Hơn 20 năm làm ruộng, giờ tay trắng

“Phường phê duyệt, có đóng dấu đỏ, giao đất cho hộ nhà tôi. Hơn 20 năm tôi cắm mặt vào đất, trồng nên hột lúa mà nuôi con ăn học nên người. Giờ tôi không còn đất. Tại sao ông chủ tịch phường của hơn 20 năm trước ra làm chứng ở phòng xử án mà không ai nghe?”.

Theo ông Điện, tháng 9-1993, Hợp tác xã (HTX) Tấn Tài có chủ trương khoán đất ruộng cho các hộ dân canh tác, trồng tỉa. Nghe cha khuyên đi xin cấp đất, vợ chồng ông viết đơn rồi nhờ cha ký tên. Sau đó HTX nông nghiệp phường Tấn Tài cấp mảnh ruộng hơn 1.500 m2 cho nhà ông canh tác. Suốt 22 năm, nhờ cây lúa trên mảnh đất đó ông nuôi sống cả nhà, cho các con ăn học thành người.

Năm 1998, UBND thị xã Phan Rang - Tháp Chàm (nay là TP Phan Rang - Tháp Chàm) công nhận quyền sử dụng đất đối với mảnh ruộng ông Điện đang canh tác. Nhưng thay vì tách thành một giấy chứng nhận riêng biệt, cơ quan chức năng gộp chung mảnh ruộng này vào miếng đất của cha ông.

Nghĩ cha đứng tên trên đất thì cũng yên tâm, ông Điện tiếp tục cùng vợ con trồng lúa kiếm cái ăn. Mỗi năm thông qua cha mình, gia đình ông Điện hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

Tuy nhiên, vừa qua một người em gái của ông Điện khởi kiện, cho rằng gia đình có 11 nhân khẩu, cha bà làm đơn xin HTX Tấn Tài cấp đất để canh tác nhưng HTX chỉ cấp đất cho bảy nhân khẩu, còn lại bốn người, trong đó có bà thì không được cấp đất nên cha bà khiếu nại. Sau đó HTX Tấn Tài tiếp tục giao khoán mảnh ruộng hơn 1.500 m2 cho bốn nhân khẩu này.

Ở lần cấp đất này, HTX Tấn Tài không tách giấy riêng mà gộp chung vào mảnh đất đứng tên cha và ông Điện. Vì các con còn nhỏ nên bà chưa dùng đến thửa ruộng này nên giao cho gia đình anh trai là ông Điện canh tác. Năm 2011, cha bà qua đời. Giờ bà khởi kiện đòi lại đất.

Tại phiên xử sơ thẩm ngày 17-6, TAND TP Phan Rang - Tháp Chàm tuyên xử chấp nhận đơn khởi kiện, buộc ông Điện trả lại thửa ruộng hơn 1.500 m2 cho nguyên đơn.

Không đồng tình với bản án sơ thẩm, ông Điện kháng cáo. Ông cho rằng căn cứ để tòa sơ thẩm buộc ông phải trả mảnh ruộng suốt 22 năm gắn bó là từ lời khai của người em gái và của đại diện HTX Tấn Tài là không xem xét đến quyền lợi hợp pháp của ông.

Bởi lẽ trong bốn nhân khẩu mà em ông đề cập, em gái ông là người buôn bán, một người khác không ở địa phương, hai nhân khẩu khác tuổi còn nhỏ và đang đi học. Hơn nữa, hai đại diện của HTX Tấn Tài ở thời điểm hiện tại có mâu thuẫn với hộ ông nên lời khai của họ là thiếu khách quan và chưa chính xác về thời gian. Cụ thể, hai nhân chứng này khai thửa ruộng đó được cấp vào năm 1998, thực chất là năm 1993.

“Theo Điều 6 và Điều 7 Nghị định 64/1993, đối tượng để giao đất nông nghiệp sử dụng ổn định lâu dài là nhân khẩu nông nghiệp thường trú tại địa phương. Em gái tôi và các nhân khẩu khác kiện đòi đất đều không đáp ứng các quy định đó nhưng vẫn được tòa tuyên thắng kiện” - ông Điện cho biết.

Mấu chốt của vụ án rất đơn giản, chỉ cần xác định HTX Tấn Tài trước đây giao đất cho ai, có bao nhiêu nhân khẩu và ai mới thực sự là người gắn bó với nông nghiệp như tiêu chí cấp đất năm 1993 thì phần ruộng đó thuộc quyền sử dụng của người đó.

Tuy nhiên, ông Điện trưng ra các bằng chứng như trên và nguyên chủ tịch phường Tấn Tài thời điểm cấp đất làm chứng, ký tên xác nhận cho ông Điện. Các hộ dân cùng canh tác với ông Điện cũng sẵn sàng giúp sự thật được sáng tỏ. Tất cả lập luận thuyết phục ấy đã không được TAND tỉnh Ninh Thuận trong phiên xử phúc thẩm vừa mới đây chấp nhận.

Kết quả của bản án phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm đã một lần nữa khiến ông Điện đau lòng. Ông cho biết sẽ khiếu nại giám đốc thẩm để tìm lại công lý cho mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm