Sở Xây dựng TP.HCM vừa có tờ trình dự thảo quy trình cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì nhà chung cư. Theo dự thảo, trong năm ngày làm việc kể từ ngày ban quản trị có đơn “kêu cứu”, Sở Xây dựng sẽ tổ chức họp với chủ đầu tư (CĐT) và ban quản trị chung cư để thống nhất số liệu quyết toán về kinh phí bảo trì. Khi đã có số liệu quyết toán, Sở yêu cầu CĐT bàn giao kinh phí bảo trì trong thời hạn bảy ngày. “Quá thời hạn mà CĐT không thực hiện, Sở sẽ ban hành quyết định cưỡng chế xử lý tài sản của CĐT. Quyết định này sẽ gửi cho CĐT và tổ chức tín dụng nơi CĐT mở tài khoản để thu hồi kinh phí bảo trì cho cư dân” - Sở đề xuất.
Về cách thức thực hiện, Sở liên hệ Ngân hàng Nhà nước để xác minh thông tin tài khoản của CĐT, đề nghị tổ chức tín dụng chuyển số tiền kinh phí bảo trì vào tài khoản của ban quản trị. Trong trường hợp tài khoản không còn tiền hoặc không đủ để trích chuyển, Sở yêu cầu ngân hàng phong tỏa tài khoản. Đồng thời UBND các quận/huyện ngăn chặn việc cho phép mua bán, chuyển nhượng các tài sản của CĐT trên địa bàn để đảm bảo thu hồi kinh phí bảo trì.
Góp ý dự thảo của Sở Xây dựng, nhiều ý kiến bày tỏ sự băn khoăn. UBND huyện Nhà Bè cho rằng “việc tổ chức kê biên tài sản của CĐT là thẩm quyền của cơ quan thi hành án khi có bản án quyết định của tòa”.
Một chuyên gia pháp luật cho hay việc cưỡng chế của Sở Xây dựng gặp hàng loạt vướng mắc về pháp luật. “Đối tượng được quyền yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản, phong tỏa tài khoản, trích chuyển tiền theo quy định của ngành này lâu nay không có Sở Xây dựng. Nay Sở yêu cầu thì không có cơ sở pháp lý” - ông nhận xét. Vị này cho rằng giải pháp là các bộ, ngành liên quan ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn. Tuy nhiên, ông băn khoăn khi Sở Xây dựng thêm nhiệm vụ cưỡng chế xử lý tài sản như một cơ quan thi hành án cho toàn bộ chung cư tại TP là “không có nhân sự và chuyên môn thực hiện”. Theo ông, nên giao thi hành án thực hiện quyết định của Sở về cưỡng chế xử lý tài sản CĐT.
Tuy nhiên, theo LS Nguyễn Thị Mỹ Viễn, Công ty Luật An Ánh Dương, nếu giao cho cơ quan thi hành án thực hiện quyết định cưỡng chế của Sở thì cũng bị vướng pháp lý. “Cơ quan thi hành án chỉ thực hiện bản án, quyết định của tòa” - bà cho hay.
Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh quận Thủ Đức Trần Minh Tú cho hay những đề xuất của Sở Xây dựng gần tương tự quy định tại Nghị định 166/2013 hướng dẫn Luật Xử lý vi phạm hành chính. Khoản 4 Điều 16 nghị định này quy định “ngân hàng phải giữ lại số tiền trong tài khoản tương đương số tiền phạt vi phạm theo yêu cầu của người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế. Trường hợp tài khoản còn ít hơn thì cũng phải giữ và trích chuyển”. Trong trường hợp người vi phạm hành chính không có tài khoản, tài khoản không đủ thì bị kê biên tài sản có giá trị tương ứng số tiền phạt để bán đấu giá. Tuy nhiên, ông Tú cho hay thực tế quy định này gần như không thực hiện được. “Khó khăn đầu tiên là không thể biết được tài khoản họ mở ở ngân hàng nào để yêu cầu. Do đó phải gửi thông báo rất nhiều ngân hàng nhưng không nơi nào phản hồi” - ông cho biết. Còn theo Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM Trần Đình Cường, quy định của Luật Tổ chức tín dụng nêu rõ tổ chức tín dụng có nghĩa vụ bảo mật thông tin cho khách hàng, trừ trường hợp pháp luật cho phép. Khi Sở Xây dựng yêu cầu cung cấp thông tin của khách hàng thì phải viện dẫn cơ sở pháp lý cụ thể để các ngân hàng thực hiện, tránh trường hợp khách hàng khiếu nại về việc để lộ bí mật thông tin tiền gửi. |