UBND tỉnh Bình Thuận vừa có báo cáo gửi Thanh tra Chính phủ (TTCP) về việc giải quyết đơn khiếu nại của bà Nguyễn Thị Kim Cúc (do cha là ông Nguyễn Văn Khôi ủy quyền).
Theo đó, bà Cúc không thống nhất với cách giải quyết của UBND tỉnh Bình Thuận và yêu cầu tỉnh thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng và TTCP.
Bị mất 7,5 ha đất
Đây là vụ khiếu nại kéo dài gần 40 năm của cha con ông Khôi. Tiếc thay, khi TTCP kết luận khiếu nại của ông Khôi là đúng thì người thầy giáo này đã qua đời.
Phần đất mà cha con ông Khôi khiếu nại có diện tích gần 7,5 ha thuộc xã Tân Phú Xuân, huyện Hàm Thuận, Thuận Hải (cũ, nay là xã Phong Nẫm, TP Phan Thiết, Bình Thuận). Đất này do mẹ ông Khôi canh tác và đã được Ban Kiến điền và đại diện hội đồng xã chứng thực vào năm 1957. Trước năm 1975, ông Khôi dạy học và được mẹ giao cho sử dụng toàn bộ diện tích trên (ông Khôi là con trai duy nhất). Sau năm 1975, ông Khôi ở nhà cùng vợ canh tác diện tích đất trên để nuôi bảy người con ăn học.
Năm 1977, chính quyền địa phương bất ngờ ra quyết định trưng dụng 6,3 ha đất của gia đình ông Khôi để khai thác đất sét và xây dựng nhà máy gạch. Đến năm 1979, toàn bộ phần đất còn lại của gia đình cũng bị chính quyền trưng dụng hết giao cho Xí nghiệp liên hợp gạch ngói Thuận Hải.
Trước khi thu hồi đất của gia đình ông Khôi, bí thư Huyện ủy Hàm Thuận đã có văn bản báo cáo bí thư Tỉnh ủy Thuận Hải. Và tháng 1-1977, ông Lê Văn Hiền, Bí thư Tỉnh ủy, có văn bản chỉ đạo: “Ty Xây dựng cùng huyện phải giải quyết chu đáo công ăn việc làm, bù lại ruộng đất khác cho họ. Nếu đất xấu hơn thì cũng phải tính bù cho họ theo đúng chính sách…”. Thế nhưng chỉ đạo này của bí thư Tỉnh ủy sau đó không được thực hiện.
Sau một thời gian dài ông Khôi liên tục làm đơn khiếu nại đòi lại đất, tháng 5-1982, chủ tịch UBND tỉnh Thuận Hải có văn bản chỉ đạo: “Yêu cầu chủ tịch thị xã Phan Thiết và chủ tịch huyện Hàm Thuận xác định lại thành phần của hộ này. Nếu địa chủ thì thực hiện chính sách ruộng đất trưng thu, tịch thu hoặc trưng mua không hoàn lại và không trả hoa lợi trên diện tích năm mẫu ba sào. Còn số diện tích một mẫu hai sào đưa vào HTX phải trả hoa lợi ruộng đất, nếu chưa thực hiện hoặc trả chưa đầy đủ thì phải trả cho đầy đủ…”. Thế nhưng văn bản chỉ đạo này cũng không được thực hiện.
“Gia đình chúng tôi khổ sở lắm rồi”. Đó là câu bà Nguyễn Thị Kim Cúc, đại diện cho các con ông Khôi, thốt lên khi gặp chúng tôi. Ảnh: PN
Thanh tra Chính phủ: Trưng thu không đúng
Tại Báo cáo kết luận số 2237/BC/TTCP gửi Thủ tướng ngày 5-8-2015, TTCP nêu: Phần đất trên của gia đình ông Khôi canh tác là do ông bà để lại. Sau năm 1975, gia đình ông trực tiếp canh tác liên tục trên diện tích đất này. Khi chính quyền trưng thu, gia đình ông Khôi không được cấp đất khác để sản xuất theo chỉ đạo của bí thư Tỉnh ủy.
TTCP kết luận việc trưng thu đất của gia đình ông Khôi là không phù hợp bởi gia đình ông không thuộc đối tượng trưng thu theo Điều 1 Quyết định 188-CP ngày 25-9-1976 của Hội đồng Chính phủ (tịch thu ruộng đất của các đối tượng: tư sản mại bản, địa chủ phản quốc...).
Theo TTCP, khi Nhà nước trưng thu hết đất để làm xí nghiệp gạch ngói, gia đình ông Khôi chưa được hưởng tiền bồi thường về hoa màu, tài sản trên đất, tiền di dời mồ mả và chưa được cấp lại đất khác để sản xuất. Do đó việc giải quyết quyền lợi cho gia đình ông Khôi là chính đáng, cần được xem xét.
Mặt khác, ông Khôi có đông con, khi các con ông lập gia đình, nhiều hộ phải ở ghép trong một nhà. Nhu cầu về đất đai cho mỗi hộ là có thực. Tháng 1-2015, UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã thống nhất với hướng giải quyết trên. Từ đó TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tỉnh Bình Thuận hỗ trợ, giao đất ở cho các con của ông Khôi nhằm giảm bớt khó khăn về nhà ở, ổn định cuộc sống; có chính sách hỗ trợ di dời mồ mả dòng tộc mà gia đình ông Khôi đã di dời trước đây.
“Mặc cả” với dân
Ngày 18-9-2015, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Thủ tướng Chính phủ) đồng ý kiến nghị của TTCP, giao chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận thực hiện chậm nhất vào cuối năm 2015.
Sau khi có chỉ đạo của Chính phủ, bảy người con ông Khôi làm đơn xin cấp mỗi người một lô đất 100 m2 để tái định cư. Vậy nhưng UBND tỉnh Bình Thuận lại chỉ đồng ý cấp cho bảy người ba lô đất, mỗi lô 100 m2 và buộc họ phải trả tiền đất theo quy định. Không đồng ý, các con ông Khôi tiếp tục làm đơn khiếu nại gửi Thanh tra và Thủ tướng Chính phủ.
Pháp Luật TP.HCM sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin về vụ việc này.
“Gia đình chúng tôi khổ sở lắm rồi” Đó là câu bà Nguyễn Thị Kim Cúc, đại diện cho các con ông Khôi, thốt lên khi gặp chúng tôi. Được biết phần đất trước đây trưng thu của gia đình bà Cúc đã được xí nghiệp gạch ngói phân cho nhiều cán bộ, nhân viên làm nhà ở. Khi chính quyền thu hồi để làm KCN Phan Thiết, những người này đều được bồi thường, được cấp đất tái định cư và đều không phải trả tiền đất. Theo bà Cúc, ngày 14-7-2005, UBND tỉnh có văn bản về việc giải quyết đất tái định cư thuộc dự án KCN Phan Thiết và Khu tái định cư Đông Xuân An (Phan Thiết). Văn bản này quy định giao đất tái định cư không thu tiền sử dụng đất và theo tỉ lệ cứ thu hồi 100 m2 đất nông nghiệp thì được giao 10 m2 đất ở. “Nếu tính gần 75.000 m2 đất gia đình tôi đã bị thu hồi thì tụi tôi ít nhất cũng nhận hơn 7.000 m2 đất ở. Thế mà chúng tôi xin 700 m2 nhưng chỉ được giao 300 m2 và phải trả tiền. Anh chị em chúng tôi đều nghèo, đều phải ở ghép, giờ cả bảy gia đình phải ở chung, ở ghép với nhau thì liệu có công bằng hay không?” - bà Cúc nói. |