Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ vừa đề nghị HĐND TP Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ điều chỉnh Luật Doanh nghiệp (DN), Luật Đầu tư về quy định mức vốn tối thiểu khi người nước ngoài (NNN) đầu tư tại Việt Nam.
“Hiện nay, các quy định của Luật Đầu tư và Luật DN thông thoáng nhằm thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, do trong luật không quy định mức vốn đầu tư tối thiểu dẫn đến tình trạng một số NNN lợi dụng tham gia góp vốn đầu tư với số vốn rất ít ỏi, có những trường hợp chưa tới 50 triệu đồng. Trong khi đó, họ lại hưởng rất nhiều ưu đãi như được miễn giấy phép lao động (GPLĐ), được cấp thẻ tạm trú ở lại Việt Nam lâu dài…” - ông Thơ lý giải.
Nhiều dự án FDI siêu nhỏ
Trả lời Pháp Luật TP.HCM, Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng cho hay: Từ 1-7-2015 đến nay, có 36/300 dự án FDI đầu tư vào Đà Nẵng có vốn rất nhỏ, dưới 10.000 USD. “Các dự án siêu nhỏ này chưa đi đúng định hướng thu hút đầu tư FDI của Đà Nẵng. Một số nhà đầu tư có độ tuổi lớn cũng góp vốn đầu tư để được hưởng những ưu đãi khi sống tại Việt Nam. Đây là khó khăn trong quá trình quản lý NNN đang sinh sống tại TP” - Sở KH&ĐT cho hay.
Vấn đề ngăn chặn các dự án FDI siêu nhỏ đã được Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng có ý kiến bằng văn bản từ khi góp ý cho Luật Đầu tư 2005. Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT khi đó cho rằng đây là xu hướng của thế giới nên Việt Nam không thể quy định khác được. Sau đó, Đà Nẵng nhiều lần đề nghị Quốc hội quy định vốn tối thiểu đối với các dự án FDI. Tuy nhiên, Luật Đầu tư năm 2014 vẫn không quy định.
Cũng theo Sở KH&ĐT, khi Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực, sở này đã nhận thấy nhiều NNN lợi dụng việc không quy định vốn đầu tư tối thiểu để đăng ký đầu tư tại Đà Nẵng. Điều này nhằm mục đích cư trú hợp pháp và giảm thời gian gia hạn thị thực, không cần hợp đồng lao động. Sau khi nghiên cứu, Sở KH&ĐT đã đề xuất UBND TP thống nhất chủ trương cấp mới và điều chỉnh giảm thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) cho NNN.
Cụ thể, đối với các lĩnh vực dịch vụ, thương mại không xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho dự án và có tổng vốn đầu tư từ 100.000 USD trở xuống, thời hạn hiệu lực của GCNĐKĐT không quá 10 năm. Dự án có tổng vốn đầu tư từ trên 100.000 USD đến 500.000 USD, thời hạn hiệu lực của GCNĐKĐT không quá 20 năm. Các dự án không thuộc hai trường hợp nêu trên, thời hạn hiệu lực của GCNĐKĐT không quá 50 năm.
Những cửa hàng ăn uống, hàng lưu niệm... do người nước ngoài đầu tư mọc lên nhan nhản tại Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT
Người nước ngoài vi phạm tràn lan
Những lo ngại của TP Đà Nẵng hoàn toàn có cơ sở. Minh chứng là gần đây, Bộ Công an đã công bố kết luận thanh tra về việc chấp hành các quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh và cư trú của NNN đối với UBND TP Đà Nẵng trong thời gian từ 1-1-2015 đến 31-12-2017.
Theo đó, toàn TP Đà Nẵng hiện có 1.557 NNN làm việc trong các tổ chức, DN, khu công nghiệp… Đã có 1.260 trường hợp được cấp GPLĐ, 787 trường hợp được cấp lại GPLĐ, 765 trường hợp lao động nước ngoài không thuộc diện cấp GPLĐ và 344 trường hợp bị thu hồi GPLĐ. Đà Nẵng đã phát hiện và xử lý hành chính 541 trường hợp vi phạm các quy định (đi lại quá phạm vi, thời hạn cho phép, không khai báo tạm trú…), phạt tiền hơn 3,3 tỉ đồng. Các cơ quan chức năng tại Đà Nẵng đã ra quyết định trục xuất ba NNN; hủy thị thực và buộc xuất cảnh 147 NNN; khởi tố điều tra ba vụ/ba bị can. Đà Nẵng cũng phát hiện 46 NNN hoạt động lữ hành, hướng dẫn viên trái phép.
UBND TP Đà Nẵng đánh giá thực trạng bát nháo trên bắt nguồn từ việc Luật Đầu tư 2014 không quy định mức góp vốn tối thiểu với NNN. UBND TP đã chỉ đạo Sở KH&ĐT lấy ý kiến của Bộ KH&ĐT. Tuy nhiên, “Bộ KH&ĐT yêu cầu phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Do đó, Sở vẫn phải cấp GCNĐKĐT cho các nhà đầu tư nước ngoài, không phân biệt số vốn đăng ký lớn hay nhỏ” - Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng cho hay.
Được biết nhằm hạn chế nhà đầu tư lợi dụng để cư trú hợp pháp tại Việt Nam, Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng đã thực hiện thẩm định từng dự án và chỉ cho phép thời hạn hoạt động đối với các dự án nhỏ 5-10 năm. Sở này thừa nhận việc thẩm định này không được quy định tại Luật Đầu tư.
Phải sớm sửa luật
Trao đổi với PV, luật sư Trương Công Nguyễn Anh Phiệt (Văn phòng luật sư Phiệt và cộng sự) xác nhận rằng Luật Đầu tư 2014 không đề cập đến con số thấp nhất mỗi lần đầu tư là bao nhiêu. “Luật DN và Luật Đầu tư đang bị hở chỗ đó. Tôi từng tư vấn cho nhiều dự án FDI và khi đó mới phát hiện đúng là có lỗ hổng” - LS Phiệt nói.
LS Phiệt viện dẫn nhiều trường hợp mà ông chứng kiến cho thấy kẽ hở pháp lý đang bị NNN lợi dụng. Theo đó, ban đầu NNN đưa tiền cho người Việt, đa phần là những sinh viên mới ra trường, đứng tên lập công ty. Những người Việt này được họ thuê làm giám đốc, trả lương. Sau khi thâm nhập thị trường, họ dần dần đưa nhiều NNN khác vô công ty dưới hình thức cổ đông góp vốn (không rõ có góp vốn thật không, góp bao nhiêu) và những NNN tới sau này cũng được hưởng ưu đãi về GPLĐ và cư trú. Cuối cùng, giám đốc người Việt làm giấy ủy quyền cho một NNN toàn quyền điều hành DN và sử dụng con dấu.
“Như vậy, theo đăng ký thì DN là của người Việt nhưng theo giấy ủy quyền thì trở thành DN nước ngoài nhưng không rõ NNN góp vốn bao nhiêu. Đây là lỗ hổng của quản lý nhà nước” - luật sư Phiệt nói và khẳng định Luật Đầu tư, Luật DN cần phải được sửa đổi để bịt lỗ hổng này.
Ông Trần Đình Quỳnh, Chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng, cũng cho rằng cần sớm sửa hai luật trên vì lợi ích quốc gia. “UBND TP đã đề nghị HĐND TP nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ điều chỉnh hai luật trên theo hướng quy định mức vốn tối thiểu đối với NNN để hạn chế việc lợi dụng chính sách”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Nho Trung, Phó Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, xác nhận đã nhận được báo cáo, kiến nghị của UBND TP. “HĐND TP đã giao cho Ban Pháp chế thẩm tra, nghiên cứu các quy định liên quan để trình ra kỳ họp HĐND TP sắp tới lấy ý kiến” - ông Trung nói.