Phí bảo trì chung cư là một tài sản “khủng”, vì thế những tranh chấp về quyền quản lý, sử dụng phí này liên tục nảy sinh không ngừng. Giải pháp nào là tối ưu cho các bên liên quan và đảm bảo tiền được sử dụng hiệu quả nhất? Chúng tôi đã tìm hiểu và được người trong cuộc chia sẻ một số biện pháp có thể hữu dụng.
Thành lập phòng chuyên trách quản lý
Hiện nay chung cư mọc lên ngày càng nhiều. Cấp quản lý gần nhất với cư dân là ban quản trị (BQT) nhưng bất cập là đội ngũ này đôi khi còn thiếu chuyên môn, kỹ năng quản lý và vận hành tòa nhà.
Theo tôi, đã đến lúc các cấp địa phương cần thành lập một phòng chuyên trách để quản lý về chung cư. Tiền phí bảo trì chung cư sẽ giao cho phòng chuyên trách này quản lý, chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nhân sự trong phòng này phải có trình độ, kỹ năng và liên hệ mật thiết với Sở Xây dựng, UBND các phường, UBND quận, từ đó sẽ tạo nên một khối thống nhất trong quá trình quản lý.
Ông KIM NGỌC ĐỨC (Chung cư 51, phường 5, quận 8, TP.HCM)
Cư dân chung cư BMM mang băng rôn xuống sảnh biểu tình trong ngày 15-4. Ảnh: BÁ CƯỜNG
Nên thu phí bảo trì theo năm
Khoản phí bảo trì gửi ở ngân hàng sẽ sinh lợi nhuận cao, từ đó dễ kích động các bên như chủ đầu tư (CĐT), ban quản lý (BQL)… muốn nắm giữ, sử dụng không minh bạch.
Vì vậy, để sử dụng hiệu quả thì không nên giao phí bảo trì cho CĐT, tránh tình trạng CĐT chậm trễ, chây ỳ bàn giao cho BQL rồi giao cho BQT sau này. BQL và BQT ở các chung cư nên là đội ngũ vạch ra kế hoạch chi tiêu hằng năm, dự trù kinh phí hoạt động rồi thu tiền cư dân từng năm. Như vậy, số tiền nắm giữ không quá lớn và có kế hoạch chi tiêu cụ thể, giảm thiểu khả năng xảy ra tiêu cực.
Chị NGUYỄN THỊ NGUYỆT (Chung cư Ehome 3, phường An Lạc,
quận Bình Tân, TP.HCM)
Thành lập ban kiểm soát ở các chung cư
Việc thành lập ban kiểm soát ở các chung cư theo quy định là không bắt buộc nhưng lại rất cần thiết. Mỗi chung cư nên thành lập một tổ kiểm tra, giám sát hoặc thuê đơn vị có chuyên môn để kiểm tra sổ sách, việc thu chi tài chính của BQT.
Ban kiểm soát sẽ kiểm tra, đánh giá các thông tin tài chính đã, đang và sẽ phát sinh trong quá trình hoạt động của chung cư; kiểm tra báo cáo về chất lượng và độ tin cậy của thông tin quản trị, thông tin tài chính do các cá nhân, tập thể BQT báo cáo cho hội nghị nhà chung cư; kiến nghị giải pháp xử lý, ngăn ngừa các sai phạm đã hoặc có thể sẽ xảy ra.
Ông NGUYỄN XUÂN KHÁNH (Thành viên BQT chung cư 52,
quận 5, TP.HCM)
Phí bảo trì tính trên giá bán nhà là bất hợp lý Theo tôi nhận thấy, phí bảo trì là một số tiền quá lớn nên ai giữ đều không yên tâm. Trường hợp CĐT phá sản như tòa nhà Keangnam ở Hà Nội, BQT đã phải gửi đơn lên Chính phủ để cầu cứu vì CĐT tòa nhà đã sử dụng trái phép quỹ bảo trì lên tới hơn 160 tỉ đồng. Bên cạnh đó, không ít CĐT làm ăn thua lỗ, sử dụng phí bảo trì vào việc riêng và không có khả năng hoàn trả. Theo tôi, không nên đóng phí bảo trì cho CĐT hay giao cho BQT quản lý vì đây chính là cội nguồn của các xung đột. Để tránh lãng phí cũng như bùng nổ những tranh chấp không cần thiết, nên thu phí bảo trì trước khi tòa nhà xuống cấp, có thể tính từ năm thứ ba hoặc thứ năm trở đi và nên chia thành nhiều đợt chứ không thu một lần. Ngoài ra, số thu 2% được tính trên tổng giá bán nhà là bất hợp lý, 2% chỉ nên tính trên giá xây dựng. Giá bán nhà đã bao gồm tiền mua đất, tiền sử dụng đất, các loại thuế… nên tính trên tổng giá bán là người dân đang phải trả phí dịch vụ cho cả giá đất. Ông NGUYỄN VĂN ĐỰC, Phó Giám đốc |