Bỏ phiếu tín nhiệm: Hai hay ba mức?

Ngày 6-6, thảo luận về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi), nhiều đại biểu đề nghị: “Chỉ quy định hai mức “tín nhiệm” hoặc “không tín nhiệm”, đồng thời mỗi nhiệm kỳ nên lấy hai lần chứ nếu lấy một lần sợ cán bộ sẽ chững lại”.

Quy định ba mức là nặng cảm tính

Theo đại biểu (ĐB) Trịnh Thế Khiết (Hà Nội), việc dự thảo vẫn giữ nguyên ba mức đánh giá là “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp” là không phù hợp. “Chúng ta để như thế này thì sẽ không phân biệt được cán bộ tỉ lệ tín nhiệm ra sao. Và khi đã không phân biệt được thì chúng ta sẽ không thể đánh giá được cán bộ đó có đáp ứng được yêu cầu mà QH giao cho hay không. Do đó, cần phải sửa lại theo hướng hai mức, tức là “tín nhiệm” và “không tín nhiệm” mới phù hợp” - ông Khiết nói.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) cho hay chưa có tổ chức nào lấy phiếu tín nhiệm ba mức như vậy cả. “Tôi đề nghị lấy hai mức thôi. Như thế dễ hiểu và dễ chấp nhận. Chứ cứ như thế này, cử tri hỏi tôi không trả lời được. Cử tri nói điều này rất dễ hiểu sao QH lại làm khác đi! Giải thích của ban ĐB về ba mức không thuyết phục” - bà Tâm nói.

 
Thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương: “Công tác cán bộ phải quyết liệt hơn chứ bầu có cái ghế rồi ngồi hoài rất nguy hiểm”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đưa ra ba mức là tương đối co giãn để biết anh đang ở mức nào ở sự tín nhiệm của tập thể đó”.

Cho rằng để ba mức dễ dẫn đến tình trạng phân vân giữa ngã ba đường, ĐB Nguyễn Văn Minh (TP.HCM) cũng đề nghị chỉ quy định hai mức. “Quy định như trong dự thảo còn mang nặng cảm tính, không bình thường. Đề nghị chỉ quy định hai mức “tín nhiệm” và “không tín nhiệm” để có kết quả phân ra cao thấp” - Thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương đề nghị.

Không nên lấy phiếu một lần

Về quy định mỗi nhiệm kỳ chỉ lấy phiếu một lần vào năm thứ ba, nhiều ĐB cũng không đồng tình. Theo bà Tâm, cuối năm thứ hai có thể lấy phiếu tín nhiệm vì một năm đủ để đánh giá năng lực, khả năng điều hành và sự quyết liệt của cán bộ. Chứ nếu để sang năm thứ ba như dự thảo là muộn rồi. Như thế sẽ có gần hai năm để cán bộ sửa chữa và đến năm thứ tư lấy phiếu lại để đánh giá.

“Nếu chúng ta lấy phiếu chỉ để người đó rút kinh nghiệm thì mâu thuẫn với mục đích mà chính chúng ta đặt ra. Thông qua mà giữ như dự thảo thì tôi khó bấm nút thông qua” - bà Tâm thể hiện rõ quan điểm.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Đương cho rằng công tác cán bộ phải quyết liệt hơn chứ bầu có cái ghế rồi ngồi hoài rất nguy hiểm. “Nhà nước giao quyền lực cho anh để anh điều hành phát triển lên. Phải nhằm vào con người chứ nếu cứ để một người ngồi đấy mà không làm gì rồi cứ bám sâu vào cái ghế thì nó cắn cho mục ruỗng cái đất nước này, rất đáng quan ngại cho xã hội” - ông Đương nêu ý kiến.

ĐB Chu Sơn Hà cảnh báo vừa qua khi nghe Hội nghị Trung ương nói mỗi nhiệm kỳ chỉ lấy phiếu một lần thì dường như một số người đã có dấu hiệu chững lại. Trong khi trước đó, sau lần đầu tiên lấy phiếu có nhiều bộ trưởng đã có những thay đổi như Bộ trưởng Bộ GTVT, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam…

Nhiều ý kiến cũng đề nghị những ĐB có quá 50% tín nhiệm thấp thì nên vận động từ chức ngay hoặc bỏ phiếu chứ không nên để hai nhiệm kỳ.

THÀNH VĂN - THU HẰNG

 

Tổng Bí thư NGUYỄN PHÚ TRỌNG:

“Ba mức tín nhiệm và lấy phiếu một lần vào năm thứ ba”

Khi góp ý cho dự thảo trên tại tổ ĐBQH TP Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng đây là vấn đề liên quan đến nhiều thứ và là lần đầu tiên làm nên còn lúng túng.

“Đúng là vừa qua chúng ta có thực tế rồi nên có nhiều ý kiến khác nhau. Ngay cả chúng ta ngồi đây cũng đã khác nhau rồi, chưa kể ý kiến nhân dân. Đó còn là chưa kể trường hợp công bố, công khai mức nào, công bố ở đâu, trong này chỉ nói là công khai với đối tượng được lấy phiếu trong hội nghị này thôi. Chứ công bố, đăng báo lên thì toàn thế giới sẽ biết ai được bao nhiêu phiếu, rồi thì cũng rất tâm tư. Thế này thì thôi tôi còn gì uy tín mà tôi làm việc. Thế này thì luôn luôn phải co mình lại để đối phó chứ nếu làm hết mình là va chạm, mà va chạm là mất phiếu. Nó có mặt này, mặt kia. Cho nên lúc này ta tạm thống nhất với nhau là tương đối, rồi làm tiếp” - Tổng Bí thư nói.

Giải thích vì sao lại có ba mức đánh giá tín nhiệm, Tổng Bí thư cho hay vì lấy phiếu theo ý nghĩa như trên nên thiết kế ở ba mức. “Khi đã 2/3 ĐB tín nhiệm thấp thì mặc nhiên thôi và nếu bị trên 50% thì khóa sau tôi đưa anh ra bỏ phiếu rồi còn gì nữa. Quy định thế răn đe chứ, sợ chứ. Trên thực tế đúng như các đồng chí nói khối anh sợ, phải có điều chỉnh. Vì thế nên mới đưa ra ba mức là tương đối co giãn để biết anh đang ở mức nào ở sự tín nhiệm của tập thể đó”.

Tổng Bí thư cũng cho rằng sở dĩ chỉ lấy một lần vì công tác cán bộ đã được đánh giá bằng rất nhiều lần như đánh giá trước khi bầu cử, khi bầu vào các chức danh… Do đó, nếu lấy như cũ thì quanh năm chỉ bận việc lấy phiếu, còn làm với ăn gì nữa. Vì thế, quy định như trong dự thảo là phù hợp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm