đó, ngày 9-5, CĐT có gửi văn bản đến BQT hứa là sẽ thanh toán theo lộ trình cụ thể như: Cuối tháng 6-2017, thanh toán 500 triệu đồng, cuối tháng 7-2017 thanh toán 500 triệu đồng và cuối tháng 8-2017 sẽ thanh toán hết phần còn lại. Tuy nhiên, đến nay cư dân vẫn chưa nhận được một đồng nào từ CĐT.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Đức Tấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển dự án hạ tầng Thái Bình Dương (CĐT chung cư New Town ở Hiệp Bình Chánh), cho biết công ty không phải thoái thác trách nhiệm mà vì đang gặp khó khăn về tài chính. Hiện công ty vẫn chưa thu hồi được công nợ từ những đơn vị khác nên chưa có tiền để trả lại cho người dân. Đồng thời công ty đã cử người xuống BQT chung cư New Town để làm việc, gia hạn thời gian thanh toán.
Chung cư Hoàng Kim bị khóa thang máy vì không có tiền sửa chữa, hàng loạt cư dân phải leo cầu thang bộ về nhà. Ảnh: CẨM TÚ
Không biết níu ai
Cư dân ở chung cư Hoàng Kim, quận 7 cũng đang rơi vào tình trạng khốn đốn với phí bảo trì.
Trước đó, thang máy chung cư này bị hỏng do không có phí vận hành sửa chữa (gần 150 triệu đồng), mặc dù cư dân đã đóng phí bảo trì.
CĐT là Công ty TNHH KTT đã nợ 51 triệu đồng từ trước chưa trả nên Công ty Thang máy Thiên Nam không đồng ý sửa chữa mới. Thiên Nam đề nghị phường hỗ trợ yêu cầu CĐT thanh toán nợ cũ và có biện pháp đảm bảo sẽ trả khoản chi phí mới thì mới thực hiện tiếp công tác bảo trì.
Một cư dân bức xúc: “Mấy ngày liền cả chung cư phải đi thang bộ. Nhà tôi ở tầng cao, con nhỏ phải đi bộ lên xuống để đi học ngày nào cũng khóc vì mệt. Muốn mua gì xách bộ lên cũng bở hơi tai, lỡ người già có sự cố sức khỏe thì không biết làm sao”.
Trước việc làm thiếu trách nhiệm của CĐT, UBND quận đã trích tiền ngân sách để trả trước cho công ty bảo trì thang máy, đồng thời yêu cầu CĐT bàn giao phí bảo trì cho BQT.
Tuy nhiên, đến nay đã sáu tháng CĐT vẫn không bàn giao phí bảo trì và cư dân phải chia đều ra đóng nguồn phí này để trả cho Nhà nước.
Anh Hùng, một cư dân nơi đây bức xúc: “Đáng lý số tiền 2% mình đóng thì phải được sử dụng đúng mục đích và phục vụ cho cư dân, song đến nay người dân đang phải đóng thêm các khoản phí dịch vụ khác. Trong đó, chỉ riêng sau vụ cháy Carina, chung cư đã phải đóng thêm một số tiền lớn để trang bị, sửa chữa lại các thiết bị hư hỏng. Sự thực đến nay chúng tôi vẫn không biết kêu ai trong khi CĐT đã đi tù”.
Phải tự cứu mình trước Anh Nguyễn Văn Hưng, chung cư Bắc Bình (quận Bình Thạnh) bức xúc: “Từ ngày vào chung cư sinh sống, người dân đã đóng phí bảo trì để vận hành chung cư. Tôi cứ nghĩ khi chung cư thành lập được BQT thì CĐT sẽ bàn giao 2% phí bảo trì này lại cho cư dân. Tuy nhiên, đến nay CĐT vẫn chưa đưa một đồng nào. Hiện nay các cư dân phải chia đều ra để cùng nhau đóng góp. Đặc biệt, sau vụ cháy chung cư Carina, cả chung cư Bắc Bình đã kiểm tra lại toàn bộ hệ thống trang thiết bị và cư dân một lần nữa phải đóng góp để bảo trì chung cư”. Trao đổi với chúng tôi, đại diện BQT chung cư Bắc Bình cho biết: “Bắt đầu từ tháng 4-2017, BQT mới chính thức được thành lập và nhận bàn giao từ CĐT. Tuy nhiên, BQT mới chỉ nhận bàn giao về mặt hình thức, trong khi phí bảo trì chung cư vẫn nằm im ở CĐT. Do thiếu 2% phí bảo trì vận hành chung cư, đến nay BQT đã phải tự xoay một mình. Trong đó tất cả khoản đóng góp thì cư dân phải đóng tiền toàn bộ. Sự việc này chúng tôi đã nhiều lần họp bàn, có sự tham gia của UBND phường 25 nhưng vẫn không giải quyết được. Trước sự khẩn thiết của cư dân và để đảm bảo an toàn cho tòa nhà, các cư dân đã thống nhất tự góp tiền để sửa chữa, bảo trì chung cư để tự cứu mình trước đã”. |