‘Đẻ’ thủ tục nhà đất làm khổ dân

Vừa rồi, ông Lê Văn Đặng (ngụ 971 Hồng Bàng, quận 6, TP.HCM) nộp hồ sơ xin phép xây dựng tại một khu đất ở xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Mảnh đất trên được huyện cho tách thửa, chuyển mục đích sử dụng thành đất ở và cấp giấy chứng nhận từ năm 2014, có bản vẽ đính kèm do phòng TN&MT huyện duyệt. Huyện Bình Chánh hẹn trả kết quả ngày 11-7.

Lối đi đã có lại bắt chứng minh

Đến ngày hẹn, ông đến nhận kết quả thì được phòng Quản lý đô thị (QLĐT) ra công văn yêu cầu: “Bổ sung pháp lý quyền sử dụng đất với phần sử dụng đất làm lối đi để làm cơ sở xác định phần đất này thuộc cùng chủ sử dụng. Hoặc phải bổ sung ý kiến chấp thuận của các chủ sử dụng đất liền kề đối với việc sử dụng làm lối đi và kết nối hạ tầng kỹ thuật”.

Ông Đặng ngơ ngác: “Khu đất này phải có lối đi thì huyện mới cho tách thửa từ năm 2014. Vậy bây giờ phòng QLĐT bảo tôi phải bổ túc pháp lý quyền sử dụng đất lối đi để xác định phần đất này thuộc cùng chủ sử dụng là như thế nào?”.

Theo ông, trong bản vẽ đính kèm giấy chứng nhận, lối đi chung đã thể hiện rất rõ. Và thực tế có lối đi thì ông mới bỏ tiền mua đất và xin xây nhà. “Đó là những yêu cầu bất hợp lý. Ngoài ra, hình thức văn bản thông báo cũng có tắc trách. đơn cử công văn ký ngày 13-7 trong khi ngày 11-7 tôi đến đã nhận được văn bản, chữ ký của trưởng phòng QLĐT không giống chữ ký sống mà giống chữ ký in nên khi tôi đi sao y văn bản này thì không được Phòng Công chứng số 7 đồng ý” - ông Đặng nói.

Hiện ông Đặng đã làm đơn khiếu nại công văn của Phòng QLĐT huyện Bình Chánh vì gây khó khăn cho ông.

Ông Lê Văn Đặng khổ sở vì phải chứng minh lối đi khi nộp hồ sơ xin phép xây dựng tại khu đất của mình ở xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: CT

Hành giấy chứng minh

Ông T. (ở quận 10) được cấp căn cước công dân (CCCD) thay thế CMND nên khi chuyển nhượng nhà, ông mang theo thẻ này để làm thủ tục công chứng. Theo hợp đồng công chứng, công chứng viên thể hiện số CCCD. Thế nhưng sau đó ông qua đăng bộ thì Chi nhánh Văn phòng đăng ký (VPĐK) đất đai quận 10 không đồng ý mà đề nghị ông phải mang hợp đồng công chứng về sửa lại, phải thể hiện cả hai số CMND lẫn CCCD.

“Tuy nhiên, công chứng viên không thể thực hiện đề nghị này” - ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng phòng Công chứng số 4, cho biết. Theo ông, bằng các nghiệp vụ, công chứng viên đã xác định đây là người được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu trước đây. Chẳng hạn đối chiếu CMND cũ hoặc các giấy tờ khác có thể hiện, hoặc hỏi công an… Việc chứng nhận hợp đồng với số CCCD khớp nhau của một người do công chứng viên chịu trách nhiệm.

“Trong trường hợp cảm thấy cần ghi cả hai số thì cán bộ chi nhánh VPĐK đất đai yêu cầu người dân nộp để bổ sung đối chiếu là đủ, không phải bắt người dân đi điều chỉnh hợp đồng công chứng” - ông Cường nhấn mạnh.

Được biết ngoài quận 10, hiện nay tình trạng trên khá phổ biến ở một số chi nhánh VPĐK đất đai khác.

Và cả sổ hộ khẩu

Gần tương tự, người có hộ khẩu tỉnh và có sổ tạm trú KT3 tại TP.HCM đi mua nhà nên hợp đồng mua bán thể hiện địa chỉ tạm trú. Thế nhưng khi đăng bộ sang tên, một số chi nhánh VPĐK đất đai không đồng ý mà bắt người mua phải về quê mang sổ hộ khẩu qua công chứng để sửa hợp đồng.

“Tôi cho rằng yêu cầu này không đúng. Luật Nhà ở không buộc người dân phải có hộ khẩu TP mới được mua nhà. Và cũng tương tự, nếu cảm thấy cần thì chỉ cần người dân xuất trình sổ hộ khẩu để nơi này cập nhật là được chứ không phải đi sửa hợp đồng công chứng” - ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng phòng Công chứng số 4, bày tỏ.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, các trường hợp trên có lẽ xuất phát từ quan điểm của cán bộ tiếp nhận hồ sơ chứ không phải chủ trương chung của chi nhánh VPĐK đất đai. Cho nên khi công chứng viên kiên quyết không đồng ý sửa hợp đồng và đề nghị cán bộ tiếp nhận hồ sơ thể hiện yêu cầu bằng văn bản thì những nơi này lại nhận hồ sơ.

Vất vả xin xác nhận độc thân

Bà Bạch Thị Xuân (chủ nhà 280/7 Cách Mạng Tháng Tám, phường 10, quận 3, TP.HCM) định bán nhà nên đã đi xác nhận tình trạng hôn nhân để xác định tài sản đứng tên một mình.

Trước đây, bà sống chung với một người nhưng không có hôn thú, ông này đã chết cách đây hơn 50 năm (không có giấy chứng tử). UBND phường 10 (quận 3) cho hay không thể xác nhận. Nơi đây viện dẫn Thông tư 15/2015: “Nếu có đăng ký kết hôn nhưng vợ/chồng đã chết và chưa kết hôn mới thì ghi “có đăng ký kết hôn nhưng vợ/chồng đã chết (theo giấy chứng tử/trích lục khai tử/bản án số...), hiện tại chưa đăng ký kết hôn””.

Phường yêu cầu bà liên hệ nơi cư trú cuối cùng của ông này để làm khai tử quá hạn. Đi lại nhiều lần, bà Xuân không thể thực hiện yêu cầu trên vì ông chết quá lâu. Hơn nữa, ông bà không đăng ký kết hôn nên không thuộc trường hợp phường viện dẫn.

Sau đó, Phòng Công chứng số 7 gửi văn bản cho UBND phường 10, quận 3 đề nghị hỗ trợ. Vài ngày sau, UBND phường có văn bản cho hay “qua tra cứu sổ bộ tại địa phương, bà Xuân chưa đăng ký kết hôn với ai”.

Không buộc người dân chứng minh lối đi, trổ cửa

Trong thực tế có một số trường hợp cơ quan cấp phép cảm thấy băn khoăn về lối đi chung, việc trổ cửa... Tuy nhiên, khi đó cơ quan cấp phép có trách nhiệm phải tự xác minh sự việc. Việc này cơ quan cấp phép phải làm, không yêu cầu người dân chứng minh.

Ông TỐNG ĐỨC TIẾN, Trưởng phòng Cấp phép xây dựng, Sở Xây dựng TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm