Tham nhũng ngày càng diễn biến phức tạp: Có bao che, nương nhẹ?

Đó là những băn khoăn được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặt ra trong phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ QH đối với Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Huỳnh Phong Tranh ngày 22-8.

Chuyển cơ quan điều tra rất ít

Đề cập đến con số hơn 62.000 cuộc thanh tra, trong đó trên 52.000 cuộc đã kết thúc, song cơ quan thanh tra chỉ chuyển cho cơ quan điều tra có 464 vụ, còn lại là hầu hết là xử lý hành chính, ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) chất vấn: “Đề nghị cho biết vì sao có đến hàng trăm nghìn cá nhân vi phạm nhưng chỉ có 0,6% tổng số người vi phạm được chuyển cơ quan điều tra, còn lại xử lý hành chính?”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Lê Như Tiến cũng đề nghị Tổng TTCP và đại diện Bộ Công an cho biết có phải đang có xu hướng hành chính hóa các vụ tham nhũng trong hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật hay không.

Trả lời, Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh lý giải việc chuyển cơ quan điều tra ít là do mục đích thanh tra chủ yếu tìm ra mặt làm được, chưa được của đối tượng thanh tra để chấn chỉnh sai phạm, thiếu sót để hoạt động tốt hơn. Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Thanh tra đều bàn bạc với cơ quan điều tra thống nhất dấu hiệu để chuyển sang. “Chúng tôi cũng nhận là việc phát hiện vi phạm còn ít. Chúng tôi rút kinh nghiệm, cố gắng phát hiện dấu hiệu vi phạm để chuyển cơ quan điều tra” - ông Tranh hứa.

Tham nhũng ngày càng diễn biến phức tạp: Có bao che, nương nhẹ? ảnh 1

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trả lời chất vấn. Ảnh: TTXVN

Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ thì cho rằng phát hiện tội phạm tham nhũng thường là rất khó bởi người tham nhũng là những người có chức có quyền, cho nên người ta có kinh nghiệm trong việc che giấu hành vi phạm tội. Do việc phát hiện tham nhũng khó nên việc chuyển sang truy tố còn hạn chế. Tuy vậy, ông Ngọ đề nghị đơn vị thanh tra không nên cầu toàn, nếu quá trình thanh tra phát hiện có dấu hiệu vi phạm thì chuyển sang ngay cho cơ quan điều tra.

Không thể đổ lỗi cho khách quan

Nhìn vào công tác phát hiện tham nhũng trong năm năm qua, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền tỏ ra băn khoăn khi việc phát hiện vụ việc năm sau luôn giảm hơn năm trước. Ông Quyền đề nghị TTCP cho biết nguyên nhân của thực trạng này và vì sao cơ quan thanh tra lại ít phát hiện tham nhũng.

Ông Tranh lý giải việc này là do những năm đầu cơ quan chức năng thường thống kê cả các vụ việc còn tồn đọng nhưng nay các vụ tồn đọng không còn nữa nên số vụ việc ít đi. Hơn nữa, tham nhũng hiện nay ngày càng tinh vi, ẩn, phức tạp nên phát hiện ít, người tham nhũng có chức vụ, quyền hạn nên tố cáo tham nhũng cũng ít. Đặc biệt, ông Tranh nhấn mạnh do quyết tâm ngày càng mạnh mẽ nên tham nhũng càng ngày càng được xử lý kịp thời, kiên quyết khiến hành vi tham nhũng ngày càng giảm đi.

Không đồng tình với câu trả lời trên, ông Quyền nói: “Phải chăng ít phát hiện tham nhũng vì có lợi ích nhóm hay là bao che? Bởi năng lực, tổ chức bộ máy, quyết tâm chống tham nhũng của chúng ta không thiếu. Phải đi thẳng vào công tác quản lý cán bộ, thanh tra, kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của thanh tra trong phát hiện sai phạm, không thể đổ lỗi cho khách quan”.

Cần có “thanh tra đức”

Đại biểu LÊ NHƯ TIẾN: Các doanh nghiệp khi bị thanh tra thường rất lo lắng. Họ phải lo hành xử thế nào để làm đẹp lòng thanh tra viên, chăm sóc chu đáo, tiễn đưa hậu hĩnh, lệ phí gia tăng theo kiểu luật bất thành văn. Đây có phải là nguyên nhân khiến cho hàng trăm cuộc thanh tra nhưng không phát hiện được sai phạm, tham nhũng không? Phải chăng trong giáo dục có “đức dục”, y tế có “y đức” thì thanh tra phải có loại đức gì đó như “thanh tra đức””...

Tổng TTCP HUỲNH PHONG TRANH: Chúng tôi sẽ thực hiện văn hóa thanh tra, học tập tấm gương đạo đức của Bác, công tâm, trung thực, khách quan trong thực hiện kết luận thanh tra.

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm